Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp
Nước sông lên trở lại, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, từ đêm 3 đến ngày 4/11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa to đến rất to.

Núi nhạn bị sạt lở nghiêm trọng

Nước trên các sông tại Phú Yên đã lên trở lại ở mức báo động cấp 2, cấp 3. Ở phía bắc tỉnh, sáng 4/11, nước sông Kỳ Lộ lên trở lại xấp xỉ mức báo động cấp 3, tiếp tục làm ngập lụt các khu dân cư thuộc các huyện Tuy An, Đồng Xuân… Các tuyến đường đi các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Thạch, An Nghiệp, An Chấn của huyện Tuy An đều bị chia cắt do nước sông dâng cao kết hợp mưa rất lớn. Huyện Đồng Xuân tiếp tục bị chia cắt tại cầu Cây Cam và cầu sắt La Hai.

Chiều 4/11, tàu đánh cá của ông Nguyễn Nguyên, ở xã An Chấn huyện Tuy An có công suất 90CV trên đường từ An Chấn ra cửa Lễ Thịnh tránh áp thấp nhiệt đới, đến khu vực cửa Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông bị sóng đánh chìm hoàn toàn. 3 người trên tàu đã được nhân dân xã An Ninh Đông và Đồn Biên phòng 348 kịp thời ứng cứu. Chiếc tàu vẫn chưa thể trục vớt do thời tiết xấu. Bộ đội biên phòng Phú Yên tiếp tục triển khai lực lượng thường trực khoảng 110 cán bộ chiến sỹ, sẵn sàng đến các vùng biển để ứng cứu khi cần thiết.

Tại thành phố Tuy Hoà 12h30’ trưa 4/11, vụ sạt lở Núi Nhạn nghiêm trọng đã xảy ra. Trong lúc 3 cho con ông Trương Thế Công ở 64 Lê Trung Kiên, phường 1, thành phố Tuy Hoà đang ăn trưa thì Nhạn Nhạn phía sau nhà bất ngờ đổ sập, phá vỡ hết 2/3 ngôi nhà, văng cháu Trương Thế Dũng, 14 tuổi ra xa, làm cháu Dũng bị thương nặng.

Từ trưa đến chiều 4/11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Tuy Hoà tiến hành di dời khẩn cấp 4 hộ dân trong vùng nguy hiểm. Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Ban Thường trực Phòng chống lụt bão thành phố Tuy Hoà cho biết: “Chúng tôi đã tập trung phương tiện và lực lượng đội xung kích đến giúp nhân dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Không chỉ di dời con người của 4 hộ dân tại các số nhà 62, 32 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu đang nằm trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm bởi sau một tuần mưa to liên tiếp, tình trạng sạt lở núi Nhạn trở nên phức tạp”.

Phần núi Nhạn bị sạt lở ộng khoảng 10 m, đất đá từ lưng chừng núi đổ xuống chân núi mà bên dưới là các hộ gia đình đang sinh sống. Sau vụ sạt lở trưa nay, chưa ai biết các điểm sạt lở sẽ lan rộng đến những khu vực nào tại núi Nhạn.

Ở các vùng hạ lưu thuộc sông Bàn Thạch, Sông Ba, từ sáng 4/11, nước sông đã dâng lên trở lại, tiếp tục gây ngập úng và chia cắt các khu dân cư thuộc các xã Hoà Tâm, Hoà Xuân Đông, Hoà Thịnh, Hoà Mỹ Tây…

Lượng mưa rất lớn kết hợp nước từ sông tràn vào đã khiến nhiều khu dân cư và các tuyến đường nội thành trên địa bàn thành phố Tuy Hoà bị ngập nước trở lại, nhiều khu dân cư phải cắt điện để dảm bảo an toàn.

Chiều 4/11, ông Nguyễn Bá Lộc, Trưởng Ban Phòng tránh Lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, do mưa lớn trên thượng nguồn, thuỷ điên Eakrông Hnăng xả lũ trở lại với lưu lượng 1500m3/s. Thuỷ điện Sông Ba Hạ tiếp tục xả lũ với lưu lượng 4200m3/s tiếp tục uy hiếp các khu dân cư khu vực hạ lưu.

Trước tình hình phức tạp của mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, trong chuyến công tác tại Phú Yên sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo: Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra trên diện rộng, do vậy tỉnh và các địa phương tiếp tục tập trung lực lượng và phương tiện tại chỗ để phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

Vấn đề đặt ra trong công tác ứng cứu của các địa phương là thiếu phương tiện, tàu thuyền đủ mạnh để tham ứng cứu khi cần thiết, nhất là khu vực trên biển. Ông Cao Đức Phát cho biết, nếu trong tình hình khẩn cấp, phương tiện Phú Yên không đủ cơ động ứng cứu nhân dân, Trung ương sẽ trực tiếp chi viện.

** Nha Trang: 6 ngày trong nước lũ và khát thông tin

Tôi không biết số pin còn sót lại này có đủ chuyển tải thông tin của vùng lũ lụt Nha Trang, nhưng tôi vẫn cứ viết.

Nơi chúng tôi sống là xã vùng ven (xã Vĩnh Trung), cách trung tâm trong bán kính 5km, nhưng cũng là TP. Nha Trang. Hiện chúng tôi đang bước sang ngày thứ sáu sống trong lũ lụt và mất điện. Vì đã 6 ngày không có điện, nên mọi gia đình đều như nhau: chúng tôi trở thành ốc đảo, thiếu ánh sáng, không được nhận các thông báo mưa lũ từ các nhà chức năng, thiếu lương thực, thực phẩm, không liên lạc được với bạn bè người thân bên ngoài,…

Chỉ tính trong cái xóm nhỏ này, đã có đến 20 trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó gần chục cháu bé từ sơ sinh đến 1 tuổi. Vì vậy, đêm nào chúng tôi cũng nghe tiếng trẻ con khóc từ những bóng tối âm u.

Về lương thực, thực phẩm, chúng tôi có thể cầm cự thêm 2-3 ngày nữa, vì nhà có dự trữ sang sẽ cho nhà thiếu hụt hơn. Nhưng tình trạng mất điện hiện tại đang là gánh nặng gây hoang mang trong lòng mọi người. Các nhiên liệu dự trữ cho đốt sáng của mỗi nhà dã cạn kiệt từ lâu. Nhà nào nhiều lắm cũng cầm cự đến ngày thứ tư. Trong làng có 2 quán nhỏ, nhiều người đã phải bất chấp hiểm nguy, vượt qua những vùng nước chảy xiếc để đến quán tranh nhau mua thức ăn, những cây nến, số dầu lử ít ỏi còn lại.

Trời vẫn cứ mua gió không ngớt. Chúng tôi cần ánh sáng, cần thông tin bão lũ từ các cơ quan chức năng. Nước đang rút, nhưng ai biết nó lại lên lúc nào như 2 hôm trước nước rút rồi lên lại rất nhanh vì mưa to, vì xả lũ…/.

Lê Biết – Quỳnh Mỹ

Theo vovnews.vn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc