Home » Thế giới » Trung – Nga bắt tay: Chỉ mang tính biểu tượng
Không phải lần đầu tiên Nga và Trung Quốc cùng nhau tuyên bố phát triển giao thương, còn kết quả thực tế đạt được thì còn rất nhiều điều phải chờ xem.

Mới đây, Trung Quốc và Nga chính thức tuyên bố sử dụng đồng rúp và nhân dân tệ trong giao thương giữa hai nước, chứ không sử dụng đô la Mỹ. Đó có thể xem như một dấu ấn mới trong quan hệ hai nước, nhưng thực sự thì cú bắt tay tiền tệ Trung – Nga lần này chủ yếu chỉ có tính chất biểu tượng.

Quyết định trên của Trung Quốc không có gì là quá bất ngờ, bởi Bắc Kinh đang thể hiện rõ ý định muốn quốc tế hóa đồng tiền của mình. Trung Quốc đã liên tục mở rộng quan hệ tiền tệ trong thời gian qua. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này còn có sẵn những bước chuẩn bị để mở rộng thị trường chứng khoán Thượng Hải nhằm gia tăng tính giao thương của nhân dân tệ trong giao dịch thường nhật của thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, quyết định trên là một phần trong nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của Trung Quốc.

Tuy vậy mục tiêu của Trung Quốc và Nga không dừng lại ở đó. Thông tin trên tờ ChinaDaily có nói rõ mục tiêu của cú bắt tiền tệ này là nhằm đa dạng hóa loại tiền tệ dự trữ và hạn chế sự phụ thuộc vào đô la Mỹ, cũng như giảm bớt các chi phí quy đổi đô la Mỹ trong thương mại song phương.

Quyết định trên còn được xem như một bước tiến mới trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga.

Khách quan mà nói thì tất cả các mục tiêu trên của hai bên đề ra đều có thể đạt được, nhưng vấn đề đặt ra là các mục tiêu đó sẽ đạt được đến mức nào và có ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống tiền tệ toàn cầu?

Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại song phương Trung – Nga đạt được 38,8 tỷ đô la Mỹ, trong đó Nga xuất khẩu sang Trung Quốc đến 21,3 tỷ USD nên đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc là 3,8 tỷ USD. Năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương hai nước ước tính đạt 50 tỷ USD.

Nhìn vào những con số đó sẽ thấy rằng chẳng thấm vào đâu so với con số xuất khẩu hơn một 1.200 tỷ đô la Mỹ mỗi năm của Trung Quốc cũng như khoản dự trữ ngoại tệ lên đến 2500 tỷ đô la Mỹ.

Tuy Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công bố đô la Mỹ chiếm bao nhiêu trong số 2500 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ đó, nhưng nhiều chuyên gia đều ước chừng con số là rất lớn, chiếm hơn 70% dự trữ.

Như vậy, việc Trung Quốc mở rộng thêm rổ tiền tệ dự trữ của mình bằng rúp Nga khó có được một tỷ trọng đáng kể.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Trung Quốc lẫn Nga không chỉ có quan hệ mua bán với đối tác hai nước mà còn có nhiều đối tác từ các quốc gia khác, nơi mà đô la Mỹ vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến hơn. Thế nên, dù chính phủ mong muốn thì chưa hẳn các doanh nghiệp hai bên đã muốn sử dụng nhân dân tệ hay rúp để giao thương. Chính vì thế, cả Trung Quốc lẫn Nga có thể đa dạng loại tiền tệ dự trữ cho mình nhưng khoảng cách tỷ trọng giữa các loại tiền tệ sẽ khó có thể thu hẹp.

Ngoài ra, việc đa dạng hóa rổ tiền tệ dự trữ có thể tránh sự phụ thuộc quá mức vào một loại tiền tệ nhưng có thể bị tổn hại vì chính sách của nhiều quốc gia khác nhau. Mỗi định hướng đều có những nhược điểm của chúng, nên nếu không khéo thì cả Nga và Trung Quốc sẽ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Về quan hệ thương mại song phương thì việc thỏa thuận tiền tệ này thực chất không có nhiều ý nghĩa. Bởi trở ngại lớn nhất trong quan hệ giao thương chính là các chính sách bảo hộ thương mại, và đây là những vấn đề không dễ dàng gì giải quyết.

Theo thống kê của Tổ chức Cảnh báo Thương mại toàn cầu (Global Trade Alert – GTA) thì Nga là nước đứng đầu trong danh sách các nước sử dụng nhiều biện pháp bảo hộ thương mại. Hơn nữa, quan hệ thương mại song phương của Nga và Trung Quốc lại không bền vững. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương Trung – Nga đã giảm đột biến đến 32%, xuất khẩu Trung Quốc sang Nga giảm đến 47%. Vào tháng 01.2006, tổng thống Nga lúc đó là ông Putin từng hào hứng giới thiệu kế hoạch phát triển thương mại song phương hai bên sẽ đạt 80 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010. Nhưng nay thì con số kỳ vọng chỉ còn 50 tỷ đô la Mỹ.

Nói như thế để hiểu rằng đây không phải là lần đầu tiên Nga và Trung Quốc cùng nhau tuyên bố phát triển giao thương, còn kết quả thực tế đạt được thì còn rất nhiều điều phải chờ xem.

Nhìn rộng hơn về tác động của quyết định trên đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu, chúng ta có thể nhận thấy rằng khả năng tạo ra một bước đột phá là không lớn. Đây đơn thuần chỉ là phát sinh thêm một thỏa thuận giao thương tiền tệ quốc tế, Nhật Bản hay châu Âu cũng đã từng làm điều này. Tuy vậy, cho đến giờ này thì Euro vẫn chưa thay thế nổi đô la Mỹ, trong khi nếu tính chung cả khối thì EU mới là nền kinh tế lớn nhất thế giới chứ không phải Mỹ.

Tiếp theo, thỏa thuận này cũng khó mở ra một hệ thống tiền tệ song phương mới bởi việc tính toán tỷ giá quy đổi song phương là không hề đơn giản nếu không sử dụng một loại tiền tệ quốc tế làm “mỏ neo” tham chiếu. Bằng chứng là tỷ giá giao dịch 4,6711 rúp ăn một nhân dân tệ lần này cũng được quy đổi từ đô la Mỹ.

Hơn thế nữa, giá trị tiền tệ của một quốc gia được tính toán dựa trên quan hệ giao thương với nhiều quốc gia, và để có được phép tính như thế là cực kỳ phức tạp.

Với tất cả các lý do trên, người ta không quá khó khăn để hiểu rằng hợp tác tiền tệ Trung – Nga lần này chỉ mang tính biểu tượng là chính, chứ không nhiều kỳ vọng lạc quan.

Theo Ngô Minh Trí

tuanvietnam

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc