Home » Thể thao » Đại hội thể thao châu Á lần thứ 16: Việt Nam cứu nguy cơ “trắng vàng” ASIAD cách nào?
Không còn là nguy cơ nữa mà nỗi lo “trắng vàng” đang hiển hiện ra trước mắt lãnh đạo đoàn TTVN. Còn quá ít hy vọng để đoàn TTVN có thể chờ đợi, trong khi những áp lực đang ngày một nén lại khiến VĐV đối mặt với vô vàn khó khăn ở phía trước…

Điểm danh “vàng”

Dù không có phong độ cao nhưng Vũ Thị Hương vẫn được hy vọng sẽ đem về tấm HCV cho điền kinh Việt Nam. Hôm nay, mọi chuyện rất có thể sẽ có câu trả lời khi Hương bước vào loạt chạy 100m ở vòng loại vào lúc 17giờ. Ở vòng loại rất ít khi các VĐV bung hết sức để thi đấu, nhưng nếu các đối thủ có sự cạnh tranh quyết liệt để giành suất vào bán kết thì việc chủ quan sẽ đánh mất tất cả.

Tại vòng loại nhóm 1, Vũ Thị Hương là VĐV có thành tích gần đây cao nhất (11’’34), hơn người đứng thứ 2 là 1 VĐV người Nhật Bản Momoko đúng 1% giây (11’’35). Đây cũng là 2 VĐV được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho 2 tấm vé vào vòng bán kết. Tại SEA Games 25, Vũ Thị Hương giành HCV ở nội dung 100m với thành tích 11’’34.

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 16:  Việt Nam cứu nguy cơ ’trắng vàng’ ASIAD cách nào? - Tin180.com (Ảnh 1)

ĐT cầu mây cần vượt qua rào cản tâm lý để quyết chiến với Thái Lan

Suốt 1 năm qua, thành tích này chưa một lần được tái thiết. Thành tích gần đây nhất của Hương là tấm HCV tại giải điền kinh Malaysia mở rộng (11’’55). Tuy nhiên, đây là giải đấu mà các đối thủ tranh chấp với Hương lần này đều vắng mặt nên chưa thể nói lên điều gì. Điều đáng lo hơn là trong suốt 1 năm qua, Vũ Thị Hương không có chuyến tập huấn nước ngoài nào, ngoài 2 lần tham dự tại giải có phần “an ủi” ở Grand Prix châu Á (tháng 5) và giải Malaysia mở rộng hồi tháng 10.

Một VĐV xuất sắc hàng đầu Đông Nam Á, thống trị SEA Games nhiều năm lại bị “đối xử” như vậy thì cũng đáng bàn cho cách đầu tư của thể thao Việt Nam. Không có sự hỗ trợ tốt nhất nhưng với tố chất của 1 VĐV hàng đầu, hy vọng Hương vượt qua được những khó khăn để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Theo tính toán của BHL, Vũ Thị Hương phải đạt thành tích khoảng trên dưới 11’’25 mới có cơ hội giành HCV. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản, bốn năm trước Hương chỉ về thứ 4 với thành tích 11’’59.

Ngoài Vũ Thị Hương, Trưong Thanh Hằng ở nội dung 800m và 1500m cũng được chờ đợi sẽ tạo ra bất ngờ. Dù vậy, việc ít được đi thi đấu cọ xát cũng là một trở ngại lớn với chân chạy người TPHCM này.

Sau điền kinh, không thể không nhắc tới Cầu mây nữ. Sau thất bại khó hiểu tại nội dung đồng đội trước đối thủ “đàn em” Indonesia, thầy trò HLV Hà Tùng Lập đang gác qua nỗi đau này để có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chiến quyết định đến chỉ tiêu 1 HCV. Thái Lan vẫn là vật cản lớn nhất với các cô gái cầu mây Việt Nam. Hy vọng với kỳ ASIAD cuối cùng sự nghiệp của những Hải Thảo, Bích Thuỳ, Lưu Thị Thanh, Thu Ba….sẽ bảo vệ thành công ngôi vô địch.

Cuối cùng, thầy trò HLV Lê Công sẽ gánh trọng trách lớn nhất khi là những người thi đấu cuối cùng trong đoàn (bắt đầu từ ngày 24/11). Đáng tiếc là đến phút chót, Nguyễn Hoàng Ngân (nội dung kata) phải chia tay giải vì chấn thương. Chỉ tiêu giành 1 HCV đang được đặt lên cả vào những đòn thế của ĐKVĐ Vũ Thị Nguyệt Ánh (kumite).

Tuy nhiên cũng như các môn khác, việc có quá ít thông tin về các đối thủ sẽ khiến các võ sĩ karatedo bị động mỗi khi vào trận. Hơn nữa, dù đang là ĐKVĐ nhưng cửa HCV với Vũ Thị Nguyệt Ánh chỉ là 50-50, Ánh vẫn đang chấn thương và cô cũng không còn yếu tố bất ngờ như cách đây 4 năm.

Bài toán tâm lý

Sẽ chẳng phải bàn nhiều về lý do vì sao đoàn Việt Nam tại ASIAD 16 chưa một lần bước lên ngôi cao nhất. Khoảng cách về trình độ chính là rào cản lớn nhất khiến các VĐV không thể giành “Vàng”, thậm chí hàng loạt VĐV rơi rụng ngay từ vòng đầu. Song, một yếu tố khác cũng cực kỳ quan trọng trong thể thao mà chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỹ tại Đại hội lần này, đó là tâm lý thi đấu.

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 16:  Việt Nam cứu nguy cơ ’trắng vàng’ ASIAD cách nào? - Tin180.com (Ảnh 2)

Bài học của Hoài Thu sẽ giúp các VĐV chưa thi đấu tránh được vết xe đổ?

Trong số khoảng 10 trận mà các VĐV Việt Nam lọt vào tới chung kết thì có không ít trận, việc không duy trì được trạng thái tâm lý đã khiến các VĐV của chúng ta bại trận đáng tiếc.

Nhìn lại những cú “sảy chân” đáng tiếc trong suốt thời gian vừa qua, các VĐV đã quá căng cứng trước trách nhiệm với tổ quốc. Hay nói cách khác, dường như họ muốn đền đáp luôn, ngay những gì mà mình được quan tâm và đầu tư suốt một thời gian vừa qua. Chỉ có điều, tâm lý muốn thắng đã tác dụng ngược lại với chính bản thân mình.

Sau những trường hợp đánh rơi “vàng” đáng tiếc đó, chắc chắn BHL cũng như bản thân các VĐV ở những môn còn lại đã có những bài học cho riêng mình. Việc chiến thắng chính bản thân mình được xem là yếu tố quyết định đến thành bại của VĐV trong nửa cuối ASIAD 16. Thế nhưng, việc có tránh được sai sót ở những trận đấu cụ thể hay không thì còn phải đợi khi giải kết thúc mới có câu trả lời.

Thiếu tập trung, mất bình tĩnh và để cơ hội giành HCV trôi qua là điều các VĐV phải rút kinh nghiệm nhưng họ không phải là người có lỗi lớn nhất trong chuyện này. Với BHL và những người có trách nhiệm cao hơn của thể thao Việt Nam, bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, họ phải giúp VĐV có được sự ổn định tâm lý ở một đấu trường khốc liệt như ASIAD. Đáng tiếc, trong đội ngũ này cũng chưa có sự đồng thuận cao nhất, mà cầu mây nữ là điển hình.

Sức ép tâm lý tiếp tục đang đè nặng lên những tuyển thủ ở các môn còn chưa thi đấu như Điền kinh, Cầu mây, Karatedo… Việc tất cả có vượt qua được sức ép này hay không sẽ là câu trả lời cho cho câu hỏi mà rất nhiều người đang đặt ra: Liệu lần này đoàn Việt Nam sẽ “trắng vàng”?


(theo dantri)

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc