Home » Kinh doanh » 5 tỷ USD và ẩn số 800 tấn vàng dưới đáy két

Với lượng vàng và USD khá cao được cất giữ, lúc bình thường, nó nằm ở đáy két, được xem là đứng ngoài lưu thông chính thức và không được thống kê. Nhưng điều đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.


Tích trữ vàng và USD đã là một thói quen của người dân Việt Nam. Thói quen này càng trở nên thịnh hành khi nền kinh tế có dấu hiệu bất ổn, nguy cơ mất giá tiền đồng tăng, các kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người hiện vẫn mang nặng tâm lý: tích trữ vàng và USD là một sự trú ẩn an toàn… Tuy nhiên, điều đó kéo theo nhiều hệ lụy cho cả người dân và nhất là đối với nền kinh tế.

Chỉ an toàn, không sinh lợi

Trong một trao đổi gần đây, ông Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia, nói rằng, cân đối trên các con số đầu vào, đầu ra ngoại tệ của cả nền kinh tế lại cho thấy một “sai số” giật mình. Có khoảng hơn 5 tỷ USD đã biến mất. Số tiền này không nằm trong lưu thông, không thể hiện ở bất cứ một tài khoản tiền gửi hay đầu tư nào…

Nếu như một nước khác thì đây là một câu chuyện lớn nhưng ở Việt Nam, câu chuyện đơn giản là tiền đã ra khỏi lưu thông và dường như cả người dân và nhà quản lý đều bình thản vì quá quen với việc này.

5 tỷ USD và ẩn số 800 tấn vàng dưới đáy két, Tài chính – Bất động sản, vang, giá vàng, usd, giá usd, tài chính, kinh tế, nhà đầu tư

Tích trữ vàng và USD để an toàn tài chính?

Như vậy, tiền không còn là tiền nữa mà trở thành món đồ cất giữ dưới đáy két hay ở đâu đó. Người dân giữ tiền lại như một tài sản đảm bảo cho sự an toàn tài chính của mình. Tiền không vào lưu thông mà còn được tích trữ khi tiền đồng Việt Nam liên tục mất giá.

Chính sự mua gom và tích trữ này đã góp phần cho việc khan hiếm và tăng giá trên thị trường USD tự do.

Trong khi đó, dù chưa có con số chính thức nhưng các chuyên gia và các công ty vàng bạc đều đưa ra con số ước lượng thì đến nay số vàng nằm trong dân, chủ yếu dưới dạng tài sản cất giữ, lên đến khoảng 700-800 tấn. Đây là một lượng tài chính rất lớn nằm trong tay cá nhân và không hề được thống kế, quản lý.

Việt Nam có một thị trường chợ đen USD rất lớn và sôi động, bất chấp cơ quan quản lý luôn nói đây là một thị trường nhỏ và có những biến động thất thường do có yếu tố tâm lý và đầu cơ.

Nhưng thực tế, biến động trên thị trường tự do luôn là biểu hiện đầu tiên cho những khó khăn của ngoại hối. Thậm chí, những động thái trên thị trường tự do luôn được nghe ngóng, chờ đón như là báo hiệu cho thay đổi về chính sách quản lý.

Bên cạnh đó, những hoạt động kinh doanh vàng, nhất là vàng vật chất (dạng vàng miếng) tính theo lượng rất phổ biến và ngày càng nhiều.

Chỉ trừ một số thời điểm Việt Nam có xuất khẩu vàng, còn lại Việt Nam luôn nhập khẩu vàng với số lượng ngày càng lớn. Có những năm số vàng nhập khẩu khoảng 50-60 tấn, thậm chí 80 tấn. Theo thời giá hiện nay, thì lượng nhập khẩu này sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm, gây áp lực lên tỷ giá và điều hành tiền tệ.

Một đánh giá của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới cho rằng, người dân Việt Nam vẫn có thói quen tích trữ vàng từ lâu nay và coi vàng là công cụ cất trữ, đầu tư an toàn cùng với đồng USD. Chính những thói quen này đã tác động rất lớn tới sự biến động của giá vàng. Điều này xuất phát từ việc người dân và doanh nghiệp không yên tâm về tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD.

Có rất nhiều người đang găm giữ USD vì họ cho rằng găm giữ USD là biện pháp bảo vệ tài sản cho họ. Người dân dường như tìm những nơi trú ẩn an toàn cho tài sản hơn là sinh lợi. Nhưng từ đây cũng gây ra rất nhiều hệ lụy đang tàn phá nền kinh tế Việt Nam.

Ẩn số từ đáy két

Trước hết, với hàng chục tỷ USD đang được găm giữ và tích tụ trong két sắt mỗi nhà dân đã khiến chi một lượng vốn lớn gần như bị đóng băng. Hoặc có chuyển hóa đầu tư cũng thường đưa qua nhưng kênh đầu tư như nhà đất và gần đây là chứng khoán, gây nên những cơn sốt bất ổn cho thị trường. Đây thực sự là một sự lãng phí lớn.

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, trong một tính toán trước đây nhận xét, thâm hụt thương mại Việt Nam khoảng 5 tỷ USD. Như vậy, nếu số tiền cất giữ trong dân được giải phóng và đưa vào lưu thông thì sẽ giúp cần bằng ngoại hối và những căng thẳng về USD sẽ được hóa giải. Về cơ bản, Việt Nam không thiếu USD.

Hơn nữa, trong khi Việt Nam hàng năm phải hết sức vất vả để vay vốn nước ngoài cho đầu tư phát triển thì hàng tỷ USD vẫn được cất giữ, qua cả vàng và đồng bạc xanh. Chưa kể, việc chi hàng tỷ USD để nhập khẩu vàng cũng gây áp lực lên nhập siêu và tỷ giá.

5 tỷ USD và ẩn số 800 tấn vàng dưới đáy két, Tài chính – Bất động sản, vang, giá vàng, usd, giá usd, tài chính, kinh tế, nhà đầu tư

Nguồn vốn lớn không được quản lý; lãng phí và bất ổn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần hệ quả của những nguồn vốn được xem là nằm ngoài lưu thông này. Đây là những nguồn lực không được thống kê và thể hiện trong lưu thông tiền tệ quốc gia, không được quản lý.

Song, với một số lượng lớn, sự bất ngờ tham gia thị trường bằng cách chuyển ra tiền hay đầu tư vào tài sản khác đều có thể gây nên bất ổn. Vì thế, chính các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo, không thể để dòng tiền vào thị trường mà không kiểm soát.

Điều này rất dễ nhận thấy khi không ít thời điểm, nhu cầu mua USD tăng, giá USD chợ đen đã tăng lên nhanh chóng, thì Ngân hàng Nhà nước muốn vẫn phải bơm tiền ra để giải quyết tình trạng căng thẳng hoặc có sự điều chỉnh tỷ giá để giảm bớt áp lực.

Tuy nhiên, điều đó khiến cho nguồn ngoại tệ dự trữ bị ảnh hưởng cũng như gây ra những bất ổn trong chính sách quản lý.

Ngược lại, khi sốt vàng, giá vàng tăng cao, người dân đổ xô đi mua khiến mất cân đối cung cầu. Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải cho nhập khẩu vàng. Nhập vàng lại tác động lên tỷ giá khi các DN cần gom USD để mua vàng.

Thực sự, đây là một áp lực đối với cơ quan điều hành tiền tệ nhưng dường như chưa có cách gì để thoát ra. Cách duy nhất là cố gắng níu kéo và nhích dần cho quan những thời điểm căng thẳng mà chưa có giải pháp để hóa giải tình trạng bất ổn về USD, vàng….

Quan sát tình hình biến động giá vàng gần đây, các chuyên gia đến từ ADB cho rằng, ngoài yếu tố giá thế giới tăng thì có nguyên nhân người dân Việt Nam có thói quen giữ vàng để làm phương tiện thanh toán.

Giá vàng tăng giá mạnh trong thời gian qua là do đầu cơ và do VND mất giá khiến người dân càng coi vàng là công cụ tích trữ và đẩy mạnh mua vào. Mỗi khi nhu cầu vàng tăng mạnh là vàng lại bị giới đầu cơ thổi giá.

Việc ngừng cấp phép nhập khẩu vàng đã tạo sự khan hiếm vàng trong nước, thêm cơ hội cho giới đầu cơ thao túng thị trường. Giới đầu cơ chuyển USD để mua vàng, khiến cho áp lực giảm giá đối với tiền đồng ngày một lớn hơn.

Giá vàng tăng cao khiến hoạt động gửi tiền không còn hấp dẫn, người gửi tiền chuyển từ nắm giữ tiền VND sang vàng.

Bên cạnh đó, điều này có thể khiến áp lực lạm phát tăng cao, khi giá vàng tăng cao đẩy giá bất động sản tăng, giá các loại hàng hóa khác cũng leo thang. Tất nhiên, trong vòng xoáy đầu cơ và tăng giá, chính các nhà đầu tư cũng thiệt hai khi thị trường biến động nhiều và luôn mang theo nhiều rủi ro.

Thói quen định giá và thanh toán nhiều mặt hàng vằng USD và vàng cũng khiến người găm giữ luôn có xu hướng chuyển đổi các tài sản này sang các lĩnh vực đầu tư ngắn hạn khác để tối đa hóa lợi nhuận…

Đó chính là lúc một lượng vốn lớn được chuyển đổi và đưa vào lưu thông mà cơ quan quản lý không thể nắm được; gây nên lạm phát, bất ổn cho nền kinh tế. Đây cũng chính là ẩn số khiến chính sách tiền tệ gặp rất nhiều khó khăn trong điều hành và ít có tác dụng kể cả khi áp dụng những biện pháp hành chính mạnh mẽ.

Theo 24h

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc