Home » Kinh doanh » Chủ tịch VNDIRECT từng ước bán công ty giá 1 đôla
Quá chán chường với những áp lực nợ nần, trách nhiệm, tin đồn thất thiệt… năm 2008, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT bi quan đến mức ước ao bán được công ty chỉ với giá 1 đôla.

Chỉ trước đó một thời gian ngắn, người đứng đầu VNDIRECT vô cùng lạc quan và tin rằng có thể làm được mọi thứ mình muốn với những kế hoạch lớn và hoành tráng. Thế nhưng, cú sốc khủng khiếp đến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến cho người phụ nữ có cá tính mạnh trở nên suy sụp.

“Trước đó, tôi thành công khá dễ dàng, gần như muốn gì được nấy. Thậm chí muốn thay đổi là thay đổi được ngay, và cái sau luôn tốt hơn cái trước. Đây là nguyên nhân khiến cho tôi chủ quan”, bà Hương tâm sự.

Thấy mình không hợp với nghề dạy học, bà Hương rời Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để tới Citibank và được nhận vị trí Network Manager, mức lương tháng tăng vọt từ 105.000 đồng lên 500 đôla một tháng.

Chỉ sau 6 tháng làm việc, bà Hương xin đổi vị trí bởi quá chán việc thường xuyên chui xuống gầm bàn “ngửi tất đồng nghiệp” mỗi khi họ vô tình đá phải máy tính làm tuột dây máy in hoặc dây nguồn nối với ổ điện. Đề xuất với tổng giám đốc được chuyển sang làm Country Treasurer (Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn) – một vị trí hiện chưa có người phụ trách tại ngân hàng, bà Hương được chấp nhận.

Ảnh: Hoàng Hà
Làm CEO đôi khi không tránh được cảm giác cô đơn. Ảnh: Hoàng Hà.

Đây là một sự kiện đặc biệt tại nhà băng này bởi người phụ nữ được bổ nhiệm chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh tiền tệ; trong khi đó, Country Treasurer là vị trí rất quan trọng trong ngân hàng nước ngoài. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, bà Hương nổi lên như một “siêu sao” về kinh doanh tiền tệ tại Citibank với việc đem lại 40% tổng lợi nhuận cho ngân hàng từ công việc của mình.

Sau khi nhân sự cấp cao tại nhà băng này thay đổi, bà Hương cảm thấy không còn phù hợp với công việc tại đây nên nộp đơn xin thôi việc và quyết định làm riêng. Tuy nhiên, việc kinh doanh trong ngành tư vấn tài chính của bà cùng một số đồng nghiệp là cựu nhân viên ngân hàng nước ngoài không mấy thành công.

Năm 2003, vào đúng lúc thị trường chứng khoán lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, bà Hương cùng một số bạn bè mua cổ phiếu của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI). Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc, các bạn của bà đồng loạt bỏ cuộc vì thấy giá cổ phiếu niêm yết xuống dốc không phanh. “Đâm lao phải theo lao”, bà Hương đành dốc toàn bộ số tiền tích góp để mua trọn đống cổ phiếu bị nhiều người coi như mới giấy lộn vào lúc đó.

Chưa làm việc tại đâu mà lại mua quá nhiều SSI, bà Hương nhận lời mời gia nhập Công ty chứng khoán Sài Gòn vào tháng 9/2003 với hy vọng sẽ làm cho cổ phiếu này trở nên có giá. Vào thời điểm đó, chẳng ai đánh giá hành động này là khôn ngoan bởi VnIndex tụt xuống mức 137 điểm, giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi phiên chỉ vài tỷ đồng.

Trên cương vị tổng giám đốc, cũng chỉ trong một thời gian ngắn, bà cùng với các đồng nghiệp tại SSI đưa công ty này lên vị trí số một trên thị trường, vượt xa các công ty chứng khoán khác về thị phần môi giới, tư vấn tài chính…. Thế nhưng, cuối năm 2006, người phụ nữ chứng khoán lại rời SSI và thành lập Công ty đầu tư IPA, tiếp đó là Công ty chứng khoán VNDIRECT với vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng.

Chủ tịch VNDIRECT tâm sự: “Cuộc đời tôi giống như một câu chuyện cười. Kể từ khi đi làm kinh doanh, tôi cứ vấp một chuyện nhỏ thì chuyển sang cái khác lại thu được thành công lớn hơn và khá dễ dàng. Đây cũng là lý do tôi đặt nhiều mục tiêu cao với những dự án hoành tráng khi thành lập IPA và VNDIRECT”.

Thời điểm thành lập IPA và VNDIRECT cũng đúng vào lúc thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng trưởng phi mã và được coi là cơ hội “trăm năm có một” đối với những người làm ngành chứng khoán. Nhân tố này càng củng cố sự tự tin và lạc quan có phần hơi thái quá của bà Hương.

Cũng vì thế, không giống như những “ngày vàng” tại SSI, người phụ nữ ngược dòng chứng khoán vấp phải một cú sốc lớn vào năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Cơn bão khủng hoảng không chừa một ai và bà Hương cũng như IPA, VNDIRECT còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi chính những kế hoạch, mục tiêu hoành tráng đặt ra trước đó.

Nợ nần chồng chất, nhân viên bỏ đi, tin đồn thất thiệt lan truyền khắp nơi… bà Hương phải chịu những áp lực chưa từng có kể từ ngày đi làm kinh doanh. “Giai đoạn đó, công ty còn quá non trẻ để mọi người vững tin vào tương lai. ‘Nhất tội, nhì nợ’, các cụ dạy quả không sai. Tôi tưởng chừng như tất cả các tội nợ ấy dồn cả lên đầu mình. Có những lúc tôi chỉ mong bán được công ty với giá 1 đôla để mọi người gánh hết trách nhiệm cho mình”, bà Hương tâm sự.

Tuy nhiên, cũng đúng vào lúc khủng hoảng tồi tệ nhất, người phụ nữ này và các cộng sự lại tìm thấy đường ra. Đó không phải là những giải pháp thần kỳ hoặc khác biệt mà đơn giản là “tìm được điểm dừng, đặt mục tiêu đúng và phù hợp với năng lực của VNDIRECT chứ không còn nghĩ tới vị trí số 1, số 2 hay số 3 nữa. Mục tiêu mới là phải sống và tồn tại được”, bà Hương nói.

Theo nữ doanh nhân này, ranh giới giữa cơ hội và rủi ro rất mong manh, điều quan trọng là phải biết rõ mình cần gì và có mục tiêu cụ thể vì đặt ra qua nhiều kế hoạch rất dễ bị “loạn chưởng”.”Trong số 100 mục tiêu đưa ra, tôi hay chọn ra 3 điều quan trọng, rồi suy nghĩ thật kỹ để gạt bỏ 2 đi. Cuối cùng tập trung toàn bộ sức lực để có thể dồn tâm cho một mục tiêu quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại”, bà Hương chia sẻ.

Cũng chính nhờ cơn bão tài chính năm 2008, bà Hương đã giảm bớt những mục tiêu đầy tham vọng, đổi cách đi cho phù hợp hơn và tập trung vào việc xây dựng hệ thống. Thế nhưng, khi không còn những kế hoạch quá hoành tráng thì kết quả lại đến hết sức bất ngờ.

Hai năm sau khủng hoảng, VNDIRECT có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng khi mới thành lập đã vọt lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 8/2010, giá trị thị trường của công ty lúc cao điểm lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Cuối năm 2010, thị phần môi giới của VNDIRECT đứng thứ 2 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và thứ 7 ở Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. “Kết quả này không lớn nhưng khá bất ngờ vì chúng tôi đang tập trung xây dựng hệ thống nên không đặt mục tiêu cao”, bà Hương nói.

Cũng sau cú sốc năm 2008, người phụ nữ đầy tham vọng này đã thay đổi. Thay vì đặt ra những mục tiêu hoành tráng, bà Hương trở nên thận trọng hơn với triết lý “phải biết điểm dừng của mình”. “Sau khủng hoảng, tôi rất tâm đắc với triết lý ‘buông xả’ trong đạo Phật, có nghĩa là ‘đến một điểm nào đó mình phải biết dừng’. Người nào biết điểm dừng sẽ là người thành công”, nữ doanh nhân bộc bạch.

Tháng 10/2010, bà Hương quyết định rút lui khỏi chức vụ CEO, nhường việc điều hành cho lớp trẻ và chỉ tập trung vào việc nghiên cứu những vấn đề mang tính chiến lược của VNDIRECT. Tổng giám đốc mới của công ty được Hội đồng quản trị chọn mới chỉ 24 tuổi và là CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm đó. “Tôi tin vào những người trẻ, chứng khoán giờ là thời của họ”, bà nói.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc