Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » “Đừng nói giá điện Việt Nam thấp…”

TT – TS Ngô Tuấn Kiệt: “Giá điện VN có thể cao hơn hoặc thấp hơn các nước trong khu vực nhưng nó sẽ vẫn hợp lý nếu đúng với đầu vào của sản xuất điện ở VN. Tính giá điện bằng cách so với các nước trong khu vực là khập khiễng”.

Trao đổi về đề xuất tăng giá điện của Hiệp hội Năng lượng VN, TS NGÔ TUẤN KIỆT – viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện Khoa học – công nghệ VN) – nói:

– Giá điện nói riêng, giá năng lượng nói chung là vấn đề cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, giá chỉ là một phần, cái quan trọng nhất là chúng ta phải có quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống năng lượng VN mới xác định được cần bao nhiêu vốn cho từng ngành trong cán cân chung của đầu tư xã hội. Nếu không, chúng ta sẽ luôn bị thiếu, phải giật gấu vá vai, mạnh ông nào ông đó chạy, có thể gây lãng phí.

Nếu có quy hoạch tổng thể tốt, quy hoạch ngành tốt thì vốn đầu tư cho ngành điện, giá bán điện sẽ được đề cập trong quy hoạch chứ không phải nay đề nghị tăng giá, mai lại đề nghị tăng giá. Chẳng hạn Nhà nước duyệt quy hoạch đến năm 2015 giá điện là 7 cent/kWh, năm 2016 là 7,5 cent/kWh thì nhà đầu tư có thể tính được đầu tư điện, ximăng… cái gì có lợi hơn.

Nhưng hiện nay không có lộ trình này, dự án nhà máy điện duyệt xong mới đi tìm nhà đầu tư, rồi mới thương thảo giá điện. Lúc đó, tôi bỏ ra hàng tỉ USD mà không biết hiệu quả thế nào thì dại gì tôi mạo hiểm đầu tư. Vấn đề là lợi nhuận phải được xác định một cách minh bạch. Chứ như bây giờ, quy hoạch có mấy ai biết, chỉ một đơn vị nào đấy được giao xây dựng, Bộ Công thương xem xét rồi một vài ông thẩm định, không biết lấy vốn từ đâu.

* Thưa ông, Hiệp hội Năng lượng đề xuất năm 2011 giá điện cần tăng lên đến 8 cent/kWh (khoảng 1.500 đồng/kWh) thì mới đảm bảo vốn để đầu tư, chống thiếu điện. Theo ông, mức giá này có quá sốc?

– Giá điện tăng bao nhiêu cần phải nghiên cứu kỹ, không thể nói thiếu vốn, cần tăng tới 8 cent/kWh là cứ tăng. Với sản lượng của ngành điện hiện nay, chỉ cần tăng 1 đồng ngành điện sẽ thu thêm được tới 100 tỉ đồng/năm chứ không ít. Giá điện tăng 10 đồng sẽ được 1.000 tỉ, tăng 100 đồng sẽ được tới 10.000 tỉ. Giá điện cần tính tăng theo từng đồng chứ không phải theo cent.

Quan điểm của tôi là giá nào cũng phải có cơ sở khoa học, minh bạch và đồng bộ. Tôi không hiểu tại sao lại đề xuất tăng thêm khoảng 500 đồng mà không phải 5 đồng hay 10 đồng. Nếu cứ tăng giá từ 5-10 đồng thì chẳng ai quan tâm và cứ theo lộ trình nửa năm tăng 5 đồng cũng không vấn đề gì.

* Tức là mức đề xuất quá rộng, quá cao?

– Đúng là nó quá rộng, không có cơ sở khoa học, không hiểu từ đâu mà tính ra 8 cent, tại sao không phải là 6,95 cent hay 6,98 cent. Giá điện phải được tính toán, thẩm định kỹ chứ không chỉ là từ nhu cầu.

* Thưa ông, đề xuất của Hiệp hội Năng lượng dựa trên nhu cầu vốn cho ngành điện quá lớn, nếu không được đáp ứng sẽ thiếu điện triền miên?

– Vốn tự nó sẽ chạy vào nếu chúng ta có cơ cấu giá hợp lý. Cái quan trọng nhất là có cơ chế, lộ trình giá cụ thể để nhà đầu tư tính được xem họ có lãi hay không. Nếu người ta thấy đầu tư vào ngành điện kiểu gì cũng có lãi, mà lãi không thua kém các ngành khác thì họ sẽ đầu tư.

Các nước có nhiều nhà đầu tư điện bởi người ta tính được giá bán điện trong bất cứ thời điểm cụ thể nào. Bây giờ chúng ta phải giao cho một cơ quan nghiên cứu về giá điện. Đó phải là một cơ quan khách quan chứ không phải ông sản xuất điện như Tập đoàn Điện lực VN (EVN). EVN làm cho chính EVN thì không thể chuẩn xác, khách quan được.

Theo tôi, lĩnh vực sản xuất điện phải tách hẳn ra, không cần có sự điều tiết của Nhà nước. Các doanh nghiệp cứ sản xuất, Nhà nước chỉ cần quản lý giá sàn. Nhà nước giữ một khâu độc quyền là mua điện, phân phối cho nền kinh tế quốc dân, nghĩa là Nhà nước sẽ đứng về phía người tiêu dùng chứ không phải đứng về phía người sản xuất.

Ở các nước, họ có một bộ phận trực thuộc thủ tướng, còn ở ta Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công thương chưa đủ mạnh. Chúng ta nên lập Ủy ban năng lượng quốc gia.

* Hiện VN cũng tồn tại sự độc quyền trong mua và phân phối điện, đây là một khó khăn trong thu hút đầu tư vào điện?

– Cái độc quyền đấy là ở EVN, mặc dù đó là độc quyền nhà nước nhưng giao vào một tập đoàn thì họ sẽ xuất phát từ lợi ích của họ để xác định giá điện chứ không xuất phát từ lợi ích của nền kinh tế quốc dân. Tại sao ít nhà đầu tư vào ngành điện? Đó là bởi họ bỏ ra cả tỉ USD nhưng phải đi đàm phán với EVN về giá.

Nếu Nhà nước có một cơ chế minh bạch, ghi rõ giá sàn thủy điện, nhiệt điện, điện gió… là bao nhiêu, nếu bán từ giá sàn trở xuống không phải thương thảo thì nhà đầu tư sẽ có thêm cơ hội. Hiện nay chúng ta không làm được điều ấy.

* Nhưng nhiều ý kiến cho rằng giá bán điện của VN hiện thấp hơn so với khu vực nên phải tăng cho tương xứng?

– Lâu nay cơ chế của chúng ta là Nhà nước quản lý giá và Nhà nước sợ tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh tế, xã hội nên ép các ngành khác phải giảm giá bán cho ngành điện. Như than bán cho điện giá thấp hơn cả chi phí sản xuất suốt một thời gian dài. Thế nên đừng nói giá điện VN thấp hơn khu vực. Giá điện hiện tại là phù hợp với bối cảnh của VN.

Tôi rất không nhất trí với việc nói giá điện của ta thấp hơn so với khu vực vì mỗi nước có một đặc thù riêng. Những nước không có tiềm năng thủy điện thì giá họ cao, nước nào nhiều tiềm năng này thì phải thấp, tại sao mình cứ phải giống họ? Không nên so sánh như vậy mà phải từ thực tế, từ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống năng lượng của mình mà xác định ra giá của mình.

(Theo tuoitre)

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc