Home » Thời nay, Văn hóa » “Tự tin”!
Xin hãy làm cho họ tin rằng, nếu không nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người hiểu biết, ứng xử một cách có văn hóa với mọi người xung quanh thì sẽ không có sự “tự tin” nào đỡ đần nổi cuộc đời họ.

Chưa có ai làm thống kê về từ nào có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong các khẩu hiệu quảng cáo gần đây ở nước ta, nhưng có thể tin rằng, nếu không đứng nhất thì từ này cũng thuộc vào hàng “top”, đó là từ “tự tin”. Không cần suy nghĩ lâu, có thể kể ra đây hàng loạt cụm từ về sự tự tin đã nghe, đọc, thấy đến phát ngán: “Tự tin để hành động”, “tự tin là chính mình”, “tự tin với mái tóc suôn mượt”, “tự tin thể hiện phong cách”…

Tra từ điển tiếng Việt sẽ thấy một chú thích rất gọn về từ này: “tự tin (nghĩa là) tin vào chính mình”. Thế nhưng tự tin như thế nào, tự tin vào điều gì ở chính mình, hay cái gì làm nên sự tự tin…?, có vẻ như chưa thực sự rõ ràng ở nhiều người trẻ tuổi.

Một nhà tuyển dụng từng phỏng vấn khá nhiều người trẻ, có lần nói: “Khi thấy bước vào trước bàn phỏng vấn là một người trẻ nào đó có mái tóc thật đặc biệt, bước đi thật mạnh mẽ, mặt chênh góc, mắt hướng lên cao… là trong tôi xuất hiện ngay cảm giác nghi ngại: bảy, tám mươi phần trăm là người này ít khả năng!”. Anh cũng cho biết kết quả từ thực tiễn là có khá ít trong số những người được phỏng vấn đó cho thấy mình có một khả năng nào đó vượt trội hay đặc biệt như hình thức mà họ thể hiện.

Ảnh: TBKTSG

Anh kể, có một cô gái đã hỏi anh sau khi không trả lời được trơn tru bất cứ câu hỏi nào trong cuộc phỏng vấn, rằng “em bước vào tự tin như vậy mà không đậu sao anh?”. Thế mới biết, có những người tin rằng họ chỉ cần có vẻ ngoài tự tin (đôi khi đến hợm hĩnh) là sẽ đạt được nhiều thứ. Câu chuyện kể của nhà tuyển dụng hình như chạm đến một điều còn rất thiếu ở nhiều người trẻ trong xã hội, đó là nền tảng làm nên sự tự tin.

Không ít người trẻ bây giờ đã không lựa chọn việc củng cố nền tảng tri thức, văn hóa, khả năng, thế mạnh… của mình để xác lập sự tự tin. Dễ hiểu, vì để làm được những việc đó thì quá mất thời gian! Họ chọn cách nhanh nhất để tới được đích.

Nhiều người từng xem trên mạng cảnh nữ sinh đánh nhau, thấy ngoài những câu chửi tục tằn, những nữ sinh mới 14, 15 tuổi ấy nhắc đi nhắc lại những lời kiểu như “mày đã biết tao…”. Cái “tao”, cái tôi ấy đòi được phô ra, để chứng tỏ mình hơn người khác. Khi không có đủ độ chín chắn, sự hiểu biết, họ đã chọn cách hơn người khác ở việc… đánh nhau. Ít ra, người khác (là những bạn bè cùng trang lứa trong trường) cũng thấy sợ hay nể họ ở một điểm nào đó.

Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân của nạn bạo lực hay băng nhóm học trò khởi phát? Phải chăng với kiểu tự tin đó mà những cô gái trẻ 15, 17 tuổi sẵn sàng leo lên yên xe của các tay đua trong những cuộc đọ tốc độ và cũng là đọ với tử thần, để thấy mình được nể trọng, dù chỉ là trong cộng đồng nhỏ đua xe trái phép?

Có lẽ đã đến lúc phải xem lại cách truyền thông về sự tự tin, cần phải đề cao tri thức, ứng xử văn hóa, tay nghề hơn là các kiểu tự tin hình thức. Xin đừng tuyên truyền như thể những người trẻ hoàn toàn có thể nhận được sự tán dương chỉ bằng cách… uống một loại thức uống nào đó hay cóp nhặt vài câu nói của một diễn giả.

Xin hãy làm cho họ tin rằng, nếu không nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người hiểu biết, ứng xử một cách có văn hóa với mọi người xung quanh thì sẽ không có sự “tự tin” nào đỡ đần nổi cuộc đời họ. Có lẽ chúng ta sẽ không còn phải lo lắng nhiều như bây giờ, nếu mọi người trẻ đều tin chắc rằng: “Có văn hóa (chứ không phải sự “tự tin”), bạn (dù không có tất cả) sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn”!

Theo TBKTSG


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc