Home » Kinh doanh » VND sẽ giảm giá đến đâu?
Tiền đồng sẽ tiếp tục giảm giá là kịch bản mà phần lớn chuyên gia trong và ngoài nước vẽ ra cho năm 2010-2011.

Mỹ đang theo đuổi chính sách USD yếu (mặc dù Chính phủ Mỹ chối bỏ điều này), khiến cho các cường quốc kinh tế lớn khác đều tìm cách hạ giá đồng nội tệ. Động thái này được giới quan sát đánh giá là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Và tiền đồng của Việt Nam được liệt vào một trong số những đồng tiền ở châu Á dễ bị tổn thương nhất. Cùng với những điểm yếu sẵn có của nền kinh tế, sức ép tỉ giá ngày càng tăng đã khiến cho nhiều người lo ngại tiền đồng sẽ xuống giá hơn nữa.

Sức ép tỉ giá

Bà Tamara Henderson, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Hối đoái châu Á Ngân hàng ANZ, cho biết, tiền đồng Việt Nam và rupee của Ấn Độ là 2 loại tiền tệ châu Á dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra chiến tranh tiền tệ (tình trạng các quốc gia đua nhau hạ giá nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu).

“Khi xảy ra các cuộc đấu tỉ giá, thị trường thường có xu hướng “trừng phạt” các loại tiền tệ từ những nước có thâm hụt cán cân vãng lai. Vì thế, tiền đồng là một trong những loại tiền tệ dễ bị tổn thương nhất ở các thị trường mới nổi châu Á, trong bối cảnh dòng chảy vốn nước ngoài có khả năng bị ngắt quãng do tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai”, bà nói.

“Trong khi hầu hết các nền kinh tế mới nổi châu Á đều có thặng dư cán cân thanh toán thì Việt Nam lại bị thâm hụt nặng ở mức 8-9%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế”, bà cho biết thêm.

ANZ cho rằng, tiền đồng sẽ tiếp tục giảm giá so với USD và nhân dân tệ trong năm 2011. Theo ngân hàng này, mặc dù có thể có một số yếu tố giúp hỗ trợ tiền đồng trong dịp cuối năm, nhưng dòng vốn nước ngoài đổ vào sẽ vẫn không đủ để bù đắp mức thâm hụt mậu dịch ngày càng tăng. Việc Việt Nam bị hạ mức tín nhiệm nợ càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt vốn nước ngoài.

Việt Nam đang tiếp tục chịu tình trạng thâm hụt thương mại, trung bình mỗi tháng hơn 1 tỉ USD, trong đó có đến 90% là thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tình trạng này rất khó cải thiện khi tiền đồng vẫn ở mức cao so với nhân dân tệ và nhiều mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du thuộc Chương trình Kinh tế Fulbright Việt Nam, tiền đồng đang cao hơn nhân dân tệ khoảng 60%.

Việc đồng tiền mất giá, về cơ bản, giúp đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Nhưng theo các chuyên gia tiền tệ ở ANZ, điều này cũng khiến giá trị tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài giảm, khiến họ ngại rót vốn vào Việt Nam. Việc mất giá tiền tệ cũng dễ gây tình trạng lạm phát, càng khiến nhà đầu tư thêm chán nản.

Trên thực tế, tỉ giá là nỗi lo thường trực của nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, mặc dù xu hướng chung hiện nay là các nước phát triển đổ vốn vào các nước đang phát triển, nhưng Việt Nam vẫn không nằm trong thứ tự ưu tiên của nhà đầu tư.

Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam (FII) chưa đến 1 tỉ USD, trong đó đầu tư cổ phiếu khoảng 600 triệu USD. Còn thị trường trái phiếu đến nay vẫn là cuộc chơi giữa các ngân hàng trong nước.

“Kinh tế vĩ mô của Việt Nam yếu về mặt cấu trúc, với tình trạng thâm hụt kép (thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán) cộng với hiệu quả đầu tư công thấp. Những điều này khiến Việt Nam kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM, nhận định.

Giá vàng thế giới liên tục tăng cũng tạo sức ép lên tỉ giá. Đầu năm đến nay, Việt Nam nhập 9 tấn vàng nhưng xuất 100 tấn. Việc hạn ngạch nhập vàng hạn chế và giá vàng trong nước cao đã dẫn đến tình trạng thu gom USD để nhập lậu vàng từ Campuchia qua.

Một sức ép khác là các hợp đồng vay vốn bằng USD của doanh nghiệp đã đến kỳ đáo hạn, đẩy nhu cầu mua USD lên cao. Trong bối cảnh đó, lượng kiều hồi lại không tăng đột biến và vốn nước ngoài chảy vào nhỏ giọt.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn trong nước (không muốn nêu tên) đã nhận định: “Việc hạ giá tiền đồng là không tránh được từ nay đến cuối năm, vì nền kinh tế khó lòng chịu được những sức ép như hiện nay”.

Tỉ giá sẽ được điều chỉnh đến đâu?

Thị trường đang có nhiều luồng dư luận khác nhau về thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh tỉ giá. Vào cuối giờ chiều ngày 21.10, tỉ giá tự do tại Hà Nội đã lên tới 20.130-20.170 VND/USD (mua vào – bán ra), cao hơn tỉ giá niêm yết 3%. Ngân hàng Credit Agricole (Pháp) cho rằng, sẽ có 2 đợt giảm giá tổng cộng 5% trong năm 2011, để tiền đồng đạt mức 20.500 VND/USD.

Trong nước xuất hiện 2 luồng ý kiến khác nhau. Một luồng cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ khó tránh khỏi một đợt điều chỉnh tỉ giá chính thức. Luồng còn lại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ mức giá hiện nay cho đến ít nhất tháng 2.2011.

Ngoài ra, còn có thêm một luồng ý kiến khác. Đó là với tình trạng tiền đồng vẫn còn bị định giá cao, việc điều chỉnh tỉ giá từ từ không đem lại hiệu quả mà chỉ tiếp tục kéo dài tình trạng bất ổn (tức đồng tiền vẫn tiếp tục bị định giá cao và tỉ giá luôn bị áp lực). Giới tài chính gọi đây là tình trạng “huyết áp cao kinh niên”. Ông Du, Fulbright Việt Nam, cho rằng, Việt Nam nên tính đến chuyện hạ giá tiền đồng dứt khoát một lần, để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn vào Việt Nam.

Quan điểm này đang vấp phải sự phản đối từ những người cho rằng, nợ quốc gia đang tăng cao và có thể dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả, đặc biệt khi các khoản vay là phi thương mại. Nền kinh tế cũng dễ bị tổn thương trước những cú sốc và việc giảm giá tiền đồng quá mạnh có thể gây hoảng loạn cho thị trường. Tuy nhiên, theo ông Du, “nếu điều chỉnh từ từ, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy kỳ vọng do chính mình đặt ra”.

Theo Lan Anh

Nhipcaudautu

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc