Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Vàng nhà nước bán như “tôm tươi”, dân mua rối bời
Cuối ngày 28-6, giá vàng trong nước đã đảo chiều tăng mạnh hơn 1,9 triệu đồng/lượng so với sáng nay. Hôm nay các công ty kinh doanh vàng miếng có một ngày giao dịch sôi động, ngược lại tại các cửa hàng, giao dịch khá vắng vẻ.

Giá vàng SJC ngoài thị trường chênh lệch mua - bán cả 1 triệu đồng/lượng (Ảnh chụp lúc 15g chiều 28-6) - Ảnh: H.Nhựt

Lúc 15g chiều 28-6, giá vàng SJC mua vào đã tăng lên mức 36 triệu đồng/lượng, giá bán ra cũng tăng lên 36,70 triệu đồng/lượng. Đến 16g, giá mua bán vàng SJC đã tăng lên 36,2 – 36,9 triệu đồng/lượng. Đến cuối ngày, giá bán vàng SJC đã lên tới 37 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua – bán vẫn giữ mức 700.000 đồng/lượng.

Trong khi giá vàng trong nước đảo chiều tăng loạn xạ, giá thế giới tại châu Á vẫn giao dịch quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce, tăng 2-8 USD. Với mức giá này, vàng trong nước lại giãn rộng mức chênh lệch giữa 2 thị trường lên đến gần 6 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với mức chênh lệch giá vàng buổi sáng. 

Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho biết, khi giá vàng xuống vùng 34 triệu đồng/lượng trong sáng nay, lượng khách hàng đến mua vào tăng mạnh. Hiện tượng này đã diễn ra trong liên tiếp 2 hôm nay.

Trong một diễn biến khác, tại phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra sáng 28-6, các tổ chức đã mua sạch 40.000 lượng vàng miếng SJC trên tổng khối lượng 40.000 lượng SJC chào thầu.

Theo thông tin của NHNN, trong phiên đấu thầu này, đã có 5 thành viên trúng thầu là các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN. Giá trúng thầu cao nhất 35,50 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 35,05 triệu đồng/lượng. Như vậy, tính đến cuối ngày hôm nay, khi giá vàng chạm lại 37 triệu đồng/lượng, các ngân hàng trúng thầu vàng đã được lợi gần 2 triệu đồng/lượng. 

Tại đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM) – khu vực kinh doanh vàng sầm uất nhất TP.HCM, đại diện cửa hàng TP.HCM của công ty vàng Ngân hàng Nông nghiệp VN, cho biết dù giá vàng biến động mạnh nhưng khách đến mua bán vàng rất ít, chủ yếu khách hỏi mua vàng miếng loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ; nhưng hiện nay loại vàng này ra thị trường ít hoặc không còn sản xuất. Trong khi đó giao dịch vàng SJC loại 1 lượng ít khách mua. 

Quản lý cửa hàng này cho biết mọi hoạt động chỉ nhộn nhịp ở tại hội sở đường Nguyễn Công Trứ của công ty vàng bạc đá quý SJC, còn người dân chủ yếu mua vàng miếng loại nhỏ để cất trữ… 

Lúc 15g cùng ngày, tại cửa hàng nêu trên đã niêm yết giá mua bán vàng SJC có mức chênh lệch đúng 1 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết chênh lệch giá mua bán chỉ 700.000 đồng/lượng. Khi được hỏi, đại diện cửa hàng cho biết do “chưa đổi giá kịp”. Trên thực tế, khi giá vàng biến động mạnh, các cửa hàng sẵn sàng ghim giữ chờ giá lên. 

Tình trạng dùng dằng để trục lợi từ mức chênh lệch giá mua bán cũng diễn ra tại các ngân hàng. 

Anh K. ở quận Phú Nhuận cho biết lúc gần 15g, anh đến Ngân hàng Đông Á trên đường Phan Đăng Lưu để mua vàng. Khi đến nơi, nhân viên bảo anh chờ họ hỏi lại giá bán, mãi một lúc sau mới báo giá 36,73 triệu/lượng; trong khi đó trước khi đi anh đã cẩn thận gọi điện hỏi giá thì được báo là 36,6 triệu đồng/lượng. Sau khi suy nghĩ, anh quyết định mua với giá 36,73 triệu/lượng, bất ngờ nhân viên thông báo giá lên 36,76 triệu/lượng. 

“Tôi thấy hình như ngân hàng đang “vờn” mình, nên bực quá đi về luôn”, anh nói. 

Vì sao giá vàng giảm “khủng”? 

Theo ông Phan Dũng Khánh – chuyên gia phân tích đầu tư của Công ty Maybank Kimeng VN, giá vàng thế giới giảm “kinh hoàng” trong tuần này do hai yếu tố chính: Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và các quỹ đầu cơ bán mạnh hơn 500 tấn vàng, cả về vàng vật chất và vàng khống. 

Cũng theo ông Khánh, với giá vàng trong nước, áp lực giảm càng mạnh hơn giá thế giới. Trong đó có 3 lý do chính là vàng thế giới giảm giá đã gây áp lực lên giá vàng trong nước. Thứ hai chênh lệch giá vàng quá lớn, có thời điểm lên 7 triệu đồng. 

Sau ngày 30-6, nếu các ngân hàng tất toán xong, nhu cầu mua vàng của các tổ chức không còn nữa sẽ dẫn đến chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới bị thu hẹp dần. Lúc này rủi ro sẽ tăng gấp đôi nếu giá thế giới tăng mà giá vàng trong nước tăng không cao hoặc tăng chậm hơn. 

Bên cạnh đó, theo thông kê của các công ty vàng, trong năm nay nhu cầu vàng vật chất cũng đang thấp nhất trong các năm, cho thấy nhà đầu tư cũng đã sẵn sàng cho các kênh đầu tư khác ngoài kim loại quý. 

H.NHỰT – K.NHUNG

Theo tuoitre

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc