Home » Kinh doanh » Ca sĩ Cẩm Vân kinh doanh tôm khô
30 năm đi hát ở Sài Gòn, vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân – Khắc Triệu gây bất ngờ cho mọi người khi rẽ sang bước ngoặt mới: kinh doanh sản xuất tôm khô tận Cà Mau. Cẩm Vân chia sẻ với VnExpress.net về nghề tay trái này.

– Hơn nửa đời người theo nghiệp hát và gặt hái được nhiều thành công, tại sao chị lại đột ngột rẽ sang hướng đầu tư kinh doanh sản xuất tôm khô?

– Việc kinh doanh đến với vợ chồng tôi một cách tình cờ. Tôi có người bạn ở Cà Mau mỗi lần lên Sài Gòn chơi đều tặng tôm khô đặc sản làm quà. Thấy tôm ngon, gia đình lại có họ hàng ở Mỹ, vợ chồng tôi nảy ý định muốn thử làm đại lý phân phối sản phẩm ra nước ngoài. Từ ý tưởng ấy tôi được đề nghị cùng đầu tư nhà máy sản xuất tôm khô bằng dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại khép kín. Ngay sau đó, tháng 4/2009, vợ chồng tôi hùn vốn đầu tư với một số bạn bè để bắt tay thực hiện dự án này. Những ngày đầu ấp ủ kế hoạch kinh doanh, chúng tôi không hề lường trước những khó khăn mà sau này chỉ những ai lăn lộn thương trường mới nếm trải. Thậm chí có nhiều người bạn đánh giá chúng tôi đầu tư quá liều lĩnh.

– Chưa từng có kinh nghiệm và phải quản lý điều hành từ xa, hẳn sẽ có không ít khó khăn. Chị có thể chia sẻ với VnExpress.net những điều đó?

– Nhiều người hỏi tôi ở Sài Gòn tại sao dám bỏ vốn kinh doanh tận Cà Mau? Giao hết cho đối tác liệu có ổn không? Tôi và anh Triệu đều cùng chung quan điểm, làm ăn thì phải có cái tâm mới lâu bền và phải tin tưởng nhau mới cùng phát triển được. Đối tác của chúng tôi có kinh nghiệm lâu năm về nghề tôm là trực tiếp quản lý nhà máy ở Năm Căn nên cũng yên tâm được phần nào.

Tổng giám đốc Công ty Song Hưng Tạ Hùng Mau (người đàn ông mặc áo xanh) và ca sĩ Cẩm Vân (áo đỏ) đang lựa tôm đất, nguyên liệu đầu vào để chạy thử nghiệm tại nhà máy. Ảnh: V.T.

Tuy nhiên chướng ngại vật quả thật không nhỏ. Chúng tôi bắt đầu việc kinh doanh này từ con số không tròn trĩnh, tức là phải xây dựng từng viên gạch nền móng đầu tiên. Từ việc góp vốn lập công ty, tìm mua đất để xây nhà xưởng cho đến chuyện lặn lội đi nhiều nước nghiên cứu dây chuyền máy móc để nhập về, rồi tuyển lao động, nguyên liệu… tất cả phải được chuẩn bị chu đáo và mất rất nhiều thời gian.

Sau đó là công đoạn sản xuất thử nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm nhiều lần. Mãi đến cuối năm 2010 sản phẩm mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Lúc mang tôm khô thương hiệu Song Hưng mời bạn bè dùng thử, xin ý kiến, tôi vô cùng hồi hộp. Tôi lo đủ thứ, nào là tôm khô có đều và đẹp không, mùi vị thế nào, độ ẩm đạt yêu cần chưa… Đến khi được mọi người khen chất lượng sản phẩm, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Xưa nay tôi quen đứng trên sân khấu với tư cách là ca sĩ. Bây giờ tôi nhận thêm chức vụ mới là Giám đốc chi nhánh TP HCM Công ty Song Hưng, còn anh Triệu là Chủ tịch HĐQT, việc kinh doanh cả hai vợ chồng đều hết sức bỡ ngỡ và có nhiều áp lực. Hơn nữa, mọi thứ về nghề tôm chúng tôi đều phải chập chững học việc từ khâu vỡ lòng. Nhưng khó khăn ban đầu đã tạm vượt qua. Bây giờ là lúc nghĩ đến những thử thách mới, làm sao để có sản phẩm chất lượng tốt, ổn định và giữ uy tín trên thương trường.

Ca sĩ Khắc Triệu làm nghi thức đốt lò ở nhà máy sản xuất tôm khô Song Hưng tại Năm Căn, Cà Mau. Ảnh: V.T.

– Những khi công việc không thuận lợi, có lúc nào chị cảm thấy hoang mang và lo lắng?

– Có chứ, hầu như trong suốt khoảng thời gian chuẩn bị cho việc kinh doanh sản xuất, tôi đều rơi vào tâm trạng mệt mỏi, lo lắng xen lẫn hoang mang. Mình ở Sài Gòn còn nhà xưởng ở tận Cà Mau, khoảng cách địa lý quá lớn. Điều hành công việc từ xa không phải là chuyện dễ, thậm chí có khi tôi bị stress. Điều khiến tôi hoang mang nhất là trong giữa chặng đường, việc đầu tư liên tục phát sinh thêm chi phí, phải tăng vốn mới vận hành được nhà máy. Lúc ấy, vợ chồng tôi gom góp tất cả vốn liếng dể dành từ nghề đi hát đổ vào việc kinh doanh mà vẫn không lo xuể. Thậm chí, quỹ tiền để dành cho con cái du học cũng mang ra đổ vào nhà máy.

Tôi bàng hoàng nghĩ, con mình đang rất say mê học, tương lai của con sẽ thế nào nếu việc kinh doanh không thuận lợi. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi nếm trải cảm giác hồi hộp đi vay tiền làm ăn, trả lãi ngân hàng mỗi tháng. Tôi chợt nhớ lại thời thơ ấu, lúc còn học ở trường Hòa Bình (gần Nhà thờ Đức bà TP HCM), nợ tiền trường, cô giáo nhắc nhiều lần mà mẹ tôi chưa lo đủ tiền đóng. Mẹ tôi dặn cứ đi học bình thường, mẹ sẽ đến đóng tiền sau. Hôm ấy tôi đi học trong cảm giác nhột nhạt và sợ sệt, ngồi trong lớp mà cứ ngóng xem mẹ đã đến chưa. Những vấp váp trong kinh doanh bây giờ làm sống lại nhiều kỷ niệm, cảm xúc của ngày xưa.

– Nhưng hẳn là bên cạnh khó khăn cũng có niềm hạnh phúc, đặc biệt là khi ta chạm tới quả ngọt đầu mùa. Với chị, cảm giác ấy như thế nào?

– Với tôi, khi tôm khô Song Hưng xuất xưởng đạt tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu) là cả một chuỗi cảm xúc khó tả. Trong đó có nỗi hồi hộp, sự lo lắng xen lẫn hạnh phúc lâng lâng. Hồi hộp và lo lắng vì không biết khách hàng phản ứng ra sao. Còn hạnh phúc vì khách hàng dùng sản phẩm xong đã đặt thêm hàng và phản hồi là họ rất thích.

Tết này, ở thị trường trong nước tôm khô Song Hưng sẽ có mặt ở hệ thống siêu thị Co.opMart, CityMart và siêu thị Sài Gòn Tiếp Thị. Còn ở nước ngoài, chúng tôi đã xuất khẩu tôm khô đi Mỹ, Australia, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tôi biết đây chỉ là bước đầu, mình chỉ đang chạm đến những quả ngọt đầu tiên và cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Trước đây việc kinh doanh làm tôi căng thẳng, mệt mỏi bao nhiêu thì hiện nay công việc bắt đầu mang lại cho tôi sự yên tâm, yêu đời.

Từ khi sản xuất tôm khô, tôi có được niềm vui nho nhỏ là tập chế biến thêm nhiều món ăn làm từ tôm khô. Đó là: gỏi Thái Lan, chà bông tôm khô, sa tế tôm khô, nhân bánh làm từ tôm khô… Tết này nhà tôi chắc chắn sẽ có nhiều món đặc sản làm từ tôm khô, khách tới nhà sẽ tha hồ nếm và thích thú. (Cười)

Cẩm Vân bên hệ thống máy luộc sấy tôm đang chạy thử nghiệm. Ảnh: V.T.

– Từ trải nghiệm với nghề tay trái, chị nhận thấy kinh doanh khác làm ca sĩ như thế nào?

– Tôi thấm thía kinh doanh không hề đơn giản, thậm chí lấy đi của mình nhiều thời gian, tâm sức. Tôi mất ăn mất ngủ một thời gian dài vì lo chuyện sản xuất tôm khô, điều mà nhiều năm đi hát tôi chưa nếm trải. Kinh doanh giống nghề ca sĩ ở chỗ, khi đã tiến lên một bước thì không được chủ quan và phải nỗ lực tiến thêm nhiều bước vững chãi nữa.

Dù là người ngoại đạo, tôi hiểu rằng định vị thương hiệu và quản trị doanh nghiệp là việc rất khó khăn. Xây dựng đã khó, phát triển và bảo vệ thành quả càng khó hơn bội phần. Tất cả đang ở phía trước và chỉ mới bắt đầu. Kinh doanh là không được phép làm mờ mắt người tiêu dùng bằng vẻ đẹp bên ngoài. Bao bì, mẫu mã đẹp không thôi chưa đủ mà chất lượng phải cao và luôn ổn định. Ngày nay cả xã hội ăn ngon mặc đẹp, vì vậy thực phẩm cũng phải đẹp, an toàn và ngon.

– Không chỉ là một ca sĩ có tên tuổi, chị còn là Đại sứ hàng Việt và bây giờ là sản xuất hàng Việt Nam cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Chị kỳ vọng gì từ việc kinh doanh?

– Tôi kỳ vọng rất nhiều thứ. Cẩm Vân – Khắc Triệu trên sân khấu nhận được tình cảm yêu mến của khán giả như thế nào thì sản phẩm tôm khô Song Hưng cũng phải làm được tương tự như vậy.

Vợ chồng tôi đều tâm niệm rằng, không thể từ bỏ nghệ thuật. Cẩm Vân – Khắc Triệu sẽ hát cho đến khi nào không còn hát được nữa thì thôi. Thế nhưng, việc kinh doanh cũng không được lơ là. Cần phải làm sao giữ cho sản phẩm đạt chất lượng tốt đẹp như hình ảnh của chúng tôi trên sân khấu trong 30 năm qua.

Tôi không hiểu nhiều về kinh doanh. Vì thế, khi đầu tư sản xuất tôm khô, tôi lấy tiêu chí cả đời làm ca sĩ của mình để phấn đấu. Đó là giữ chữ tín, tiến từng bước chậm mà chắc, lấy chất lượng làm đầu. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi sản phẩm được ủng hộ không chỉ vì tôi là ca sĩ, là người của công chúng mà vì sản phẩm của tôi đạt chất lượng cao.

Vũ Lê

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc