Home » Kinh doanh » Gót chân A-sin của tiền tệ
Dùng nguồn cung vốn ngắn hạn để cân đối nhu cầu vốn dài hạn là sự trật đường cần phải được uốn nắn không chậm trễ.

Tuần qua, đặc biệt ngày 9 và 10-11-2010, đánh dấu sự “nóng cháy” của lãi suất tiền đồng trên thị trường tiền tệ. Người ta đổ lỗi sự bùng phát của lãi suất cho việc gia tăng đột biến của giá vàng, tỷ giá.

Đó là hiện tượng bề ngoài, hay nói một cách chính xác hơn thị trường tiền tệ đã bộc lộ gót chân A-sin của chính nó.

Gót chân ấy không phải tự nhiên mà có, nó đã được “nuôi dưỡng” suốt một thời gian dài, đặc biệt là từ đầu năm 2010. Cái cần bây giờ là một mũi tên của hoàng tử Paris xuyên qua gót chân A-sin.

Nhưng giương cung ra sao, dưới tầm ngắm nào để mũi tên đến đích đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tổn thương cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế là trách nhiệm không chỉ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Những người “mua tiền” ăn đong

Trưa ngày 9-11-2010, người đứng đầu một ngân hàng quốc doanh tầm cỡ đang công tác ở nước ngoài nhận được tin nhắn từ nhà gửi sang cho biết lãi suất liên ngân hàng lên 18%/năm.

Ngay lập tức ông yêu cầu hội sở cùng các chi nhánh giảm tối đa việc cho vay và tạm ngừng đưa vốn ra thị trường liên ngân hàng. Ông không phải là người đầu tiên ra quyết định giảm cung ứng vốn cho thị trường.

Trước đấy vài ngày, ngay sau khi Chính phủ tuyên bố cho thả nổi lãi suất, nhiều ngân hàng ở vai trò người “bán tiền” trên thị trường liên ngân hàng đã âm thầm giảm giao dịch. Họ co về “phòng thủ” bởi không đoán định được lãi suất sẽ biến động ra sao.

Động thái của những người “bán tiền” đã khiến các tổ chức tín dụng ở vị trí người “mua tiền” trên thị trường liên ngân hàng, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng tầm trung, trở tay không kịp.

Ngày 27-10-2010, NHNN còn ra thông báo lãi suất cơ bản, tái chiết khấu, tái cấp vốn áp dụng cho tháng 11-2010 không thay đổi ở mức 8%/năm. Rồi những ngày cuối tháng 10 khối lượng và kỳ hạn tiền được NHNN bơm ra qua thị trường mở hầu như không thay đổi. Đùng một cái, một tuần sau gió đổi chiều!

Những ngân hàng “mua tiền” trở tay không kịp vì họ không có tiền dự trữ trong két. Số tiền họ đang có trong tay là tiền ăn đong do vay được từ ngân hàng khác hoặc từ thị trường mở qua giao dịch giấy tờ có giá với kỳ hạn 1-2 tuần.

Số tiền họ đang xài sẽ phải trả cho chủ nợ vào tuần sau, nhưng đến tuần sau họ lại vay của chủ nợ khác để trả cho chủ nợ hiện hành hoặc xin chủ nợ hiện hành gia hạn.

Những khoản vay vài ngày, một tuần cứ thế nối tiếp nhau, gối đầu cho nhau. Nay thực hiện chính sách chống lạm phát, NHNN giảm kỳ hạn dài ngày trên thị trường mở, từ bốn loại 1, 2, 3, 4 tuần xuống chỉ còn loại một tuần, cộng với sự rút bớt tiền về để đảm bảo thanh khoản dài hạn của những tổ chức tín dụng “bán tiền” trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng “mua tiền” lâm vào tình trạng không lối thoát.

Phản ứng dây chuyền

Giới quan sát đã bất ngờ: đúng là có ngân hàng thiếu vốn, nhưng tại sao lãi suất không nhảy từng bước một mà lại nhảy vọt?

Thử hình dung: ngân hàng A cho ngân hàng B vay 500 tỉ đồng, kỳ hạn một tuần. Nay A không những không gia hạn tiếp mà đòi lại ngay. B quay sang ngân hàng C, D, E… nhưng C, D, E… cũng lắc đầu.

Đáo hạn, không thấy B trả tiền, A “dọa”: “Lãi suất không phải 10%/năm đâu nhé, 20% đấy”. B gật cái rụp vì 20% chứ 25%/năm họ cũng bắt buộc phải gật vì có tiền đâu mà trả.

A nâng lãi suất lên chủ yếu để đòi cho được tiền, không ngờ với lãi suất đã nâng ấy mà tiền cũng không lấy lại được, họ lo lắng.

Trên thị trường, không chỉ có A hoặc B giao dịch với nhau, còn hàng trăm ngân hàng khác với những mối quan hệ mua bán chằng chịt. Phản ứng dây chuyền diễn ra!

Bị đòi nợ ráo riết, chỉ còn kênh duy nhất để huy động vốn là dân cư, những ngân hàng ở vào thế như ngân hàng B đành phải tăng lãi suất tiết kiệm.

Lãi suất tiền gửi “nhảy” lên 13-13,5%/năm, nhưng tiền vẫn không vào được bao nhiêu vì các ngân hàng lớn và uy tín cũng đưa ra lãi suất như thế.

Ngân hàng B đành phải “đi đêm”, thỏa thuận lãi suất tiền gửi 14-15% với số lượng từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng trở lên với những khách hàng lớn dạng tổ chức kinh tế. Vòng xoáy lãi suất cứ thế hình thành, đẩy cả những ngân hàng có hệ số sử dụng vốn trên vốn huy động thấp vào thế bị động!

Cốt lõi sự vận hành của dòng tiền

Vậy vốn khả dụng của những tổ chức tín dụng đi “mua tiền” như ngân hàng B nằm ở đâu mà khi đáo hạn hay bị đòi bất ngờ họ không có để trả? Thứ nhất, ngân hàng B dùng vốn vay và huy động (ở đây phần lớn là vốn ngắn hạn) để mua trái phiếu chính phủ.

Còn nhớ quí 2-2010 khá nhiều ngân hàng nhỏ đã mua hoặc bảo lãnh phát hành khối lượng lớn trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Họ chấp nhận lãi suất trái phiếu thấp vì sau đó họ dùng trái phiếu giao dịch trên thị trường mở để có tiền đồng với lãi suất chỉ có 7-8%/năm.

Tiền có được từ thị trường mở là ngắn hạn, nhưng họ lại cho vay với kỳ hạn dài. Chừng nào cơ chế lãi suất thị trường mở và trái phiếu vẫn còn chênh lệch 2-3%/năm, họ còn có thể kiếm lời và động thái này còn tiếp tục.

Bài toán trái phiếu và lãi suất thị trường mở không phải chỉ ngân hàng nhỏ như B nhìn ra. Tất cả các tổ chức tín dụng đều nhìn thấy nó. Những ngân hàng lớn cũng mua trái phiếu, cũng tham gia thị trường mở và cũng hưởng chênh lệch.

Chỉ có điều họ không dùng vốn có được từ thị trường mở cho vay dài hạn mà đem ra giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, cho những ngân hàng dạng như B vay. Họ giống như “siêu đại lý” cấp một vì họ có trái phiếu và có nhiều.

Họ có thể “bán tiền” giá thấp (lãi suất thấp) và số lượng lớn cho những người mua cấp hai, để những người này bán lẻ cho người mua cấp ba với lãi suất cao hơn. Cứ thế hệ số tạo tiền tăng lên nhanh chóng.

Nay ngân hàng đầu tiên rút tiền về, chỉ cần rút một nửa thôi, cái hệ thống vận hành của dòng tiền ấy sẽ không chuẩn bị kịp.

Cái chính là sự không kịp chứ không phải quy mô lượng tiền rút về. NHNN thừa biết rằng nếu giảm ngay và giảm nhanh khối lượng tiền bơm ra qua thị trường mở, thị trường tiền tệ sẽ bị tác động. Vì thế lượng tiền NHNN đưa ra giảm dần có tính toán số lượng hợp lý.

Tuy nhiên sự không hợp lý lại nằm ở chỗ tiền phải qua nhiều cấp bậc, nhiều ngân hàng mới trở về được kho NHNN. Quãng đường dài ấy đòi hỏi thời gian mà NHNN thì không cho thời gian.

Xét cho cùng, “cơn sốt” lãi suất đã xảy ra vì sự mất cân đối của dòng tiền trên thị trường và sự mất cân đối ấy đã tồn tại từ lâu, nó có đủ thời gian để tích tụ lại.

Ngoài ảnh hưởng của cơ chế lãi suất trái phiếu – thị trường mở, nó còn được gia cố bởi sự lách luật của các ngân hàng khi thực hiện quy định của NHNN về việc chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Quy định này nhằm hạn chế rủi ro trong sử dụng kỳ hạn vốn. Nhưng các tổ chức tín dụng đã lách (đồng loạt) bằng cách huy động tiền gửi dài hạn, song trả lãi và vốn ngắn hạn định kỳ.

Chẳng hạn trên sổ tiết kiệm của khách hàng, kỳ hạn gửi là 24 tháng, nhưng bên dưới lại ghi rõ trả gốc và lãi sau 1, 2, 3, 6… tháng theo yêu cầu của người gửi.

Thực chất đó là tiền gửi ngắn hạn, nhưng trên sổ sách nó là tiền gửi 24 tháng và các ngân hàng sử dụng 100% số tiền huy động đó để cho vay trung, dài hạn (từ 12 tháng trở lên). Từ đây dẫn đến mất cân đối kỳ hạn – là một trong những rủi ro lớn nhất của hoạt động tín dụng.

Giải quyết tận gốc

Thoáng nhìn, “cơn sốt” lãi suất lần này có vẻ giống “cơn sốt” năm 2008, tuy nhiên quy mô và tầm ảnh hưởng của nó lớn hơn nhiều. Nếu chỉ nhìn vào tổng vốn huy động và dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng cùng con số tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán thì dường như mọi việc vẫn ổn.

Thực chất lại không như vậy. Sự thay đổi đang diễn ra ở cơ cấu của dòng vốn và sự vận hành trong sự mất cân đối kỳ hạn của nó.

Tỷ trọng vốn huy động ngắn hạn của hệ thống ngân hàng đang tăng lên và chiếm tỷ lệ áp đảo, kỳ hạn đưa vốn ra qua thị trường mở (cho dù để đảm bảo thanh khoản) cũng đang ngắn lại (chưa bao giờ dài hơn 28 ngày), trong khi nhu cầu vốn thực sự của nền kinh tế không phải là 1-2 tuần hay một tháng, mà là 6, 9, 12 tháng thậm chí dài hơn.

Dùng nguồn cung vốn ngắn hạn để cân đối nhu cầu vốn dài hạn là sự trật đường cần phải được uốn nắn không chậm trễ.

Trên cơ sở đó, việc NHNN thông báo duy trì bơm vốn qua thị trường mở, khôi phục kỳ hạn 14 ngày bên cạnh kỳ hạn một tuần là chưa đủ. Khi có lửa cháy, nước cứu hỏa cần phải đưa thẳng đến nơi ngọn lửa bắt đầu và dập lửa tại gốc.

Nhưng trong bối cảnh hiện tại, nước cứu hỏa lại phải vượt qua hai, ba tòa nhà khác mới tới nơi lửa cháy, mà trên đường đi ấy, giá nước đã tăng lên rồi!

Không phải ngẫu nhiên, ngay từ nhiều tháng trước, đã có những ý kiến yêu cầu kiểm soát việc bơm tiền qua thị trường mở và tăng kỳ hạn đưa tiền ra lên ba hoặc sáu tháng.

Động thái này nên được nghiên cứu thực hiện và đi kèm với nó là gia tăng lãi suất. Lãi suất thị trường mở kỳ hạn ba tháng, thí dụ, có thể tới 12%/năm. Tới đây, sự gia tăng của lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ không còn là điều phải bàn cãi.

Sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN để cân đối hợp lý lãi suất trái phiếu và lãi suất thị trường mở là cần thiết. Hơn nữa, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ năm 2011 theo biểu quyết của Quốc hội vừa rồi là 45.000 tỉ đồng, thấp hơn hẳn mức 100.000 tỉ đồng của năm nay. Đó là một thuận lợi cần được tận dụng.

Theo Hải Lý
TBKTSG

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc