Home » Xã hội » Hà Nội siết chặt quy định cấp phép xây nhà
Mảnh đất dưới 30 m2 và có một cạnh dưới 3 m sẽ không được xây nhà; chiều cao tối đa của công trình không được lớn hơn 3 lần so với cạnh nhỏ nhất của mảnh đất… là những quy định sắp được Hà Nội ban hành.

Song song với kế hoạch xử lý các nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại trên địa bàn, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đưa ra dự thảo quy định quản lý quy hoạch, kiến trúc hai bên đường đô thị để lấy ý kiến các sở ban ngành và người dân.

Theo dự thảo, trên các tuyến đường trong khu vực nội thành cũ được giới hạn từ vành đai 2 đến đê sông Hồng, các ô đất không được xây dựng nếu diện tích dưới 30 m2 và ít nhất một cạnh dưới 3 m. Với các tuyến đường ngoài nội thành, nghiêm cấm xây dựng với ô đất dưới 36 m2 và có ít nhất một cạnh dưới 4 m.

Tuy nhiên, một số khu vực đặc thù như phố cổ, phố cũ, trung tâm Ba Đình, thành cổ Sơn Tây, khu di tích Cổ Loa… được nới rộng hơn. Theo đó, các lô đất có diện tích dưới 15 m2 có thể cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hay lô đất rộng trên 25 m2 đến 36 m2 có thể xây tối đa 2 tầng, cao tối đa 9 m.

Một công trình hình dáng kỳ dị mọc lên dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Khánh Chi.

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng đưa ra quy định chiều cao công trình đơn lẻ tối đa không được lớn hơn 3 lần so với cạnh nhỏ nhất của công trình. Trên các tuyến phố ổn định, nhà xây mới không được cao quá 7,2 m (tương đương 2 tầng) so với nhà liền kề. Ngoài ra, các công trình không được sử dụng mái vẩy, mái tạm, mảnh che, hạn chế lắp đặt thiết bị như điều hòa, giá phơi quần áo tại mặt tiền nhà…

Màu sắc của các ngôi nhà hai bên tuyến đường trong khu vực hạn chế phát triển, không gian quảng trường không được phản cảm, quá tối, quá sẫm, quá chói, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Dự thảo mới cũng đề cập trách nhiệm quản lý của các cấp, trong đó, UBND các quận, huyện, thị xã được giao giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng đất xây dựng đảm bảo quy định. Nếu các tuyến đường đang nghiên cứu khảo sát hiện trạng để xây dựng, các Ban quản lý dự án cần xác định phần đất còn lại sau giải phóng mặt bằng, đề xuất phương án thu hồi.

Với tuyến đường còn tồn tại những ô đất không đủ điểu kiện xây dựng sau khi mở đường, các quận, huyện phải kiểm soát không để các cá nhân xây trên ô đất này và lập hồ sơ thu hồi đất, bồi thường tái định cư giải phóng mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở đã soạn thảo các quy định kiến trúc hai tuyến đường từ năm 2007, nhưng cho đến nay chưa được ban hành bởi nhiều ý kiến trái chiều. Khi sáp nhập với Hà Tây, có thêm nhiều điều phải xem xét nên hiện tại dự thảo vẫn tiếp tục hoàn thiện.

Ông Hải cho rằng, quy định mới ban hành sẽ góp phần quản lý bộ mặt đô thị hai bên tuyến đường, đơn giản cho công tác cấp giấy phép xây dựng, xóa tình trạng nhà siêu mỏng…

Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình, các sở ngành, quận huyện phải góp ý vào dự thảo quy định quản lý kiến trúc trước ngày 10/1/2011, UBND sẽ ban hành quyết định chính thức trước 30/1/2011.

Đoàn Loan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc