Home » Kinh doanh » Vinashin – phát hiện chậm phải dùng biện pháp cấp cứu

Chính phủ đã thấy rõ việc giám sát tập đoàn Vinashin còn hạn chế yếu kém, chậm phát hiện những yếu tố tiềm ẩn. Nhưng khi Vinashin đã đến bờ vực phá sản thì trước hết phải dùng biện pháp cấp cứu…

Hậu quả của Vinashin là lỗ hổng mang tính cá biệt hay hệ thống, liệu trong sự việc này có phần nể nang bao che dẫn tới hậu quả càng nặng nề thêm?… Tiến sỹ Vũ Viết Ngoạn – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Điều quan trọng đối với Vinashin trong thời điểm này là cách giải cứu. Tuy nhiên, dường như người ta thấy cách giải cứu của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước bị đổ vỡ từ trước đến nay có vẻ lúng túng và không có gì mới, vẫn là việc xóa nợ, khoanh nợ mà không có biện pháp tích cực hơn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đó là một thực tế mà chúng ta không thể né tránh. Tôi cho rằng, vấn đề ở chỗ, tư tưởng chỉ đạo chúng ta có, ví dụ như việc tách chức năng quản lý hành chính nhà nước với chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đều đã được đề cập trong nhiều Nghị quyết và luật doanh nghiệp… Vấn đề là khi thực hiện còn nhiều hạn chế.

Điển hình là khi chúng ta đưa ra mô hình Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì rõ ràng chưa đủ độ chín. Ý tưởng thì đúng nhưng triển khai chưa được. Từ khâu ý tưởng, lý luận cho đến khâu hành động, thực hiện còn là khoảng cách lớn.

Tôi nghĩ rằng, đây là lúc cần hết sức bình tĩnh, nhìn thẳng vào thực tế những hạn chế yếu kém của mình. Cần xác định đâu là lỗ hổng cá biệt, đâu là lỗ hổng mang tính chất hệ thống để chúng ta sắp xếp rà soát thay đổi lại cho hợp lý.

Vinashin là lỗ hổng cá biệt hay hệ thống? (ảnh minh họa)

Hệ thống ở đây được hiểu là rộng trên phạm vi toàn bộ đối với các doanh nghiệp nhà nước nói chung chứ không riêng cá biệt một đơn vị cụ thể nào. Từ đấy đặt ra những kiến nghị liên quan đến chính sách, quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kiểm tra giám sát… kể cả vấn đề tái cơ cấu.

Đối với các tập đoàn tổng công ty nhà nước có vị trí then chốt trong nền kinh tế mà hiện nay đang gặp khó khăn về tình hình tài chính phải tổ chức rà soát lại, xử lý trách nhiệm ban lãnh đạo, đồng thời xem xét lại cơ cấu các tài sản, dự án nào hiệu quả thì bổ sung thêm ngay vốn nếu thấy cần thiết, và Vinashin không nằm ngoài những cái đó.

Chính phủ mới trình và có thể bơm thêm 5 nghìn tỷ đồng vốn cho các tập đoàn là tổng công ty nhà nước, giao cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ của nhà nước. Như vậy, theo như ông nói, thêm một lần nữa chúng ta lại sai lầm và lẫn lộn giữa trách nhiệm quản lý và điều hành doanh nghiệp…?

Chúng ta không nên nhìn nhận một vấn đề quá đơn giản như vậy. Các doanh nghiệp hiện đang là một thực thể tồn tại, nhà nước phải đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước cũng là một yêu cầu tất yếu.

Để đầu tư, triển khai, nhà nước có thể giao cho các địa phương, các bộ ngành thông qua các ban quản lý hoặc giao cho các doanh nghiệp của nhà nước.

Vấn đề là việc giao cho những anh nào có năng lực, có khả năng quản trị, quản lý tốt. Còn những anh yếu kém, không có năng lực quản lý sẽ không hiệu quả.

Vậy theo ông, khâu then chốt để giải quyết ở Vinashin hiện nay là gì?

Như tôi đã nói, vấn đề cốt lõi là phân biệt vai trò của nhà nước trong nền kinh tế với vai trò của các doanh nghiệp là thực thể trong nền kinh tế. Kinh doanh và quản lý nhà nước không nên trùng lặp nhau. Và Vinashin cần phải giải quyết tận gốc vướng mắc đó.

Nhưng hiện nay, Chính phủ cũng đã thấy rõ việc giám sát tập đoàn Vinashin còn hạn chế yếu kém, phát hiện chậm những yếu tố tiềm ẩn. Nhưng khi phát hiện chậm, Vinashin đến bờ vực phá sản thì trước hết phải dùng biện pháp cấp cứu, sau đó mới tìm ra các giải pháp như tái cơ cấu…

Với vụ Vinashin, có đại biểu cho rằng do lãnh đạo Chính phủ có phần nể nang, né tránh, thậm chí là bao che nên những sai phậm không sớm bị phát hiện?

Ý kiến thì ai cũng có quyền nói và theo cảm nhận thì rất dễ phát sinh những việc ấy. Nhưng với trách nhiệm cá nhân, theo tôi, khi nói cái gì thì cần có bằng chứng.

Xin cá̉m ơn ông!

Lan Hương

Theo dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc