Home » Thời nay, Tiêu Điểm, Văn hóa » Giá trị xã hội và những cái lưng
Văn hóa biển số xe là văn hóa không cần nhìn mặt, chỉ nhìn… lưng. “Sống ở đời hơn nhau cái lưng”, như thể nếu không quay lại khoe cái biển quý, thì cả cái xe và con người ngồi trên xe đó đều chẳng có giá trị gì.

Cách so sánh nghe có vẻ thô thiển, nhưng nếu bình tâm quan sát thật kỹ, hoá ra hai vế đó liên quan gắn bó với nhau chặt chẽ, diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Ngay cả trong câu chuyện, trong cách hành xử và nhận thức, có khi chính ta không nhận ra.

Đánh giá bằng…lưng

Là khi ở ngoài đường, người ta không nhìn nhận đánh giá ai đó bằng vẻ mặt, con người hay văn hoá của anh/chị ta trong cộng đồng. Vì đơn giản, có khi mặt anh/chị ta bị bịt kín như Ninja vì khói bụi. Vì đường phố quá đông đúc chật chội, lơ mơ là tai nạn, người người tranh nhau tý không gian chật hẹp, làm sao đủ thời gian thư thái nhìn mặt ai đó. Và vì khi ấy bậc trí thức nhân sĩ cũng như kẻ thất học phàm phu cũng có vẻ mặt gần giống nhau: Mệt mỏi, căng thẳng, cau có, không kể những kẻ lỗ mãng sẵn sàng ném ào ào những từ ngữ bẩn thỉu nhất, thậm chí nhảy xổ vào thượng cẳng chân, hạ cẳng tay người bên cạnh chỉ vì một va chạm nhỏ.

Là khi người ta săn đón trọng thị ai đó không phải vì khuôn mặt ai đó thiện cảm, hành vi ai đó lịch lãm hay một cử chỉ tử tế, không phải khi anh ta bước vào mà là khi anh ta quay xe lại.

Bởi lẽ, phía sau anh ta có vật thể hiện đẳng cấp: Cái biển số xe. Đúng thế! Chiếc biển số xe, được gắn phía sau, với mục đích nguyên thuỷ chỉ là để phân biệt xe này với xe khác giúp những nhà quản lý kiểm soát trật tự giao thông. Thế nhưng ở ta, chiếc biển xe có trọng trách hơn thế nhiều lần.

Văn hóa biển số xe là văn hóa không cần nhìn mặt, chỉ nhìn... lưng. Ảnh minh họa

Ở một hệ thống giao thông lắm xe máy, nhiều người đi, người ta chỉ nhìn lưng thay nhìn mặt, mới sinh ra văn hóa ngắm biển số xe. Từ cái vật vuông vuông bé bé có số ấy mà suy ra nào thiếu gia công tử, nào dân chơi sành điệu, nào doanh nhân đẳng cấp, quan cao chức trọng…

Nghe có vẻ thô thiển, nhưng văn hóa biển số xe là văn hóa không cần nhìn mặt, chỉ nhìn… lưng. “Sống ở đời hơn nhau cái lưng”, như thể nếu không quay lại khoe cái biển quý, thì cả cái xe và con người ngồi trên xe đó đều chẳng có giá trị gì.

Một đứa con sẵn sàng vét trong túi đồng tiền cuối cùng, thậm chí dùng sinh mạng để dọa cha mẹ như một quý cô trên báo – chỉ để được sở hữu chiếc điện thoại model nhất, thì đứa con ấy cũng sẽ rất dễ dàng để bị lôi kéo vào những hành động xấu chỉ để thỏa mãn những khát vọng tầm phào nhất.

Một quan chức sẵn sàng dùng mối quan hệ hay tiền công để đổi chác bằng được cái biển xe đẳng cấp, liệu ông ta có dễ dàng đốt tiền chùa vào những thú vui phù phiếm hơn?.

Hơn người như thế, có làm nên những giá trị văn minh không?

Cũng chỉ ở ‘văn hóa nhìn lưng’, người ta mới tranh giành chộp giật, đổ tiền đốt bạc mua bán những biển số đẹp, thậm chí lo lót, hối lộ, chạy vạy cơ quan công quyền để có biển số đẹp. Rồi người ta nghi ngờ, hậm hực, tố cáo ông nọ bà kia dùng thẩm quyền của mình để đổi chác. Người ta ném những cái nhìn bất mãn về phía những chiếc xe có cái ‘lưng’ đẹp.

Cũng vì thế người ta mới bỏ ra cả nhiều triệu đồng, đôi khi là tiền nhà nước, để có ‘cái lưng’ hơn người. Những đại gia khả kính cười hãnh diện bên chiếc xe cáu cạnh gắn biển đẹp, thiếu gia công tử sẵn sàng vi phạm giao thông, kể cả ẩu đả xúc phạm cảnh sát rồi… quay lưng lại cho họ xem vai vế.

Thế mới thấy, uy lực của miếng sắt vuông bé nhỏ mà ghê gớm thế nào.

Mà không chỉ thế, biển xe, số điện thoại, số nhà… tất thảy được các bậc nhiều tiền lắm thế tính toán, nào phát tài phát lộc, nào tứ quý, nào tiến lên tiến xuống, mà những số trên lại phải trùng nhau lại càng tuyệt. Đành thì ‘tiền của họ, họ thích họ khoe’, nhưng những xe biển công cũng lộc lộc phát phát thì chả ai hiểu nổi.

Nếu thực sự “lộc” đến từ những ‘cái lưng’ đó, thì không biết mấy ngài Bill Gates, Carlos Slim Helu… phải đeo ‘cái lưng’ nào cho xứng.

Và chuyện cái lưng khác

Lại là… lưng, nhưng lần này là lưng thật, lưng của cô hoa hậu. Nếu trên đường, người ta dùng biển xe để thể hiện đẳng cấp của mình, thì trên báo các cô hoa hậu, người đẹp tha hồ khoe, không chỉ lưng mà tất cả cái gì có thể khoe được.

Bản thân các cô không phải vấn đề, mà ở chỗ vì xã hội quá chú trọng vào… lưng các cô. Từ phập phồng lo lắng năm nay có cuộc thi hoa hậu nào không? người đẹp nào được chọn đi thi thế giới? Việt Nam có hay không có đại diện ở Miss World năm nay?… tới cô người đẹp mặc áo dài màu gì, đeo hoa tai gì, múa công hay múa quạt, cười ít hay cười nhiều… tất thảy được cập nhật.

Cô hoa hậu đi rồi, mang theo bao ‘kỳ vọng’, ‘trông đợi’, ‘tỏa sáng’, ‘đánh dấu tên trên bản đồ thế giới’… như thể thế giới chỉ có thể biết đến Việt Nam qua những cuộc thi hoa hậu.

Người đẹp Kiều Khanh về, người ta lại chờ cô ‘giải trình’ về thất bại. Một cuộc chơi tưởng chừng vô thưởng vô phạt mà khiến cả xã hội ‘kỳ vọng’ rồi ‘thất vọng’.

Giá như, chỉ số ba vòng của cô hoa hậu được cập nhật thay bằng chỉ số đất nước. Rằng ‘vòng 1’ Hà Nội đang phình to với bế tắc giao thông đô thị, quả bom dân số môi trường; rằng ‘vòng 2’ miền Trung đang thắt lại vì thiên tai nghèo đói, bần cùng; rằng ‘vòng 3’ TP Hồ Chí Minh đang như con sông lớn…liệu có HOT được như mấy cô hoa hậu không?

Xã hội quá chú trọng vào... lưng các hoa hậu. Ảnh minh họa

Người viết bài chợt nhớ đến mốt quần cạp trễ đang làm mưa gió trong giới trẻ. Nam thanh nữ tú mặc quần trễ đến không thể trễ hơn, hở cả nửa cặp ‘bưởi’ khi các cô cậu ngồi. Đi cùng với nó là quần lót hàng hiệu. Quần càng trễ càng khoe được nhiều đồ hiệu bên… trong, đặc biệt với giao thông đi xe máy của ta.

Với các quý cô này, có lẽ chẳng có gì đáng giá hơn chiếc quần hiệu CK lấp ló của cô.

Chẳng ai trách nếu đó là thú chơi chỉ của mấy thanh niên trẻ tuổi, nhưng sẽ thành vấn đề khi sự phù phiếm hời hợt không phải là ‘độc quyền’ riêng của các cô các cậu nữa.

Một đứa con sẵn sàng vét trong túi đồng tiền cuối cùng, thậm chí dùng sinh mạng để dọa cha mẹ như một quý cô trên báo – chỉ để được sở hữu chiếc điện thoại model nhất, thì đứa con ấy cũng sẽ rất dễ dàng để bị lôi kéo vào những hành động xấu chỉ để thỏa mãn những khát vọng tầm phào nhất.

Một quan chức sẵn sàng dùng mối quan hệ hay tiền công để đổi chác bằng được cái biển xe đẳng cấp, liệu ông ta có dễ dàng đốt tiền chùa vào những thú vui phù phiếm hơn?.

Hơn người như thế, có làm nên những giá trị văn minh không?

Theo Đan Thiềm

Vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc