Home » Nhịp sống trẻ, Tiêu Điểm » Những chàng trai ‘siêu’ gói bánh chưng
Gói xong 20 chiếc bánh cho gia đình, Linh tiếp tục “hành quân” đến nhà cô, dì, chú, bác để gói hộ, mỗi nhà vài chục chiếc. Những chiếc bánh vuông vức, xanh mướt mang không khí xuân đến mọi nhà.

Đã thành thói quen, cứ 28 Tết là Đỗ Tuấn Linh (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lại từ chối hết mọi cuộc hẹn để gói bánh chưng chuẩn bị đón năm mới. Từ sáng sớm, mẹ Linh đã vớt gạo, đãi đỗ và đi chợ chuẩn bị lá dong, lạt buộc, thịt mỡ. Trong lúc mẹ loay hoay rửa lá, Linh tước lạt, làm khuôn. Cậu cho hay, gạo đã được mẹ cậu ngâm từ tối qua với một chút muối, sáng hôm sau vớt ra để ráo nước, như vậy bánh mới nhừ và ngon.

Trong ký ức của Linh, chiếc bánh chưng gắn liền với những cái Tết tuổi thơ, khi cậu vẫn còn là chú bé bập bẹ tập nói. Lúc ấy, Linh đã lăng xăng bên chiếu bánh của bố, thích thú với những chiếc bánh vuông vắn, xanh mướt. 10 tuổi, cậu đã nhờ bố chỉ cách gói. Sau đó một năm thì trình độ gói bánh chưng của Thắng đã lên bậc “thợ” với những chiếc bánh vuông vức, chắc chắn.

Năm nào Đỗ Văn Hiệp, sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội cũng giúp bố gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Bá Đô.

“Bố đã bàn giao việc gói bánh chưng khi mình mới học lớp 7. Từ đó đến nay đã 12 năm mình đảm nhận công việc này”, Linh cho hay.

Ngoài gói cho gia đình, những chiếc bánh chắc, đẹp của Linh còn được họ hàng, xóm giềng biết tới. Năm nào họ cũng đến đặt “gói xong của nhà thì qua nhà cô gói hộ nhé”.

Bạn Phạm Mạnh Cường (Ngô Quyền, Hải Phòng) thì có thâm niên gần 10 năm gói bánh. Biết gói từ khi còn học cấp 2, Cường cũng là nhân lực gói bánh chính của xóm nơi anh ở. “Mọi người xóm mình thực ra cũng biêt gói hết, nhưng mình trẻ, có sức, gói chặt hơn nên họ vẫn nhờ”, Cường nói.

Ngày còn là sinh viên, Cường còn nổi tiếng khắp kí túc xá bởi tài gói bánh cho bạn bè ăn. Số là lần đó hứa mang bánh chưng từ quê ra cho nhóm bạn ở phòng nhưng khi ra anh quên béng mất. Để bù lại, Cường ra chợ tìm mua nguyên liệu, về gói 10 chiếc bánh trong sự trầm trồ của nhóm bạn. Rồi mượn nồi, đứa canh quản lý kí túc, đứa luộc rất rôm rả.

“Sau lần đó, các bạn ở kí túc xá biết mình gói bánh chưng, có vụ gì cũng nhờ mình gói, nhất là dịp Tết, các bạn ở Hà Nội lại nhờ về gói trước khi về quê”, Cường cười cho hay.

Giờ đây, khi đã đi làm được hai năm, những kỷ niệm đó đối với Cường vẫn còn in mãi. Năm nay vừa nghỉ làm về quê ăn Tết, Cường lại dành trọn một ngày để gói bánh chưng cho gia đình và hàng xóm.

Gói bánh chưng là cách để giới trẻ đem không khí Tết về nhà và gửi gắm tình cảm vào chiếc bánh gửi đến gia tiên. Ảnh: Bá Đô.

Không giống Linh và Cường, Đỗ Văn Hiệp (Yên Dũng, Bắc Giang) có “trình độ” gói bánh “thường thường bậc trung”, nhưng năm nào cậu cũng cùng bố gói bánh cho gia đình.

“Phải gói bánh chưng mới có không khí Tết chứ. Dù bánh mình gói toàn…hình chữ nhật, nhưng mỗi khi gói thì cảm giác như nhà mình xuân đã về đến ngõ”, Hiệp cười.

Cậu kể, hồi còn nhỏ, mỗi khi bố và chú gói bánh, cậu đều ngồi chăm chú theo dõi. Bốn năm trước, Hiệp bắt đầu tập gói chiếc bánh đầu tiên. “Méo mó, xộc xệch” là hình dáng của sản phẩm đầu tay. Thế nhưng cậu rất vui và tiếp tục tập làm.

“Có những năm nhà mình gói bằng khuôn dừa. Từ sáng sớm lũ trẻ xóm mình đã vác thang và dao đi chặt tàu dừa. Rồi về dọc ra, rửa sạch, làm khuôn. Những lúc ấy đúng là vui như Tết”, Hiệp kể.

Đến nay, sau bốn năm nhận nhiệm vụ gói bánh chưng Tết, sản phẩm của Hiệp đã khá hơn, tuy nhiên vẫn chưa thể vuông vức và đẹp như bánh mua. Thế nhưng, cậu vẫn tự hào và sung sướng khi luộc xong, ép chặt rồi đặt lên bàn thờ gia tiên. “Gói chiếc bánh dù là việc nhỏ, nhưng đó là tấm lòng, là tình yêu mà mình gửi gắm vào đó”, Hiệp nói.

Hoàng Thùy

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc