Home » Xã hội » Nhật ký 7 ngày ở Libya của những công nhân Việt Nam
Mưa rét, thiếu lương thực cộng thêm cảnh hỗn loạn ở sân bay thủ đô Tripoli, những công nhân người Việt chẳng dám nghĩ có cơ hội trở về nước. Khi hay tin có chuyên cơ đến đón, họ đã ôm nhau khóc.

Gần 20h ngày 26/2, vừa đặt chân đến sân bay Nội Bài, anh Hoàng Văn Bảy (55 tuổi ở Quế Võ, Bắc Ninh) đã ôm chầm vợ con và những đứa cháu của mình. Anh bảo, đến giờ mới biết mình còn sống.

Người đàn ông chuyên lắp máy điện và tuabin chia sẻ, những dư âm và cảm giác suốt một tuần qua ở đất nước Libya vẫn còn hiện trong tâm trí. Anh kể với VnExpress.net về 7 ngày tại đất nước châu Phi này.

Ngày 18/2: Sau ít ngày về quê ăn Tết, 15h (giờ địa phương) anh cùng 10 công nhân người Việt khác đã có mặt ở sân bay Tripoli. Tất cả nhanh chóng được đưa về một công trường cách sân bay khoảng 300km sau vài tiếng. Đây là một thành phố lớn thứ 3 của đất nước Libya.

Ảnh: N.H
Anh Hoàng Văn Bảy (cầm hoa) cùng các đồng nghiệp vừa đáp sân bay nội bài từ chuyến bay từ Băng Cốc. Ảnh: N.H

Ngày 19/2: Sau chặng đường bay khá dài, chúng tôi được nghỉ một ngày để thư giãn và lấy lại sức. Tận dụng thời gian này chúng tôi đã đi chợ để sắm sửa một số đồ dùng và những lương thực, thực phẩm cần thiết. Đây là phiên chợ chỉ xuất hiện một lần trong tuần.

Ngày 20/2: Buổi sáng, ai cũng hối hả ra công trường để học nội quy, các biện pháp an toàn trước khi bắt tay vào thi công. Tuy nhiên, ngay tối đó, anh em bất ngờ nhận được thông tin của ông giám đốc người Anh thông báo nhiều khả năng toàn bộ anh em công nhân sẽ phải về nước do sự cố lớn đang xảy ra sự cố ở đây.

Ngày 21/2: Sáng sớm, những cán bộ quản lý người Anh đã nhanh chóng về nước. Họ thông báo sẽ cho xe ôtô đến đưa toàn bộ anh em ra sân bay. Tuy nhiên, càng chờ càng mất hút.

Anh em trở nên căng thẳng khi xe ôtô không đến đón, hệ thống thông tin ở đây đã bị tê liệt. Tối đó, chúng tôi (hơn 100 người) đã ngồi họp bàn quyết định tự thuê 11 xe taxi để ra sân bay. Ai cũng điện thoại thông báo ngắn gọn với gia đình sẽ sớm về nước trong ít ngày tới.

Ngày 22 và 23/2: Chẳng còn cách nào khác, hơn một trăm công nhân người Việt chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết (như quần áo, mì tôm, nước lọc) để nhanh chóng ra sân bay . Dọc quãng đường đi dài khoảng 300km, ai cũng nơm nớp lo sợ vì lỡ có chuyện gì xảy ra sẽ bị giữ lại ở đây.

Do đi ban ngày, sợ bị liên lụy đến bản thân cánh taxi phải đưa chúng tôi đi đường tắt. Trong số 3 trạm cảnh sát thì có đến 2 trạm người dân tự ý xuất hiện với gậy gộc và những thanh sắt. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi là người Việt Nam họ để cho đi.

Đến được sân bay, nhìn cảnh tượng hỗn loạn ai cũng lo lắng không biết có thể về nước được hay không. Anh em đã gom toàn bộ tiền để “tìm cửa” chui vào bên trong sân bay, nhưng ý đồ này đã bị thất bại vì có quá ít tiền.

Tại đây, chúng tôi nhận được thông tin chuyến bay của người Anh thuê chuyên cơ sang chở đã bị hủy.

Do lượng người đổ đến đây cả ngàn người, anh em chẳng dám đi đâu vì sợ lạc và nguy hiểm đến bản thân. Đêm đầu tiên ở phía ngoài sân bay, thời tiết khá lạnh cộng thêm mưa đá, ai cũng rét run. Lương thực chẳng có gì khác ngoài những chai nước lọc và mì tôm. Nhiều người chẳng dám ăn gì vì lo sợ phải đi tìm “đầu ra”.

Tại sân bay không có bất cứ tiếng súng nào. Nhưng để hành khách không hỗn loạn và chen lấn nhau, cảnh sát đã dùng đến gậy. Nhóm người Việt do không biết tiếng nên chỉ biết cách ngồi im.

Ngày 24/2: Sau 2 đêm ở sân bay, nhờ sự giúp đỡ của đại diện Đại sứ quán Việt Nam, chúng tôi đã có được những cuống vé để bước chân vào bên trong. Lúc này, chuyên cơ của Anh đã đến.

Ảnh: N.H.
Đứa cháu nội của anh cũng ra tận sân bay đón ông. Ảnh: N.H.

Tuy nhiên, để làm các thủ tục, hơn trăm công nhân đã phải gom khoảng 6.000 USD. Phía đại diện Đại sự quán đã giúp đỡ hỗ trợ anh em được 1.000 USD.

Sau 2 giờ làm các thủ tục cần thiết, toàn bộ anh em đã được lên máy bay. Lúc này ai cũng nghĩ cơ hội sống sót là khá cao. Trong khi đó, hàng nghìn người vẫn chen chân xếp hàng.

18h, chuyên cơ của chúng tôi cất cánh. Hơn 100 công nhân rời Libya qua Dubai một cách an toàn.

Ngày 25 và 26/2: Sau nhiều chặng quá cảnh và làm thủ tục, gần 20h, 11 công nhân đến từ nhiều tỉnh thành bay từ sân bay Bangkok đã về đến Hà Nội.

Số còn lại (hơn 90 người), chuyến bay Qatar Airways 688 xuất phát lúc 7h sáng từ Doha (thủ đô Quatar) chở 95 lao động Việt Nam đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Hoàng Anh – Nguyễn Hưng ghi

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc