Home » Thể thao » ‘Messi cũng phải thử việc nếu tới Việt Nam đá bóng’
Tờ La Nacion (Argentina) mới có bài ký sự với tiêu đề “Một thế giới khác” nói về các đồng hương của Messi đang phiêu bạt ở những nền bóng đá kém phát triển tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê độc lập của công ty tiếp thị thể thao Euroamericas cuối năm ngoái, Argentina đã vượt qua người láng giềng Nam Mỹ Brazil trở thành quốc gia xuất khẩu cầu thủ bóng đá số một thế giới. Năm 2010 có 1716 cầu thủ Argentina đã ra nước ngoài thi đấu, so với 1443 cầu thủ Brazil. Nhờ đó bóng đá Argentina trong năm ngoái đã thu về 117 triệu USD.

Lẽ thường, khi phải rời xa quê hương, các cầu thủ Argentina luôn xem bóng đá châu Âu – nơi có điều kiện sống, thi đấu, đãi ngộ, y học thể thao tiên tiến và cơ hội được thăng tiến cũng như đầu quân cho những đội bóng lớn nhất hành tinh – như là điểm đến lý tưởng. Nhưng không phải ai cũng là Messi (Barca), Tevez, (Man City), Di Maria (Real Madrid), Zanetti, Milito, Cambiasso (Inter), Aguero (Atletico Madrid)… Vô số đồng hương của họ phải phiêu bạt sang Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí, tới cả những nơi bị xem như vùng trũng của bóng đá như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Việt Nam…

Được chơi bóng ở châu Âu cho những CLB hàng đầu thế giới như Messi (giữa), Zanetti (trái) và Cambiasso là mơ ước của tất cả những cầu thủ Argentina ra nước ngoài thi đấu.
Được chơi bóng ở châu Âu cho các CLB hàng đầu thế giới như Messi (giữa), Zanetti (trái) và Cambiasso là mơ ước của tất cả những cầu thủ Argentina ra nước ngoài thi đấu.

“Những người đến đây chơi bóng như tôi đều không có sự lựa chọn nào khác. Không thuộc nhóm ít những người đang thành công ở châu Âu, hoặc thấp hơn một chút, giành được chỗ đứng ở những CLB danh tiếng trong nước như Boca Juniors hay River Plate…, nhưng chúng tôi vẫn phải chiến đấu để đeo đuổi giấc mơ bóng đá của mình”, Leonardo Felicia, cầu thủ 25 tuổi đến từ Cordoba đang đá cho đội hạng nhì PSIR ở Indonesia, chia sẻ với tờ La Nacion qua Skype khi đứa con trai 3 tuổi của anh đang kêu khóc ầm ĩ.

Felicia, từng chơi ở giải hạng ba Argentina cho các đội Instituto, Belgrano và Racing, còn nhớ rất rõ những khó khăn ban đầu thời mới khăn gói sang Indonesia hơn 3 năm trước. Anh cùng vợ Vanessa, lúc ấy mang bầu 4 tháng, đến Rembang lúc nửa đêm, “đứng cô độc trên sân ga hoang vắng và cố cầm những giọt nước mắt”. Cho đến giờ, con trai của Felicia vẫn chưa một lần gặp mặt ông bà họ hàng ở quê hương, trừ những lần trò chuyện qua chat và webcam.

Ở Indonesia, có khoảng gần 20 cầu thủ Argentina tương tự Felicia, rải rác từ các đội hạng nhất tới hạng nhì. Người sau đến theo sự giới thiệu của các đồng hương đi trước. Tất cả chỉ được ký hợp đồng từng năm một và lĩnh lương cứng khoảng 4000 USD hằng tháng, cộng thêm một số khoản thưởng tùy theo phong độ, đóng góp của họ cho thành tích của đội. Cũng vì tính chất ngắn hạn này, họ thoải mái hơn trong việc tìm kiếm một CLB bóng đá tốt hơn ở quốc gia khác, nếu có cơ hội.

Matthias đang thích nghi nhanh và thấy thoải mái tại Việt Nam.
Matthias đang thích nghi nhanh và thấy thoải mái tại Việt Nam. Ảnh: La Nacion.

Tại Việt Nam, số lượng cầu thủ Argentina này ít hơn, với chỉ 8 người đang chơi bóng ở hai giải đấu cao nhất là giải vô địch quốc gia V-League và giải hạng Nhất. Nổi nhất trong số này hiện tại là Matthias Recio và Gonzalo Marronkle, bộ đôi từng đá cạnh nhau trong màu áo nhà vô địch V-League 2010, T&T Hà Nội. Matthias, 31 tuổi, là một gã du mục thật sự khi từng chơi bóng chuyên nghiệp ở Mexico, Costa Rica, Bolivia và Indonesia trước khi sang Việt Nam khoác áo SHB Đà Nẵng rồi T&T Hà Nội. Gonzalo thì khởi nghiệp tại CLB danh tiếng Lanus, và từng là tuyển thủ U17 Argentina.

Không như Felicia ở Indonesia, Matthias, giờ đã chuyển xuống chơi cho đội hạng nhất Hà Nội, cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống mới tại Việt Nam. “Khi nhận lời mời sang Việt Nam thi đấu, tôi cứ nghĩ mình cần phải đội mũ sắt và mặc áo chống đạn vì những gì tôi biết về Việt Nam trước đây chỉ là qua những bộ phim Hollywood về chiến tranh cách đây đã 35 năm. Giờ đây tôi nhận thấy Việt Nam là một nơi tuyệt vời mà mình chưa từng nghĩ đến”, anh chia sẻ với La Nacion qua điện thoại.

Hầu hết các cầu thủ Argentina chơi bóng ở Việt Nam hiện nay đều đến qua sự giới thiệu của người đồng hương Mauricio Luis Giganti, cựu tiền đạo thuộc lớp ngoại binh đầu tiên đến với V-League, nay làm HLV trưởng CLB Hà Nội ACB đồng thời là một nhà môi giới, đại diện cầu thủ. Những cầu thủ mà Mauricio môi giới tới Việt Nam đều chơi rất thành công ở các đội bóng của họ. Matthias đến V-League từ giữa mùa 2010 nhưng vẫn kịp ghi 6 bàn cho SHB Đà Nẵng, trước khi đến T&T Hà Nội và in đậm dấu giày trong trận đội này thắng ngược Sông Lam Nghệ An 2-1 để đoạt Siêu Cup Việt Nam hôm 9/1. Gaston Merlo đang là ngôi sao ở SHB Đà Nẵng, từng đoạt ngôi Vua phá lưới và giúp đội bóng này vô địch V-League 2009. Nicolas Hernandez đến sau, từ mùa 2010, nhưng cũng có rất nhiều đóng góp cho SHB Đà Nẵng.

Trước khi trở lại làm một tay cò kiêm HLV trưởng Hà Nội ACB, Mauricio cũng từng hòa nhập rất tốt vào môi trường sống ở Việt Nam.
Trước khi trở lại làm một nhà môi giới cầu thủ kiêm HLV trưởng Hà Nội ACB, Mauricio từng cùng vợ con đã hòa nhập rất tốt vào môi trường sống cũng như bóng đá ở Việt Nam với tư cách cầu thủ. Ảnh: Minh Hải.

Tuy nhiên, theo Matthias, bóng đá ở Việt Nam giờ cũng rất khắc nghiệt. Các đội bóng không còn tuyển cầu thủ ngoại theo cách nhìn qua bản lý lịch trích ngang hay xem đĩa hình, và đặc biệt không có chuyện các cầu thủ được đặc cách ra sân nhờ tiếng tăm hay các mối quan hệ. “Có là Messi chăng nữa, bạn vẫn phải thử việc. Để được chọn, các cầu thủ phải trải qua thủ tục kiểm tra sức khỏe rồi thử việc. Ai tập chăm và thi đấu tốt sẽ được trả lương cao, không thì phải ra đi”, Matthias cho biết.

Mức lương trung bình cho các ngoại binh Argentina như Mattias hay Gonzalo ở V-League là 5000 USD mỗi tháng, cao hơn ở Indonesia một chút, kèm theo vài khoản thưởng, từ cả đội bóng lẫn người hâm mộ. “Trận nào tôi ghi bàn hoặc đá tốt, người hâm mộ thường cùng nhau góp lại và tặng tôi một khoản tiền thưởng khích lệ”, Gonzalo tiết lộ.

“Nói đến bóng đá Argentina hiện nay, chúng ta không thể nhắc tới những hình mẫu về sự chuyên nghiệp như Zanetti, Messi hay Higuain. Nhưng nếu ai đó, trong số chúng ta, những người Argentina, sẵn sàng xa gia đình, đến với những vùng đất xa xôi, tập luyện chăm chỉ hàng ngày chỉ để được đeo đuổi đam mê chơi bóng mà không quan tâm nhiều tới tiền bạc, họ vẫn là một tấm gương sáng cho tất cả. Những cầu thủ đó là hiện thân cho tình yêu tinh khiết với môn bóng đá”, tờ La Nacion kết luận.

Phương Minh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc