Home » Giải trí, Thời Trang - Điện Ảnh » Việt Nam – ‘thiên đường làm phim’ của điện ảnh thế giới?
Để tham gia vào sân chơi quốc tế, điện ảnh Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc xây trường quay, thì hoàn thiện đội ngũ sản xuất phim là những việc bức bách nhất.

Tại cuộc toạ đàm điện ảnh “Việt Nam – môi trường hấp dẫn sản xuất phim” trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội, nhằm thu hút điện ảnh các nước đến Việt Nam làm phim, đại diện Cục Điện ảnh nhấn mạnh: “Việt Nam là nơi lý tưởng nhất để làm phim”.

30 ngày để có giấy phép làm phim

Theo ông Đỗ Duy Anh, Trưởng ban Quốc tế Cục điện ảnh, Việt Nam hiện nay là “lựa chọn ưu việt” nhất để làm phim. Ông chỉ ra “những điều kiện lý tưởng” như Nhà nước chưa đánh thuế làm phim, thủ tục đơn giản “nhiều nhất là trong 30 ngày từ khi nhận được kịch bản, chúng tôi sẽ phải trả lời có cấp phép hay không”.

Nhà sản xuất phim Phước Sang cũng tiếp lời, làm phim ở Việt Nam còn một điểm hấp dẫn nữa là “giá nhân công cực rẻ, mọi chi phí khác cũng thấp hơn nhiều so với bên ngoài”.

Ông Sang viện dẫn bộ phim Mười của công ty ông hợp tác sản xuất với Hàn Quốc, nếu phim được làm ở Hàn phải mất 6 – 7 triệu USD, trong khi làm ở Việt Nam chỉ mất 1 triệu. Thậm chí, nhiều bạn trẻ được đào tạo chuyên nghiệp ở các nền công nghiệp điện ảnh lớn như Pháp, Mỹ, Singapore.. cũng là những ‘nhân công giá rẻ’.

Ông Sang còn đưa ra những phim trường thiên nhiên nổi tiếng có thể hấp dẫn các nhà làm phim quốc tế như đảo Phú Quốc, Cam Ranh, Vịnh Hạ Long…

Francois Cantonné – nhà quay phim lừng danh của phim Đông Dương, người từng giành Oscar và Cesar 1993 – cũng tham gia buổi tọa đàm. “Phim Đông Dương được quay từ rất lâu rồi, kinh nghiệm làm phim ở Việt Nam của tôi có thể đã cổ, không phù hợp nữa. Có một điều tôi ghi nhận trong lần quay lại Việt Nam lần này là các thủ tục nhập cảnh, visa này khác khá tiện lợi, đơn giản…” và “Việt Nam không có khó khăn đặc thù. Sự đón tiếp và mối quan hệ giữa con người ở đây thực sự là điều khác biệt”

Thảm đỏ lộng lẫy, Ảnh Nguyễn Hoàng

Thảm đỏ lộng lẫy, Ảnh Nguyễn Hoàng

Tiến triển so với… chính mình

Trong sự lạc quan và hăm hở có phần hơi ‘lãng mạn’, ông Duy Anh khoe “Việt Nam đang có 2 trường quay đang được sử dụng, 3 trung tâm kỹ thuật điện ảnh phục vụ việc sản xuất phim, và ‘đội ngũ nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm’.

Sự lạc quan của ông Duy Anh với những nhà làm phim quốc tế, dường như vô tình lại “cào” đúng vết thương đang sưng tấy của các nhà làm phim Việt. Hai cụm từ trường quay và ‘đội ngũ làm phim chuyên nghiệp’ vẫn mãi là nỗi ám ảnh, vừa mong ước, vừa tủi thẹn của các nhà sản xuất phim của Việt Nam.

Trong hai trường quay ông nhắc đến có Cổ Loa, được sử dụng làm phim Huyền sử thiên đô dịp vừa rồi. Thế nhưng, trên thực tế, Cổ Loa đã là một phim trường bỏ hoang từ thời bao cấp, sau bao nhiêu lần cất nhắc, dự án xây dựng lại trường quay Cổ Loa hầu như vẫn chưa dịch chuyển.

‘Nỗi đau’ ấy có lẽ các nhà làm phim, đặc biệt những người phải sang cậy nhờ Trung Quốc làm phim dịp Đại lễ thấm thía hơn hết.

Sự nhiệt tình lãng mạn của ông Duy Anh thật đáng khen ngợi và đầy thiện chí, nhưng như nhà biên kịch Hồng Ngát nói “Môi trường tốt nhất để các nhà làm phim thế giới lựa chọn Việt Nam chính là sự tin tưởng và thẳng thắn của phía đối tác. Nên thực tế và rõ ràng để sự hợp tác được hiệu quả nhất”.

Bà Hồng Ngát nhận định so với ngày xưa, đúng là các vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực làm phim đã cởi mở hơn rất nhiều. Có thể nói, so với chính mình, điện ảnh Việt Nam đang ở giai đoạn tiến triển nhất về mặt… hành chính. So với những công đoạn dài dòng và sự ‘cảnh giác’ đến khắt khe trong khâu xét duyệt những năm trước đây thì cơ chế này đang được các nhà quản lý văn hóa nới rộng ra nhiều.

Như trường hợp đạo diễn Trần Anh Hùng: Sau khi làm phim Xích lô, đạo diễn này đã bị đưa vào ‘danh sách đen’, gần như không còn cơ hội được quay lại làm phim tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi quay lại cùng kịch bản Mùa hè chiều thẳng đứng, cùng sự nỗ lực giúp đỡ của các đồng nghiệp nhiệt huyết, Trần Anh Hùng đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp với Bộ trưởng Văn hóa – như bà Hồng Ngát nói – những người lãnh đạo đã nhìn ra được cái tâm trong sáng của nghệ sĩ, và dự án của anh được chấp nhận.

“Nếu không có sự thiện chí và cởi mở đó, Trần Anh Hùng đã không được trở lại Việt Nam, rất có thể đã không có những bộ phim đáng giá như thế. Việt Nam cũng mất đi những cơ hội quý báu để quảng bá mình qua những thước phim của một đạo diễn uy tín như thế”, bà Hồng Ngát lưu ý.

Tiến triển so với chính mình để hội nhập, thế nhưng, điện ảnh Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm.

Có một thực tế là những dự án phim nước ngoài lựa chọn bối cảnh quay ở Việt Nam hầu hết đều liên quan đến lịch sử, cụ thể thời Pháp và Mỹ. Những nhà làm phim muốn phục dựng lại các câu chuyện quá khứ. Thế nhưng những bối cảnh phù hợp như khu biệt thự kiến trúc Pháp, phố cổ, đô thị giống như mấy chục năm về trước đã và đang bị hư hao nặng nề và sẽ trở nên cực hiếm trong những năm tới.

Trong khi chưa có những trường quay hiện đại, các bối cảnh lịch sử, di sản văn hóa kiến trúc đặc thù nếu không được bảo tồn chu đáo, thì cơ hội vươn ra sân chơi quốc tế không chỉ của điện ảnh, mà của văn hóa Việt Nam nói chung sẽ càng xa vời.

Bên cạnh việc xây trường quay, thì hoàn thiện đội ngũ sản xuất phim là những việc bức bách nhất.

“Vật chất và con người đều thiếu hụt, đó là thực tế và phải nhìn rõ, nói rõ nếu muốn bạn tin tưởng mình, không lạc quan tếu được”, bà Ngát lưu ý.

Lễ trao giải, Ảnh LĐ

Lễ trao giải, Ảnh LĐ

Bao giờ cho đến… ‘thiên đường’?

Liên hoan phim Quốc tế tổ chức tại Hà Nội có thể coi là một dấu mốc cho điện ảnh Việt Nam, với 60 phim từ 23 nước tham gia. Những tên tuổi lớn như đạo diễn Phillip Noyce, Juhani Alanen- thành viên của Hội đồng tuyển phim tại LHP Tampere, Phần Lan trong 10 năm, Marco Mueller – Giám đốc Liên hoan phim Quốc tế Venice, Francois Cantonné… có thể nói, đó là luồng gió mang tới nhiều hy vọng và cơ hội cho Việt Nam.

Như ông Duy Anh đã tiết lộ, ngay trong những ngày liên hoan, một nhà sản xuất đã nói đến việc kết hợp với Việt Nam làm phim về anh Nguyễn Văn Trỗi. Tất nhiên cái giá bỏ ra để mang ‘luồng gió’ về không hề rẻ, nhưng có lẽ là những chi phí đáng giá.

Tuy nhiên, trong luồng gió ấy cũng còn rất nhiều việc phải bàn. Tại buổi tọa đàm ‘tạo ra môi trường’ cũng chỉ duy nhất có ông Duy Anh là đại diện phía quản lý Việt Nam. Trong khi thành phần tham gia tạo ra ‘môi trường’ là các bộ, ngành khác, hoặc ngay lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch vắng bóng, làm sao những người có quyền quyết định có thể hiểu và biết cách ‘tạo môi trường’ cho nhà làm phim?

Ngoài nói chuyện với nhau và.. chờ được chụp ảnh phỏng vấn ra, các sao chẳng biết làm gì, trong khi buổi giao lưu hoàn toàn có thể biến thành một hoạt động ý nghĩa và có tiếng vang. Ảnh Nguyễn Hoàng

Những điều ‘lẽ ra’ khi Liên hoan phim Quốc tế khép lại

Không thể phủ nhận những người làm điện ảnh Việt Nam đã có nỗ lực ớn trong việc tổ chức LHP Quốc tế tại Hà Nội, để từ đây, những nhà làm phim VN có nhiều hy vọng và cơ hội hơn khi được cọ xát với những nhà làm phim quốc tế. Khoảng cách giữa ‘giếng làng’ đến ‘biển lớn’ được rút ngắn lại.

Ở mặt đó, LHP đã thành công. Chỉ có mấy điều Ban tổ chức LHP cần rút kinh nghiệm cho những lần sau.

– Lẽ ra BTC Liên hoan phim, chủ các rạp có phim chiếu và các thanh niên tình nguyện cần ngồi với nhau làm việc chặt chẽ hơn. Thay vì người phát cứ phát, người bán cứ bán, người tình nguyện cầm con dấu giấy mời đóng bừa hào phóng, khiến cho các buổi chiếu trở nên lộn xộn quá tải.

Suất chiếu phim Khổng Tử tại Megastar vào buổi tối đó cũng tạo ra sự hỗn loạn nho nhỏ khi bên BTC Liên hoan phim và Megastar không thống nhất cách làm việc khiến khách có giấy mời và khách mua vé bị trùng số ghế. Có vị đành ngồi xuống lối đi, đại biểu như vợ chồng NSND Như Quỳnh cũng bị… đòi ghế. Sự việc làm nhiều khán giả bức xúc và buổi chiếu bị chậm 15 phút. Suất chiếu Trung Úy tại TT chiếu phim quốc gia lại xảy ra cãi cọ vì ghế.

– Trong Lễ bế mạc và trao giải, các diễn viên, ngôi sao chủ nhà thật đẹp, thật lộng lẫy và… ham nói. Nói nhiều, lặp đi lặp lại một nội dung, không nhường lời cho nghệ sĩ bạn.

– Phiên dịch sai nhiều chỗ, và nhiều đoạn không được dịch sang Tiếng Anh. Đó là điều thật đáng tiếc, bởi chúng ta mời khách đến đây dự LHP ‘quốc tế’, mà “chủ nhà” cứ nói không ngừng nghỉ, phiên dịch không chen vào được. Sự thiếu chuyên nghiệp và thiếu sự lịch lãm cần thiết chính ở đó.

– Lẽ ra khi giới thiệu người trao cho hạng mục giải quan trọng nhất của mọi LHP là Phim hay nhất, MC không cần phải ‘khuyến mại’ t hêm hai từ “nổi tiếng” với nữ diễn viên Kang Su Yoen và đạo diễn Phillip Noyce. Trong khi tên bộ phim đoạt giải chưa ai kịp nghe, MC Lại Văn Sâm chọn giải pháp gọi là: Phim (của) Singapore.

– Cuối cùng, trong suốt LHP, thật đáng tiếc đã không có một sự kiện nào hướng về miền Trung, trong khi đây chính là cơ hội lớn nhất giá trị và ảnh hưởng của các ngôi sao được tỏa sáng.

– Dù Cục trưởng điện ảnh Lại Văn Sinh đã tuyên bố một nửa tiền vé thu được từ LHP sẽ dành tặng đồng bào miền Trung nhưng sẽ trọn vẹn hơn, có chiều sâu hơn, và ý nghĩa hơn rất nhiều nếu BTC biết linh hoạt biến cuộc giao lưu thành buổi quyên góp từ thiện thay vì ‘thấy vô duyên quá, xúng xa xúng xính đến chụp vài cái ảnh rồi đi về’, như một nữ ngôi sao đàn chị tâm sự.

Hình ảnh các ngôi sao thế giới đi đầu, hoặc phát ngôn và hành động của họ trong các vụ thiên tai xảy ra luôn gây ấn tượng mạnh, tác động tới con người. Hơn ai hết, uy tín và ảnh hưởng của các sao được trông đợi không phải chỉ ở thảm đỏ hay trên sân khấu, mà ở lòng người. Trong khi có cả một buổi các sao lấp lánh đến chỉ ngồi đợi được chụp ảnh…

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc