Home » Tiêu Điểm » 12 năm, Việt Nam nhập siêu 71 tấn vàng
Trong vòng 12 năm qua, Việt Nam đã nhập siêu 71 tấn vàng và hoạt động kinh doanh vàng chỉ mới mạnh lên từ năm 2003 đến nay.

f31Thon

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu (ảnh: Việt Hưng).
Hoạt động đầu cơ vàng lan nhanh
Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 23/11, vấn đề giá vàng và ngoại tệ đã được đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi. Tham gia Quốc hội với vai trò là khách mời, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho hay:
Giá vàng năm nay có nhiều diễn biến bất thường, đặc biệt là giá vàng thế giới kể từ ngày 1/7 diễn biến rất phức tạp. Ngày 1/7, giá vàng ở thế giới nằm ở khoảng 1.241 USD/ounce, đến 30/7 giảm xuống mức 1.166 USD/ounce nhưng ngày 31/8 lại lên đến 1.236 USD/ounce và theo đà tăng, giá vàng trong ngày 9/11 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử là 1.424 USD/ounce. Diễn biến giá vàng thế giới có tác động đến giá vàng trong nước.
Theo đánh giá chung từ Thống đốc NHNN, việc giá vàng tăng đột biến có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung vào 2 nguyên nhân chủ yếu: Một là, các nước có nền kinh tế lớn gần đây đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế. Hai là sự đầu cơ của các nhà đầu cơ trên thế giới về vàng rất quyết liệt.
Đối với trong nước, mặc dù Việt Nam không phải là nước sản xuất và xuất khẩu vàng nhưng gần đây hoạt động kinh doanh vàng phát triển rất nhanh, xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng.
Theo số liệu của hải quan và NHNN, từ năm 1998 đến tháng 9/2010 doanh số xuất nhập khẩu vàng như sau: Việt Nam nhập khẩu 339,8 tấn, xuất khẩu 268,8 tấn. Như vậy, trong 12 năm qua, Việt Nam đã nhập siêu 71 tấn vàng.
Trong 12 năm này, hoạt động vàng tăng trưởng mạnh lên ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2003 (tức là được 8 năm). Còn trước đó, số xuất, nhập khẩu vàng gần như không đáng kể và hiện tượng kinh doanh vàng mạnh và có biểu hiện đầu cơ diễn ra trong 2 năm 2009 – 2010.
“Trước tình hình này, chúng tôi đã cùng với các bộ, ngành báo cáo với Thường trực Chính phủ một số giải pháp, đặc biệt là cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định của thị trường. Thủ tướng cũng đã cho phép điều chỉnh chính sách về quản lý vàng, nhất là năm 2000 chúng ta cho phép các tổ chức tín dụng được huy động vàng và cho vay vàng trên thị trường. Tháng 10 vừa rồi chúng tôi ban hành Thông tư số 22 qui định đối tượng cho vay hẹp hơn, nhằm quản lý tốt hơn, nhất là hạn chế đầu cơ trong hoạt động cho vay kinh doanh vàng”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, hiện có 2 luồng tư tưởng cho rằng: Vàng trong xã hội phải huy động vào ngân hàng để biến thành của cải vật chất và vàng trong xã hội thì phải có chính sách tác động vào để khai thác, đưa trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm giá trị vốn cho xã hội. Hiện tại, NHNN đã xây dựng hai kịch bản cho vàng nhưng thiên hướng vào kịch bản thứ hai. Tức là sử dụng chính sách để khai thác vàng trong dân, đưa trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh.
Thâm hụt cán cân thanh toán chỉ khoảng 2 tỷ USD
Theo thống kê từ Thống đốc NHNN, năm 2009 mặc dù Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp nhưng cán cân tổng thể vẫn bị thâm hụt 8,8 tỷ USD. Năm 2010, những giải pháp để giảm nhập siêu đã được Chính phủ đưa ra từ đầu năm và theo kế hoạch ban đầu là cán cân tổng thể thâm hụt 4 tỷ USD.
“Với sự điều hành của Chính phủ và phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian gần đây, khả năng cán cân tổng thể của chúng ta thâm hụt ít hơn. Chúng tôi dự báo có khả năng trên dưới 2 tỷ, nếu như chúng ta kiểm soát nhập siêu khoảng 12 tỷ hoặc trên dưới 12 tỷ”, Thống đốc nói.
Về việc giá USD trên thị trường tự do tăng lên rất cao và hiện đang ở mốc quanh 21.000 VND/1 USD, NHNN đang triển khai một số chủ trương, biện pháp bình ổn tỷ giá.
“Vừa qua có thể có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải sử dụng nguồn ngoại tệ dự trữ để can thiệp mạnh hơn vào thị trường. Nhưng theo chúng tôi, vấn đề quan trọng là chúng ta phải kiểm soát tốt nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì nhập siêu của chúng ta khó giảm nhanh được”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Dù không phải là người quản lý về lĩnh vực giá vàng và ngoại tệ, nhưng trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: Những cơn sốt giá vàng, USD thời gian gần đây đã tác động rất lớn đến giá cả nói chung. Tác động trực tiếp chính là hàng hóa nhập khẩu về, tỷ giá thay đổi theo hướng tăng sẽ kéo giá hàng hóa tăng theo. Thậm chí nhiều mặt hàng doanh nghiệp đã nhập về từ trước cũng “té nước theo tỷ giá”.

Nguyễn Hiền
Theo dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc