Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Chuyện về những con đề ‘say máu’ sa chân làm liều
Từ quê chân ướt chân ráo bước lên thành phố học nhưng theo vòng xoáy lô đề nhiều sinh viên ôm cục nợ không tài nào trả nổi. Đến khi chủ đề đòi theo luật “xã hội đen”, cực chẳng đã nhiều bậc cha mẹ phải lặn lội ra thành thị trả tiền “chuộc” con.

Con nghiện đề, cha mẹ vào trả tiền “chuộc”

Khác với mọi thành phố khác, ở TP Huế việc các “gian hàng” ghi đề không được công khai hai bên đường. Các điểm ghi đề thường “núp” trong nhà, quán cà phê… đây là những địa chỉ quen thuộc của người chơi đề biết đến.

Dạo quanh một vòng TP Huế tìm các điểm ghi đề không phải dễ. Nhưng điều dễ nhận thấy là các điểm ghi đề xuất hiện nhiều nhất tại chợ Đông Ba, nơi đây những chủ đề đến tận nơi mời chào ghi nên người ghi ít tốn công sức, ghi bao nhiêu cũng được.

Chiều về, không gian chợ Đông Ba xuất hiện những chủ ghi đề ăn hoa hồng xuất hiện, trên tay cầm cuốn sổ chạy quanh đi khắp chợ mời chào các tiểu thương. Chỉ một vòng quanh cuốn sổ được ghi lên với bao nhiều chữ số.

Chuyện về những con đề ’say máu’ sa chân làm liều

Cứ chiều về, các khu vực dọc các tuyến đường ở T.P Huế xuất hiện lô, đề mời chào khách

Trong số dân chơi đề ở Huế, điều đáng nói là có rất nhiều sinh viên, chủ yếu là do túng thiếu muốn tìm “hên” nên chơi đề là cách “làm giàu” nhanh nhất. Tại nhiều nơi có sinh viên ở trọ, các chủ ghi đề thường tập trung, nhất là ở đường Trần Phú, Đặng Huy Trứ… khu vực này điểm ghi đề thường tập trung tại các quán cà phê.

Thực tế, “làm giàu” đâu không thấy nhưng để có tiền chơi đề, bao nhiêu đồ dùng học tập như máy tính, xe đạp, điện thoại… đều được sinh viên gửi ở các tiệm cầm đồ hết. Có những lúc hết tiền nhiều sinh viên lại mượn đồ bạn bè đem đi nuôi đề.

Từ việc túng thiếu muốn tìm kiếm vận may, đã không ít sinh viên lâm vào cảnh nợ chủ đề đến lúc không có trả. Để tiếp tục học tập buộc cha mẹ từ ngoài quê mang tiền vào “chuộc” tính mạng của con mình.

Chuyện về những con đề ’say máu’ sa chân làm liều

Chơi để, đã không ít sinh viên lâm vào cảnh nợ nần ở T.P Huế

Giới sinh viên ở Huế vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của Hùng “thọt”. Hùng “thọt” đến từ một miền quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Vẻ bề ngoài ai cũng nghĩ Hùng là “đồ nhà quê”. Nhưng đến khi các chủ đề “bắn nợ” về gia đình khiến cả nhà giận tím mặt, bố mẹ khóc lóc suốt ngày.

Là con trai độc nhất nên dù có tức giận đến mấy, dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ Hùng “thọt” cũng bán hết trâu bò, lợn, gà, vay mượn vào thanh toán hơn 100 triệu đồng để “chuộc” con.

Thoát nợ, Hùng hứa răm rắp, tỏ vẻ tu tâm học hành, không chơi đề nhưng bố mẹ vừa về quê thì hôm sau Hùng lại mò ra tìm vận may. Đến thời điểm này, vì bị chủ nợ truy lùng ráo riết, số tiền hơn 70 triệu không có trả, Hùng cũng không dám điện về nhà cầu cứu nên chấp nhận bỏ học dở, lang bạt vào miền Nam làm phụ hồ.

Nhịn ăn, lừa bạn lấy tiền chơi lô đề

Không chỉ sinh viên, người dân tham gia chơi đề, mà ở nhiều tỉnh, thành khác, nhiều học sinh còn ngồi trên ghế học đường cũng dấn thân vào vòng xoáy lô, đề.

Hoàng, học sinh THPT thuộc trường chuyên của tỉnh Nghệ An đã vướng vào lô đề gần 2 năm nay. Nhiều người bạn của Hoàng cho biết, do phải xa gia đình về đây học, không có ai quản lý, Hoàng nhanh chóng bị đám bạn cùng dãy trọ rủ rê, vướng vào trò đỏ đen. Lúc đầu, Hoàng chỉ chơi cho biết, sau dần đâm “nghiện”.

Một tháng, tiền bố mẹ từ quê gửi ra, Hoàng đều ném vào lô đề. Mỗi khi trúng quả, Hoàng lại kéo các bạn đi liên hoan tưng bừng, chỉ vài hôm lại ở trong tình trạng “móm”. Để tiếp tục có tiền phục vụ cuộc chơi, Hoàng nghĩ cách xin thêm tiền học thêm, tiền đóng góp khoản này, khoản nọ… Bố mẹ Hoàng thấy Hoàng gầy rộc hẳn nên cứ nghĩ con mình chăm ngoan, siêng học nên thỉnh thoảng còn gửi tiền thêm tiền, sữa đường bồi bổ.

Chuyện về những con đề ’say máu’ sa chân làm liều

Nhiều học sinh, sinh viên chơi đến lô đề tìm kiếm vận may. Ảnh minh hoạ

Thế nhưng, hết học kỳ 1 năm cuối cấp, bố mẹ Hoàng nhận tin “sét đánh ngang tai” từ BGH nhà trường: “Đuổi học Hoàng vì nghỉ học quá nhiều”. Lúc này Hoàng mới khai thật là vướng vào lô, đề, hiện vẫn còn nợ hàng chục triệu nên không dám đến lớp, do chủ nợ ngày nào cũng đứng ở cổng trường trực sẵn.

Riêng Thắng “mập” cũng có chiến tích không kém cạnh so với Hoàng là bao. Thắng cũng rơi vào cảnh “bỏ của chạy lấy người” khi bị “vỡ nợ”.

Thời còn ngồi trên ghế học đường, Thắng “mập” dành thời gian bên cạnh bàn lô, đề nhiều hơn học. Bao nhiêu tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt, tiền thuê trọ, thậm chí tiền vay mượn bạn bè…Thắng càng chơi càng đuối dần với những khoản nợ khổng lồ.

Chân tướng của Thắng chỉ lộ tẩy khi trong lần về nhà, đang ngủ trưa, bất chợt Thắng hét toáng lên: “Trúng rồi, con số 51 và cười sặc sụa trong giấc ngủ”. Bố mẹ Thắng khá bất ngờ, nghi hoặc và đến khi đích thân ra trường tìm hiểu mới ngã ngửa khi thấy con mình đã “say đề’ nặng.

Chuyện về những con đề ’say máu’ sa chân làm liều

“Bản án” nợ nần là kết cục tất yếu nếu đã lỡ sa chân vào vòng xoáy lô đề.

Mới đây nhất, cũng vì đã quá sa chân vào lô đề nên Nguyễn Văn Hòa, 47 tuổi, ở tổ 37 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên là nhân viên Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng mỏ đã bị bắt về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Năm 2004, Nguyễn Văn Hòa làm lái xe cho Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng mỏ, chơi khá thân một cán bộ công ty là ông Lê Tự Lực. Biết ông Lực có nhu cầu mua đất để xây nhà ở, Hòa nói như thật rằng vợ anh ta là giáo viên trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải Hà Nội, được nhà trường thanh lý cho nhà tập thể ở 360 Lạc Long Quân (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội). Vì không có tiền nên vợ chồng Hòa phải bán căn hộ trên. Nếu ông Lực muốn mua thì đưa trước cho Hòa một khoản tiền để làm thủ tục thanh lý và nộp thuế, lệ phí trước bạ. Ông Lực đồng ý và đưa cho Hòa 640 triệu đồng trong vòng 4 năm từ 2004 – 2007.

Tuy nhiên, đến thời hạn giao nhà vẫn không thấy Hòa thực hiện như đã giao kèo, ông Lực đi kiểm tra lại mới biết các giấy tờ, quyết định phân nhà mà Hòa đưa cho đều là giả mạo.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hòa khai số tiền chiếm đoạt được của ông Lực đối tượng đã dùng để chơi cờ bạc, lô đề hết.

Câu chuyện của Hoà hay của nhiều học sinh, sinh viên khác đã thể hiện rõ kết cục tất yếu nếu đã lỡ sa chân vào vòng xoáy lô đề. Tuy nhiên, “bản án” nợ nần, tù tội ấy vẫn chưa thức tỉnh được nhiều “ma đề”.

Kỳ cuối: Ghi đề xuyên biên giới và bản án dành cho “ma đề”

Giang Uyên

Theo Bưu Điện Việt Nam


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc