Home » Sức khỏe » Khám bệnh nước ngoài: Đắt có xắt ra miếng?
Cùng một kỹ thuật, phương pháp điều trị nhưng chi phí khám ở nước ngoài đắt gấp hàng trăm lần so với chi phí khám chữa bệnh tại Việt Nam. Chưa kể, nhiều người bệnh vì chọn nhầm những nơi không uy tín, khiến tiền mất, tật mang.

Chi phí cao, hiệu quả điều trị ắt tốt?

Có rất nhiều người Việt Nam sẵn sàng bỏ ra cả trăm ngàn USD để ra nước ngoài điều trị với mong muốn được điều trị ở môi trường tốt nhất, dịch vụ tốt nhất. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mới được hưởng dịch vụ, cơ sở vật chất tốt nhất chứ chưa thực sự có được hiệu quả điều trị tốt nhất.
xatri2_
Các kỹ thuật điều trị ung thư, ngoại khoa… tay nghề bác sĩ Việt Nam
không thua kém gì các bác sĩ các nước. Trên thực tế, rất nhiều kỹ thuật khó,
những ca bệnh nặng, đặc biệt đã được bác sĩ Việt Nam cứu sống. (Ảnh: H.Hải)

Như trường hợp của chị Nguyễn Thu Thuỷ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị tai biến khi mổ đẻ tại Singapore. Khi mang thai, đi khám tại các bác sĩ sản khoa Việt Nam thì các bác sĩ đều chẩn đoán chị Thủy sẽ phải mổ đẻ và cắt tử cung vì nhau thai cài răng lược. Với hy vọng giữ được tử cung nên chị Thủy đã tìm đến một bệnh viện sản khoa ở Singapore sinh nở, dù chi phí ước tính đến hàng vài chục nghìn đô la. Tuy nhiên tại đây, sau khi sinh em bé, chị vẫn phải cắt tử cung với số tiền phải nộp lên đến 98.000 đô la Singapore. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày thứ 3 sau mổ, chị bị phù, suy thận, bệnh viện xác định bị vô niệu, tổn thương thận và niệu quản và hẹn 1 tháng nữa khám lại. Sau một tháng, quay trở lại Singapore kiểm tra, chị được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu và được hẹn sau 3 tháng sẽ phẫu thuật với chi phí cho ca phẫu thuật này là 35 nghìn đô la Singapore (khoảng 460 triệu đồng).

Trở về Việt Nam với tâm trạng rối bời, nghe lời khuyên của nhiều người thân, chị đã tìm đến bệnh viện Việt Đức để khám. Không ngờ, vừa khám xong bác sĩ đã cho nhập viện và lên lịch phẫu thuật. “Lúc đầu tôi rất băn khoăn, định đợi quay trở lại Singapore nhưng rồi lại quyết định phẫu thuật. Không ngờ, chỉ sau 4 ngày nằm viện, bác sĩ đã cho tôi xuất viện với số tiền phải thanh toán chỉ là 9,3 triệu đồng (bảo hiểm đã chi trả 5,7 triệu đồng)”.

Hay như trường hợp của bệnh nhân là chị H.N.Đ (34 tuổi, Hà Nội). Là một diễn viên múa nên việc phải cắt một bên vú với chị là một cú sốc rất nặng. Với mong muốn không phải cắt bầu ngực phải, chị đã quyết định sang Singapore điều trị, với chi phí dự kiến lên tới gần 1 tỷ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây cho biết để điều trị triệt để, chị cũng sẽ phải cắt bỏ vú phải (như các bác sĩ Việt Nam tiên lượng) nên chị đã quyết định trở về Việt Nam, quay lại điều trị tại bệnh viện TƯ Quân đội 108. Tại đây, các bác sĩ đã vừa phẫu thuật cắt bỏ u vú phải, vừa sinh thiết khẳng định không còn tế bào ác ở bầu vú được cắt, vừa tiến hành tạo hình vú mới đầy đặn như bên còn lại cho chị, với chi phí chỉ là 15 triệu đồng (theo diện kỹ thuật cao).

Tay nghề bác sĩ Việt Nam không thua thế giới

Đó là lời khẳng định của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc BV Việt Đức về trình độ, tay nghề của bác sĩ Việt Nam.

“Bác sĩ Việt Nam hoàn toàn không thua kém gì bác sĩ nước ngoài về trình độ. Thậm chí, điều kiện thực hành ở Việt Nam còn tốt hơn họ rất nhiều. Ví như một bác sĩ nước ngoài mổ cắt gan mỗi năm chỉ mổ từ 40 – 50 ca. Còn bác sĩ tại Việt Nam, như chúng tôi, một năm cắt từ 150 – 200 ca. Vì thế chỉ có thể nói, ở Việt Nam, tay nghề, trình độ bác sĩ thì không thua, nhưng phải nhìn nhận thực tế ta đang thua họ về cơ sở vật chất, phòng ốc, tinh thần thái độ phục vụ (vì bệnh nhân đông). Khắc phục được, nền y tế của Việt Nam sẽ không thua kém gì nước ngoài”, TS Quyết nói.
benhnha
Đa số bệnh nhân tin tưởng vào trình độ bác sĩ trong nước, nhưng
họ sợ cảnh đông đúc, chật chội khi nằm viện, nên nhiều người có
điều kiện đã chọn ra nước ngoài điều trị. (Ảnh: H.Hải)

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đi chữa trị ở nước ngoài một thời gian lại phải quay trở về bệnh viện trong nước để chữa trị tiếp hoặc khắc phục di chứng. Tại bệnh viện Việt Đức, rất nhiều người đi nước ngoài mổ ung thư phải về Việt Nam mổ lại, thậm chí về đăng ký chờ ghép tạng lại sau khi đã được ghép ở nước ngoài.

Cũng theo TS Quyết, phần lớn người bệnh Việt Nam khi lựa chọn khám ở nước ngoài đều có chung tâm lý ngại cảnh đông đúc, chật chội, chờ đợi khi khám chữa tại Việt Nam. Còn ở nước ngoài, cũng với tay nghề, kỹ thuật tương tự, nhưng lại có thêm dịch vụ hoàn hảo nên người bệnh được chăm sóc kỹ lưỡng, đem đến sự thoải mái, tiện lợi nên họ sẵn sàng trả một khoản tiền rất lớn để điều trị. Trong khi đó, tại Việt Nam, tay nghề bác sĩ có, trang thiết bị chẩn đoán có nhưng cơ sở vật chất còn hạn chế nên không thể đáp ứng được nhu cầu của những bệnh nhân có yêu cầu cao này.

Vì thế, mục tiêu của bệnh viện Việt Đức đạt ra là tiếp tục trang bị cơ sở vật chất, phòng ốc, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ để người bệnh tin tưởng, khỏi ra nước ngoài khám chữa bệnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa có thêm nguồn thu cho bệnh viện từ các phòng dịch vụ cao phục vụ lớp đối tượng có nhu cầu này.

“Tôi chắc chắn một điều, không có lý gì người bệnh không chọn điều trị trong nước khi điều kiện cơ sở vật chất được nâng cao. Vì tay nghề bác sĩ không thua gì thế giới, lại thêm giá viện phí ở Việt Nam so với các nước trong khu vực rẻ bằng 1/20 – 1/30 lần. Ví như một giường hồi sức tích cực ở Việt Đức chỉ từ 70 – 100USD/ngày (tối đa) nhưng ở nước ngoài từ 2.000 – 2.500USD. Một ca cắt gan ở nước ngoài mất 50.000USD, ở Việt Nam chỉ mất 1.000USD là tối đa. Hay như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 – 230 triệu…”, TS Quyết nói.

Theo nhiều chuyên gia y tế, không chỉ trong lĩnh vực ngoại khoa, mà tất cả các lĩnh vực y tế khác như tim mạch, điều trị ung bướu… thì Việt Nam cũng được bạn bè thế giới nhìn nhận bằng con mắt ngưỡng mộ. Vì với một điều kiện vật chất hạn chế hơn rất nhiều, nhưng hầu như tất cả các kỹ thuật điều trị Việt Nam đều sánh vai cùng được với các nước trong khu vực. Vì thế, người Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng, yên tâm điều trị tại Việt Nam, nhất là hiện nay, khi các bệnh viện đều đang tăng cường đổi mới, tăng cường trang thiết bị, vật chất… để đáp ứng nhu cầu điều trị dịch vụ cao cho nhiều người bệnh có nhu cầu.

Tú Anh

Theo dantri



Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc