Home » Sức khỏe » Đi chân đất – Trào lưu mới?
Hiện nay, thú đi chân đất đã trở thành một phong trào rộng lớn, bao gồm nhiều nước thuộc đủ mọi châu lục trên thế giới, nó vừa là một cách giải trí lành mạnh, vừa là một phương pháp chữa bệnh mà mục đích cuối cùng là làm cho con người gần gũi với thiên nhiên hơn và tiếp thu ở thiên nhiên nguồn năng lượng và sức mạnh vô tận của nó.

Thú đi chân đất xưa…

Thú đi chân đất đã từng thu hút những con người nổi tiếng như nhà triết học cổ đại Socrate, Joséphine, vợ của hoàng đế Napoléon, nguyên soái Suvorov, vũ công Duncan Aisedor… và có một lịch sử rất lâu đời.

Theo kinh thánh, những người đi chân đất đầu tiên là ông Ađam và bà Eva.

Ở Ai Cập cổ đại, những thợ thủ công, binh lính và những người thuộc các tầng lớp dưới đều đi chân đất, còn những người thuộc các tầng lớp trên thì đi dép, tuy nhiên họ bao giờ cũng cởi dép khi vào yết kiến nhà vua trong triều hoặc trước sự hiện diện của đức vua.

Ở Hy Lạp cổ đại, việc đi chân đất rất phổ biến. Trong các trường học ở Sparta và Athène, các học sinh quanh năm đi chân đất và chỉ từ 18 tuổi mới được phép đi giầy dép.

Vào giữa thế kỷ thứ II, việc đi chân đất mang một ý nghĩa khác – như tượng trưng cho sự đau khổ vì đức tin, như bằng chứng về sự chân thành phụng thờ đức Chúa.

Vào thế kỷ XIII ở châu Âu đã xuất hiện những dòng tu đòi hỏi các thành viên của mình phải đi chân đất. Còn vào thế kỷ XVI ở Pháp, người ta đã sáng lập dòng Carmel đi chân đất mà những môn đồ của nó suốt đời không được mang giày dép.

Vị tướng vĩ đại của Nga là Aleksandr Suvorov hàng ngày, thậm chí trong cơn giá lạnh thường đi dạo chơi với đôi chân trần.

Các đại văn hào Aleksandr Puskin và Lev Tolstoi cũng rất ưa thích đi chân trần trên tuyết.

Trong quân đội Paraguay ở nửa sau thế kỷ XIX, các binh lính và tướng tá không được phép đi ủng. Ngay cả kỵ binh khi cưỡi ngựa cũng phải buộc đinh thúc ngựa vào đôi chân trần của mình.

Có những trường hợp việc cố tình đi chân đất là nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người. Về phương diện này, ở những thời điểm khác nhau, phải kể đến Eva Braun (để Hitler lưu ý đến nàng), Jacqueline Kennedy (đi chân đất trên thảm cỏ trước Nhà Trắng rồi đến những tấm ảnh làm náo động dư luận). Công nương Diana (đi chân đất chạy thi với những bà mẹ trẻ), Brigitte Bardot (đi chân đất khiến cho hàng đám đàn ông bám theo làm tắc nghẽn cả giao thông)…

Nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng Marlène Dietrich không bỏ lỡ dịp tụt giầy trước công chúng bởi lẽ nàng muốn khoe đôi chân tuyệt đẹp của mình.

Đi chân đất trên phố thành trào lưu tại nhiều thành phố ở châu Âu.


… và nay

Thời gian gần đây, ở nhiều nước đã dấy lên cái mốt barefood (trong tiếng Anh bar là để trần và food là bàn chân) tức là lối sống đi chân đất.

Phong trào này khởi thủy ở London, nơi đặt cơ quan đầu não của Tổ chức những người đi chân đất toàn thế giới – “Society for barefood living” và càng ngày càng mang tính chất toàn cầu. Thậm chí được thành lập “Hiệp hội lòng bàn chân bẩn” (“Dirty soles”) và được xây dựng những công viên dành riêng cho những người đi chân đất, ở đó mọi người có thể mang cả gia đình đến nghỉ ngơi và hưởng thụ sự tự do thoải mái… của đôi chân.

Làm thế nào lại có thể đi chân đất trên các đường phố bởi lẽ điều đó là khó coi, mất vệ sinh và nói chung chả có ích lợi gì?!

Những người đi chân đất giải thích hành động của mình như sau: Thứ nhất, có cảm giác rất khoan khoái dễ chịu. Vì mùa hè ai mà chẳng muốn đi bộ trên bãi cỏ mịn màng xanh mượt. Ai mà chẳng muốn chạy nhảy trên đồng cỏ sau cơn mưa? Lúc nào cũng đi giay thì chẳng khác gì với việc luôn luôn đi găng tay và đeo kính râm. Hai là, khi ta đi dạo chơi bằng đôi chân trần thì luồng tĩnh điện độc hại sẽ thoát ra ngoài, rất có lợi cho sức khỏe. Các bác sĩ còn khẳng định rằng đi chân đất là phương pháp củng cố hệ thần kinh một cách đơn giản và tự nhiên và đồng thời cũng là sự phòng ngừa nhiều căn bệnh.

Những người đi chân đất cho rằng việc đi chân trần rất hữu ích không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với sự phát triển về mặt tinh thần của con người.

“Những bàn chân của bạn chỉ quen cảm nhận được thứ gạch men vô hồn hoặc thứ ván sàn trơn tuột. Hãy mang lại niềm vui cho đôi chân bằng sự đa dạng?”- những người Đức kêu gọi. Chính ở Đức vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước đã xuất hiện công viên đầu tiên dành cho những cuộc dạo chơi chân đất. Hiện nay ở Đức có tới 38 công viên như vậy. Các lộ trình ở đó được thiết kế khiến cho du khách có điều kiện thử nghiệm những chất đất, những con đường và những lớp phủ nhân tạo khác nhau.

Tại châu Âu, những công viên đi chân đất cũng tồn tại ở Bỉ và Hà Lan.

Vậy trong việc đi chân đất, theo quan điểm của các chuyên gia, thì có lợi gì? Có ba cái lợi: Một là, ở gan bàn chân có những vùng phản xạ mà việc xoa bóp (massage) chúng khi đi chân đất có ảnh hưởng tốt đến các cơ quan nội tạng; Hai là, điều đó giúp cho việc rèn luyện thân thể và thứ ba là việc đi chân đất ở một mức độ nhất định tạo ra sự ổn định về mặt cảm xúc (sự tiếp đất). Lẽ cố nhiên, các bác sĩ cảnh báo rằng việc đi chân đất có hiệu quả nếu với điều kiện thời tiết tốt và môi trường sinh thái trong lành.

Theo suckhoedoisong


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc