Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Giá tăng, công nhân làm một lo hai
“Thứ gì cũng tăng giá, chỉ có tiền lương thì vẫn như cũ”.

“Bắt đầu từ tháng 1.11 tiền nhà sẽ tăng thêm 100.000 đồng…” Nhận thông báo của chủ trọ, chị Thiện, công nhân may ở quận 12, bất lực nói: “Lo thì lo chứ làm công nhân như vầy thì xoay thêm gì được nữa! Lắm lúc nghĩ không biết làm gì bây giờ”.

Không phải lần đầu những phụ nữ quán xuyến thu chi gia đình như chị Thiện đối mặt với bài toán chi tiêu lúc tăng giá. Nhẩm trong đầu nỗi lo mấy tháng qua, chị kể: “Tháng 9 là học phí, dụng cụ học tập. Tháng 10 là thực phẩm. Giờ lại bị tăng tiền nhà”. Chị Thiện tâm sự rằng, giá cả tăng hàng ngày, lương thì một năm mới tăng được gần trăm ngàn.

Quen chuyện giảm khẩu phần

Sau hai tháng tăng ca, chủ nhật này (14.11), chị Tuyết, công nhân da giày công ty Vichen, khu công nghiệp Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương được nghỉ. Sáng sớm, chị hồ hởi cầm 50.000 đồng đi chợ, dự định mua con cá lóc, mớ rau sống về nấu nồi canh chua, món mà ông xã chị rất thích ăn.

Kết quả, Tuyết mua được: 20.000 cá khô, 10.000 tóp mỡ heo để kho cá, bốn quả trứng 10.000 nữa và thêm 10.000 rau cải bẹ. Tuyết chỉ tay vào giỏ đồ, nói: tháng trước, 5.000 đồng ba quả trứng vịt thì nay chỉ được hai, cá khô tăng thêm 5.000 đồng, còn rau thì lẽ ra được một ký, nay chỉ có nửa ký. “Thứ gì cũng tăng giá, chỉ có tiền lương thì vẫn như cũ”, Tuyết cười và nói.

Trưa chủ nhật, ghé dãy nhà trọ công nhân khu Bình Đường 2 ở huyện Dĩ An, nhóm công nhân da giày công ty Han Sol gồm Nguyễn Văn Mỹ, Vũ Thị Toàn, Vũ Thị Loan và Phan Thị Thắm, cùng quê ở huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá mới có dịp ăn chung. Buổi sáng lên kế hoạch hùn tiền mua cá điêu hồng về nấu lẩu, mỗi người góp 20.000 đồng. Kết quả vẫn là: cá khô, rau và nước mắm. “Nồi lẩu cá phải 100.000 đồng mới đủ, em mua cá khô ăn được cả ngày”, Toàn, người cầm tiền đi chợ giải thích.

Theo Toàn, nhóm của họ làm công nhân da giày, lương tháng mỗi người tối đa 2,1 triệu đồng. Tiền nhà, điện, nước, tiền ăn hàng tháng hết mỗi đứa 1 triệu. Trước đây giá cả chưa tăng, Toàn đi chợ cũng cố gắng cho cả nhóm mỗi tuần ăn hai ba bữa thịt, cá tươi, nhưng nay thì không được như vậy nữa.

“Một quang hai gánh”

“Em sợ lấy chồng lắm. Bố mẹ ở nhà làm ruộng, nuôi bốn đứa em ăn học, em mà lập gia đình thì chúng nó lấy tiền đâu đóng học phí, mua sách vở”. Là chị cả, Phạm Thị Tâm, công nhân công ty Place, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 bỏ học từ lớp 11 để vào thành phố làm công nhân, nói. Tâm sống trong căn phòng khoảng 10m2, vốn đã chật chội cho bốn người ở, nay phải dành ra một góc để đặt chiếc máy khâu. Những lúc rảnh rỗi, Tâm tranh thủ nhận quần áo sửa lại kiếm thêm thu nhập. Xa vùng quê ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình từ lúc 25 tuổi, năm nay Tâm đã 32 mà vẫn một mình.

Tâm nói không nỡ để lũ em bỏ học. Cơn lũ vừa rồi tuy nhà Tâm không bị sập, nhưng toàn bộ lúa ngoài đồng thì trôi sạch. Mười tháng ròng gom góp được 8 triệu dự định tết này về thăm nhà, nay lại phải gửi gấp để bố mẹ mua gạo, đóng tiền học cho em. Thêm một cái tết nữa Tâm phải xa nhà…

Không chỉ có Tâm, mặc dù giá cả leo thang, cuộc sống khổ sở, nhưng hầu hết công nhân xa quê ai cũng phải lo toan làm sao để khoản tiền gửi hàng tháng về phụ giúp gia đình không bị đứt quãng. Nguyễn Thị Vân, quê ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An tâm sự, chị lấy chồng, sinh con rồi gửi về ông bà ngoại từ khi nó mới 17 tháng tuổi. Bốn năm rồi vợ chồng chưa gặp mặt con mà chỉ nghe giọng nói của nó qua điện thoại. Vợ chồng Vân làm quần quật, từ 7 giờ đến 10 giờ đêm, nhưng tết đến, vẫn không dám về quê…

Giấc mơ về quê

Tuyết năm nay mới 27 tuổi, chồng quê Thái Bình, lập gia đình, sinh con hai tuổi thì cả hai phải để lại con cho ông bà ngoại ở xã Bắc Sơn, Đô Lương, Nghệ An nuôi để vào khu công nghiệp Bình Đường làm công nhân may. Thu nhập tháng hai vợ chồng 5 triệu thì gửi về 2 triệu cho con, còn 3 triệu hai vợ chồng phải dè sẻn lắm mới đủ.

“Nội tiền phòng, điện, nước mỗi tháng 700.000 đồng anh ạ. Tháng nào thêm vài ba cái đám cưới xem như không đủ”, Tuyết tâm sự. Mỗi tuần vợ chồng chỉ dám gọi điện về cho con một lần. Nghe giọng con, có hôm hai vợ chồng ngồi ôm nhau khóc.

“Chúng em chỉ làm hết năm nay sẽ về quê ngoại ở Nghệ An làm ruộng. Mấy năm nay chúng em cũng dành dụm được ít tiền, ông xã tính sẽ mua mấy con heo giống, ít gà để chăn nuôi. Còn em thì mở cái tạp hoá rồi phụ bố mẹ làm ruộng”, Tuyết nói vậy.

Mỹ và Toàn dự định cuối năm nay sẽ tổ chức làm đám cưới, sau 15 năm gắn bó với đời công nhân da giày, hai bạn gom góp được 10 triệu đồng. Mỹ cho biết hai bạn sẽ về làm đám cưới ở quê…

Còn cô gái tên Nguyễn Thị Nương quê ở Phan Thiết mới vào Sài Gòn được hai năm. Nương đang làm công nhân ở công ty Pro Kingtext Việt Nam (Đài Loan) ở quận Bình Tân. Lương mỗi tháng được 2 triệu. Trích 500.000 đồng, Nương gửi về quê, 500.000 đồng tiền nhà trọ. Còn lại 1 triệu Nương chi phí các khoản.

Hỏi Nương dự định tương lai, em tâm sự: ở quê đến mùa thu hoạch nho cũng nhiều việc, lương ngày có khi 100.000 đồng. Có lẽ hết năm em sẽ về, rồi học lấy cái nghề gì đó, chứ ở trong này làm công nhân mà cuộc sống chẳng thấy khá hơn.

Theo Hoàng Bảy – Minh Cúc

SGTT


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc