Home » Thế giới » Đường đến nhà giam của cựu tỷ phú Nga
Từ một sinh viên cùng các bạn học mở công ty chuyên mua bán máy tính, Khodorkovsky dần xây dựng “đế chế kinh doanh” trong buổi giao thời tại Nga với át chủ bài là tập đoàn dầu khí Yukos khổng lồ.

Mikhail Khodorkovsky bị bắt lần đầu tháng 10/2003 vì các tội trốn thuế, gian lận và tham ô. Hai năm sau người này lĩnh án tù và sẽ mãn hạn vào năm 2011. Nhưng tới năm 2009, Khodorkovsky lại bị đưa ra xử và tuyên tội danh bổ sung về tham ô và rửa tiền. Trước khi bị bắt, người đàn ông 47 tuổi này từng sở hữu khối tài sản trị giá 15 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes và rất có ảnh hưởng tại Nga.

Khodorkovsky khi mới bị bắt. Ảnh: Independent

Xây dựng ‘đế chế’

Sinh tại Matxcơva năm 1963 trong gia đình có bố mẹ đều làm kỹ sư, Khodorkovsky theo học tại Học viện Hoá học Mendeleyev và từng là đảng viên Cộng sản Nga dưới thời Liên Xô. Trong những năm 80, Khodorkovsky cùng các bạn học điều hành một công ty chuyên nhập khẩu máy tính, hoạt động dưới sự bảo trợ của đoàn thanh niên cộng sản Komsomol.

Năm 1987, bốn năm trước khi Liên Xô sụp đổ, Khodorkovsky lập ra công ty tài chính sau này trở thành Menatep, một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên thời hậu Liên Xô tại Nga. Ông này đã kiếm được số tiền bạc triệu USD đầu tiên từ những năm 1990, khi ngân hàng Menatep giành được số lượng cổ phần khổng lồ trong các công ty nhà nước được hoá giá với giá rẻ.

Điển hình trong các thương vụ kiếm tiền dễ như trở bàn tay lúc giao thời của Khodorkovsky là việc ông này và cộng sự thân tín Platon Lebedev mua nhà máy sản xuất phân bón Apatit năm 1994 với giá quá hời là 283 triệu USD. Về sau chính thương vụ này đã trở thành tâm điểm trong phiên toà đầu tiên nhằm vào bộ đôi Khodorkovsky và Lebedev năm 2004.

“Đế chế kinh doanh” của Khodorkovsky, theo lời mô tả của các công tố Nga sau này, đã phát triển không ngừng với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt là từ năm 1995 khi Khodorkovsky mua tập đoàn dầu khí Yukos trong một cuộc đấu giá quốc gia với giá tối thiểu 350 triệu USD, trong khi trị giá trên thị trường trước đó của tập đoàn này lên tới nhiều tỷ USD.

Dưới dự điều hành của Khodorkovsky, Yukos hồi sinh nhanh chóng và trở thành tập đoàn mang tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá là doanh nghiệp có tính minh bạch bậc nhất nước Nga. Yukos khi đó đảm nhiệm vận chuyển bằng đường ống một phần năm số dầu nước Nga khai thác được và có sức hấp dẫn đặc biệt với các nhà đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, vào thời đỉnh cao của “đế chế kinh doanh”, Khodorkovsky cũng bắt đầu có nhiều hoạt động liên quan đến chính trị. Ông này từng ủng hộ tài chính cho hầu hết các chính đảng tại Nga, nhưng khẳng định không gắn bó với bất cứ một đảng phái riêng nào.

Ngoài ra, Khodorkovsky còn từng tham gia trực tiếp vào chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin với vai trò Thứ trưởng dầu mỏ và khí đốt Nga. Nhưng động thái chính trị được cho là đầy mạo hiểm của ông chủ Yukos là việc Khodorkovsky không hề tỏ ra giấu diếm sự ủng hộ của mình đối với các chính trị gia đối lập với Tổng thống Vladimir Putin, người kế nhiệm đầy quyền lực của Yeltsin.

Khuynh gia bại sản

Công việc làm ăn đang xuôi chèo mát mái thì vào tháng 7/2003, người chia sẻ cổ phần với Khodorkovsky trong Yukos là Platon Lebedev bị bắt vì cáo buộc gian lận. Động thái này được nhìn nhận như lời cảnh báo đối với Khodorkovsky phải tránh xa chính trị. Nhưng cũng chỉ 4 tháng sau, lực lượng an ninh Nga với súng ống đầy mình ập vào còng tay Khodorkovsky ngay trên chiếc chuyên cơ tại một sân bay ở vùng Siberia.

Cơ quan điều tra Nga sau đó nhanh chóng thu thập đủ chứng cớ để buộc tội Yukos do Khodorkovsky chịu trách nhiệm chính đã trốn thuế với số tiền khổng lồ. Do không thể thanh toán khoản nợ này, tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Nga đã tuyên bố phá sản năm 2006. Một lần nữa số phận của Yukos lại được quyết định thông qua các cuộc đấu giá tài sản do nhà nước tổ chức.

Khi số phận Yukos đã được định đoạt và biến mất hoàn toàn về mặt pháp lý vào tháng 11/2007, Khodorkovsky và bạn tù đầy duyên nợ Platon Lebedev vẫn tiếp tục “bóc lịch” trong một trại lao động có từ thời Liên Xô ở vùng Chita, phía đông Siberia, cách thủ đô Matxcơva khoảng 4.700km về phía đông.

Cái tên Yukos đã hoàn toàn biến mất. Ảnh: SMH

Sau một thời gian dài là tâm điểm của báo chí Nga và quốc tế, dần dần người ta không còn quan tâm nhiều đến Khodorkovsky. Nhưng vụ án lớn nhất nước Nga thời hậu Liên Xô lại được xới lên vào đầu năm 2009, khi bộ đôi Khodorkovsky và Lebedev được chuyển về Matxcơva để đối mặt với phiên toà thứ hai liên quan đến tộ danh tham ô 27,7 tỷ USD và rửa số tiền gần 12,5 tỷ USD.

Khi phiên toà thứ hai này chuẩn bị kết thúc, bản thân Khodorkovsky đã dự đoán rằng ông sẽ không được thả sau khi mãn hạn bản án đầu tiên vào năm 2011. Tuy nhiên, cựu tỷ phú Yukos cũng cảnh báo số phận cả nước Nga phụ thuộc vào vụ án của mình. “Đó không phải tôi hay Platon Lebedev đang đứng trước toà, mà đó là tất cả người dân Nga”, BBC dẫn lời Khodorkovsky nói trước toà.

Trong khi đó, luật sư của Khodorkovsky luôn cho rằng cáo buộc nhằm vào thân chủ của họ được dàn xếp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của ông này trong chính trị. Còn khi được hỏi về Khodorkovsky, Thủ tướng Nga Putin đã so sánh Khodorkovsky với siêu lừa Mỹ Bernard Madoff và nhấn mạnh: “Đã là một tên trộm thì phải vào tù”. Bản thân Khodorkovsky thì bày tỏ trên một tờ báo rằng: “Tôi chúc Putin được người dân yêu mến chứ không phải sợ hãi”.

Với việc toà án Nga hôm 27/12 khẳng định Khodorkovsky và cộng sự Platon Lebedev phạm tội tham ô và rửa tiền với số lượng lớn, cựu tỷ phú từng giàu nhất nước Nga sẽ phải tiếp tục ngồi tù ít nhất đến năm 2017 sau khi mãn hạn cho bản án cũ.

Ngay khi toà án Nga tuyên bổ sung tội danh cho Khodorkovsky, một loạt quốc gia phương Tây đã lên tiếng bày tỏ lo ngại. “Chúng tôi lấy làm phiền lòng vì những vi phạm nghiêm trọng tiến trình xét xử và sự lạm dụng hệ thống pháp lý, vì những mục đích không thích hợp”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs nói. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bình luận phán quyết của toà án Nga khiến người ta nghi ngờ về việc truy tố “mang động cơ chính trị”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết ông rất lo ngại về phán quyết của Nga. “Cách phiên tòa này diễn ra là vô cùng không minh bạch và là bước thụt lùi trên con đường hiện đại hóa của nước này”, ông nói thêm. Ngoài ra, Liên minh châu Âu, Anh và Pháp cũng chính thức lên tiếng về phiên toà xử Khodorkovsky.

Bộ Ngoại giao Nga cũng lập tức phản ứng và chỉ trích phương Tây “đang gây áp lực không thể chấp nhận được” đối với phiên toà xử Khodorkovsky. Matxcơva cũng khẳng định việc một số chính phủ nước ngoài chỉ trích toà án Nga trong vụ án này là “vô căn cứ”.

Đình Nguyễn

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc