Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Những ngôi mộ không yên trong lũ
Các ngôi mộ bị nước lũ phá hủy, cuốn trôi đều ở nghĩa địa Động Côi (xóm Bình Quang, Đức Liên, Vũ Quang, Hà Tĩnh). Ngôi an táng lâu nhất là 10 năm, ngôi mới nhất là 1 ngày.

An táng chạy lũ

Những ngôi mộ không yên trong lũ

Bãi tha ma Động Côi.

Anh Trần Huy Liệu (53 tuổi), xóm Tân Lễ, xã Đức Liên, lau nước mắt xót xa kể: “Tội lắm chú à! Vợ tôi ốm đau, bệnh tật, chết cũng mắc lụt không yên…”. Nói rồi, anh Liệu khóc.

Được biết, 18h45 ngày 17/10, chị Trần Thị Oanh (vợ anh Liệu) qua đời ở thời điểm nước lũ từ sông Ngàn Sâu tràn vào làng, vào vườn. Sáng 18/10, nước lũ ngập hết đường, nhiều nơi bị chia cắt. Định giờ mai táng vào 13h30 nhưng phải chạy lũ nên anh Liệu quyết định an táng vợ vào 8h30. Nước ngập nghĩa địa xóm Tân Lễ, anh Liêu đành phải liên hệ với xóm Bình Quang đưa vợ lên nghĩa địa Động Côi mai táng.

Những ngôi mộ không yên trong lũ

Người chồng và đứa con tàn tật bên bàn thờ chị Oanh.

“Nước lũ ào ạt. Đất pha cát, không đào được, phải dùng tay móc. Khó khăn quá chú à. Gần 100 người đã giúp tôi mai táng. Biết là khó an toàn nên mai táng xong cho nhà tôi, mọi người đều bỏ việc riêng của gia đình mình, đẵn tre mang ra nghĩa trang đóng thật sâu, chằng dây buộc để bảo vệ mộ”, anh Liệu ngậm ngùi, xót xa kể, “Vậy mà, sáng 22/10, sau khi nước rút, nhà cửa, vườn tược, đường sá xóm làng tôi tan hoang. Linh cảm được điều gì chẳng lành, tôi ra mộ, thì hỡi ơi, chẳng còn đất, hòm đã phơi giữa trời. Nhiều ngôi mộ khác trong nghĩa địa cũng bị san bằng. Thảm thương quá chú ạ!”.

Cảnh thương tâm không chỉ với người đã mất, mà với cả người đang sống. Chị Oanh ra đi, bỏ lại người chồng và 5 đứa con, trong đó đứa thứ 2 là Trần Văn Trường tàn tật, tay chân run rẩy, không đi lại, không nói năng, không còn trí nhớ. Gia sản thì lũ đã cướp mất, bây giờ hoàn cảnh của anh Liệu thật thương tâm.

Người sống chẳng yên lòng

Những ngôi mộ không yên trong lũ

Ông Tài vẫn chưa hết bàng hoàng.

Còn ông Nguyễn Tài (72 tuổi) vẫn chưa hết kinh hoàng: “Sống cạnh sông Ngàn Sâu gần cả thế kỷ, tôi chưa bao giờ thấy lụt trôi nhà, trôi cửa, trôi cả mồ mả như lần này. Xót xa lắm. Mộ con trai tôi bị nước lũ moi lên. Khi ra bãi tha ma, nhìn thấy “sọ dừa” của con nghẹo sang một bên, tui xót lắm”. “Thằng con” mà ông Tài nói là anh Nguyễn Văn Hoàn đã cùng vợ và 4 con vào buôn Xa Vần (Đắk Lắk) sinh cơ lập nghiệp.

Do bệnh tật, năm 1992, anh Hoàn trở về Đức Liên ở với bố mẹ. Năm 1999, anh mất. Mộ anh được đặt tại nghĩa địa Động Côi, cách con sông Ngàn Sâu khoảng 25m. “Có lẽ mộ của anh tôi nằm vào dòng chảy xiết cho nên mới bị moi đến kinh khủng như vậy”, anh Nguyễn Hiên (39 tuổi, em ruột anh Hoàn) trầm ngâm nói.

Còn anh Trần Quốc Việt (58 tuổi) vẫn còn run khi kể về cảnh mộ mẹ anh bị nước lũ đào xói: “Anh không tưởng tượng nổi đâu. Mộ mẹ tôi được đắp cao 1,7m và rộng 3m, kiên cố, chắc chắn. Ấy vậy mà nước vẫn cuốn băng. Ra nghĩa trang thấy mộ mẹ bị xóa sổ, tôi hoảng loạn lên. Sau nhờ anh em bà con tát nước, rồi cũng nhận ra được mộ mẹ, nhưng chẳng biết mất còn thế nào. Chỉ có ông trời tàn ác mới làm những cảnh khổ đau như vậy. Đắp lại mộ mẹ, tôi thương quá. Mẹ tôi ăn ở phúc đức, hiền lành, thương con, thương cháu, cả đời có hại ai đâu, vậy mà mồ mả cũng chẳng yên”.

Không phải chỉ riêng anh Liệu mà cả 3 gia đình, con cháu, người thân đều rất lo lắng không biết trôi mồ, động mả như vậy có sao không? Anh Nguyễn Văn Bình (xóm Tân Lễ, Đức Liên) cùng đi, an ủi: “Có ai muốn đâu. Tại trời cả. Trời sinh, trời dưỡng chứ”.

Cần có quy hoạch mồ mả

Những ngôi mộ không yên trong lũ

Mộ chị Oanh sau khi lũ rút đã được chôn lại.

Nghĩa địa Động Côi nằm cạnh con sông Ngàn Sâu. Đây là một bãi đất pha cát. Sau trận đại hồng thủy, nghĩa địa bị sạt lở, một số khoảng đất bị đào thành hố, thành ao nhỏ. Cho nên, đây không phải là chỗ an toàn để an táng người quá cố. Nghĩa địa gần đường, gần khu dân cư nên không hợp vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Thương (xóm Bình Quang) hết sức bức xúc: “Nghĩa địa đặt ở đây kinh lắm. Người dân ở đây lúc nào cũng phải chịu mùi hương, khói. Mùa lụt thì rác từ nghĩa trang trôi về, có khi trôi cả vào nhà. Biết là mất vệ sinh nhưng không ở đây thì ở đâu?”.

Đây không chỉ là câu chuyện của xã Đức Liên mà là vấn đề chung cho vùng rốn lũ, cho cả Hà Tĩnh. Người dân rất cần được quy hoạch nghĩa trang một cách hợp lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường, giữ vững thuần phong mỹ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc an táng người quá cố.

Theo Zing.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc