Home » Kinh doanh » Làm CEO khi doanh nghiệp khủng hoảng
Đã là giám đốc điều hành (CEO), hẳn ai cũng phải đương đầu với vô vàn khó khăn, nhưng khó khăn ấy lớn gấp bội nếu phải chèo lái một công ty mà tương lai của nó chưa chắc chắn.


Ảnh: Charles “Ed” Haldeman Jr – CEO của Freddie Mac (Gestalta)
Ảnh: Charles “Ed” Haldeman Jr – CEO của Freddie Mac. Ảnh: Gestalta.

Đó chính là tình cảnh của CEO Charles “Ed” Haldeman Jr của Freddie Mac – một trong hai tập đoàn cho vay thế chấp phải cầu viện tới sự giải cứu của chính phủ Mỹ đầu năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính đang ở giai đoạn cao trào.

Freddie và “đàn anh” Fannie Mae của mình đã vay tổng cộng 150 tỷ USD của những người nộp thuế để bù vào khoản lỗ khổng lồ từ hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn.

Các chính trị gia của Đảng Cộng hòa kết tội hai công ty này gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất và muốn xóa sổ họ. Kể cả những người vốn ủng hộ mục tiêu của Freddie và Fannie là giúp tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp có thể mua nhà cũng thừa nhận phải có một vài thay đổi lớn.

Nhưng làm thế nào để thay đổi tại thời điểm mà Fannie và Freddie đang làm trụ cột cho cả thị trường nhà đất bằng việc bảo đảm cho 90% các khoản vay mới là điều hết sức phức tạp và mang đậm tính chính trị.

Một kế hoạch của Nhà Trắng được kỳ vọng sẽ vạch ra những thay đổi đã bị hoãn lại và rất có thể sẽ chỉ đưa ra một số lựa chọn hơn là cải tổ. Rất có thể Fannie và Freddie sẽ bị để trong tình trạng bấp bênh cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 – một viễn cảnh mà ông Halderman miêu tả là “trường hợp xấu nhất”.

Ông đã nói với tờ Financial Times rằng: “Tôi muốn có một quyết định sớm vì thật khó để giữ bộ máy hoạt động trong tình trạng như thế này”. Do vậy, ông đã không đợi chính phủ hành động. Đoán trước sẽ có những thay đổi, đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng tăng, ông đang định hình lại Freddie để tạo ra sự linh hoạt và tinh giản bằng cách cắt giảm chi phí, nâng cấp công nghệ và thuê nhiều cựu CEO phố Wall.

Dưới sự chỉ đạo của ông, Freddie đang ngày càng thắt chặt các chuẩn mực tín dụng, nâng phí để cải thiện chất lượng các khoản vay. Nhưng chính điều này lại làm phật lòng các ngân hàng – những khách hàng lớn nhất của họ.

Ông Halderman nói: “Chúng tôi nên có hướng tiếp cận như một thành phần tư nhân và có những người thuộc thành phần này dù Freddie không phải là một công ty tư”. Được thành lập sau cuộc Đại suy thoái để giúp hỗ trợ việc mua nhà, cả Fannie và Freddie đều không tạo ra các khoản vay. Họ mua các tài sản thế chấp từ ngân hàng, giữ lại một số, còn lại thì chứng khoán hóa chúng và đem bán cho các nhà đầu tư.

Hệ thống này vẫn làm việc tốt cho đến khi ngân hàng bắt đầu cho những người không có khả năng trả nợ vay trong thời kì bong bóng nhà đất cuối thập kỷ trước.

Ngân hàng siết chặt các khoản vay sau khủng hoảng tài chính, khiến nhiều gia đình ở Mỹ phải bán nhà trả nợ.
Ngân hàng siết chặt các khoản vay sau khủng hoảng tài chính, khiến nhiều gia đình ở Mỹ phải bán nhà trả nợ.

Freddie Mac đã thắt chặt các chuẩn mực bằng cách từ chối mua các khoản vay bị định mức tín dụng dưới chuẩn. Họ cũng tăng phí đối với các ngân hàng để bù lại khoản lỗ bị gây ra do việc bảo đảm cho các khoản vay ở mức tiền bong bóng nhà đất.

Và các ngân hàng cũng chẳng ngần ngại bày tỏ sự không hài lòng của mình. Nhưng ông Halderman cũng nói với các nhân viên rằng: “Tôi coi trọng chất lượng hơn sự hài lòng. Cuộc chơi của tôi không phải là giành thị phần”. Sự thay đổi trên đã giúp Freddie thu hẹp khoản lỗ trong quý gần nhất về 4,1 tỷ USD từ 6,7 tỷ USD của quý 3 năm 2009 và 25 tỷ USD của quý 3 năm 2008.

Công ty cũng phải đối mặt với những khó khăn về khả năng sinh lợi, bao gồm các khoản chi trả cổ tức lớn cho Kho bạc để đổi lấy các cổ phiếu ưu đãi được phát hành như một phần của gói cứu trợ. Trước đây, ông Halderman từng giúp Putnam Investments vượt qua một scandal trong đó các giám đốc bị kết tội mua bán các khoản tiền của khách hàng một cách không hợp lệ và bị phạt 55 triệu USD.

Còn tại Freddie, ông đã lấp đầy khoảng trống lãnh đạo sau sự từ chức của CEO David Moffett tháng 3/2009 và vụ tự tử một tháng trước đó của CFO David Kellermann. Ông đã bị hết cuộc khủng hoảng nọ đến cuộc khủng hoảng kia bủa vây.

Nhẹ nhàng và suy nghĩ thấu đáo, ông Halderman có sự kiên trì của một người tự thành đạt. Khi còn là một thiếu niên sống tại Philadelphia, ông đã làm trong một công ty gia đình chuyên sản xuất bảng đăng kí xe ô tô. Sau đó ông giành học bổng tại Dartmouth và trở thành người đầu tiên trong gia đình học đại học. Về sau ông còn học thêm Đại học Luật Harvard nữa.

Sự bền bỉ đó đã được phát huy khi Freddie Mac ra sức yêu cầu các ngân hàng mua lại các khoản vay không đáp ứng được yêu cầu của bảo lãnh phát hành. Fannie và Freddie cũng đã đạt được thỏa thuận đòi 2,6 tỷ USD từ ngân hàng trung ương Mỹ để bù lại chi phí của phần lớn các khoản vay này.

Lời đề nghị mua lại vẫn đang được treo với các ngân hàng khác, và Freddie cùng các trái chủ vẫn đang kiện ngân hàng trung ương Mỹ về các vi phạm trong quá trình hoạt động và trả lãi các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp được gắn mác riêng tư mà bộ phận Tài chính quốc gia của ngân hàng này bảo lãnh phát hành.

Ông Halderman nói: “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ lợi ích cho người nộp thuế, kể cả khi điều đó làm tổn hại đến các mối quan hệ làm ăn”.

Một ưu tiên khác của ông là giữ chân nhân viên. Ông rất bực mình với chính sách đóng băng lương đối với các nhân viên chính phủ vì ông tin rằng nó không công bằng với những nhân viên ở cấp dưới.

Và mặc dù ông đã cố tạo ra môi trường làm việc khẩn trương, nhưng đôi lúc nhân viên của ông lại phản ứng quá chậm chạp. Một giám đốc đã phàn nàn khi nhân viên của mình mất quá nhiều thời gian để trả lời lại một yêu cầu: “Chúng ta cần có một hệ thống phản ứng 24 giờ”.

Để nâng cao nhuệ khí, ông Halderman thường xuyên gặp gỡ các nhân viên của mình sau giờ ăn trưa tại quán café của công ty và khuyến khích họ để bày tỏ sự quan tâm. Khi một nhân viên hỏi ông khi nào chính sách nhà đất sẽ thay đổi, ông đã trả lời rằng việc Fannie và Freddie thống trị thị trường không thể kéo dài mãi mãi được, và “Tôi không biết liệu việc cạnh tranh có đang đến hay không. Nhưng chúng ta cần phải sẵn sàng cho việc đó”.

Hà Thu (theo Financial Times)

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc