Home » Xã hội » ‘Còn khoảng 200 lao động kẹt sâu trong địa phận Libya’
“Hơn 6.000 người đã rời Libya tới nước thứ ba, trong đó 2.800 người về tới Việt Nam trong hôm nay. Tới thời điểm này, chưa có thông tin về thương vong của người lao động tại Libya”, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/3.

– Bộ trưởng có thể cho biết diễn biến việc giải cứu người lao động Việt Nam ra khỏi Libya?

– Tính tới thời điểm này (chiều 2/3) đã có 6.196 lao động VN ra khỏi Libya. Hết ngày hôm nay có khoảng 2.800 người về tới VN. Trong số trên 3.000 người chưa ra khỏi địa phận Libya thì hiện 1.123 người đã lên tàu biển, bắt đầu đến nước thứ ba; hơn 1.400 người tiếp tục trên đường di chuyển tới biên giới Ai Cập – Libya; một đoàn khoảng 1.000 người khác cũng được dẫn theo đường bộ từ Tripoli tới biên giới Tunisia. Ban chỉ đạo tiền phương đóng tại Tunisia đang tìm mọi cách áp sát Tripoli để sơ tán người lao động.

Như vậy, với các chuyến bay về VN trong ngày 2/3 và 3/3, chỉ còn khoảng 200 người lao động trong các cơ sở, công xưởng nhỏ lẻ nằm sâu trong địa phận Libya do người Libya làm chủ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có thể bớt lo lắng hơn về tình hình lao động VN tại Libya so với ít ngày trước. Ảnh: N.H.

– Với những người còn mắc kẹt sâu trong nội địa, hướng giải quyết là như thế nào?

– Hiện 200 người này đã liên lạc được với Đại sứ quán của Việt Nam. Trong khi chưa di tản được thì nơi trú ngụ hiện tại của họ là an toàn. Chúng tôi vận động họ cố gắng ở tại chỗ xác định biết địa chỉ. Khi có thể sơ tán được thì tập hợp lại và đưa về VN an toàn.

Tới thời điểm này, chưa có thông tin về thương vong của người lao động tại Libya. Có thể nói tình hình hiện tại đã bớt căng thẳng, lo lắng hơn cách đây ít hôm. Chính phủ đã rất tích cực, nỗ lực giải cứu người lao động đang mắc kẹt và cho tới giờ phút này, có nhiều tín hiệu giúp chúng ta đỡ lo hơn ngày hôm qua, hôm trước.

– Dự kiến bao giờ đưa được toàn bộ số lao động ở Libya về VN?

– Chúng tôi quyết tâm đưa họ về càng sớm càng tốt. Số sang nước thứ ba đã an toàn về mặt an ninh. Lần lượt chuyên cơ của Vietnam Airlines lẫn thuê máy bay thương mại của các đối tác diễn ra hàng ngày.

Tính tới nay đã cử 5 đoàn công tác sang khu vực Trung Đông, Bắc Phi để phụ trách việc hồi hương lao động Việt ở Libya. Cách đây một ngày đã đặt 2.000 chiếc bánh chưng để có thể ăn ngay, lương khô quân đội để mang sang cho người lao động ăn và dự phòng. Mang cả chăn, áo ấm.

Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện với các nước trong khu vực mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về nước an toàn. Tất nhiên, cần ràng buộc trách nhiệm của chủ sở hữu lao động, cơ quan ngoại giao các nước cũng như tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.

– Khả năng thuê máy bay quân sự để đưa người về tại thời điểm này được tính toán như thế nào?

– Trước đây chúng ta có tính đến khả năng này nhưng tới thời điểm hiện tại thì không. Tình hình ở Tripoli bây giờ cũng rất khó khăn, không máy bay quân sự nào đáp xuống được. Trước đây các nước thuê được một vài chuyến quân sự nhưng bây giờ mình không thuê nữa. Bây giờ chỉ có thể thuê máy bay thương mại, đưa máy bay mình sang và thuê tàu biển để chở theo đường biển.

Ảnh: N.H.
318 lao động về Nội Bài tối 1/3 trên chuyên cơ của Vietnam Airlines. Dự kiến các chuyến bay sẽ được tiếp tục trong ngày kế tiếp. Ảnh: N.H.

– Ở Bahrain và Oman đã có những dấu hiệu căng thẳng, Bộ đã có phương án gì trong tình huống xảy ra bạo động?

– Kể cả nơi chưa xảy ra bạo động chúng ta cũng phải chủ động có kế hoạch nắm tình hình, nắm lao động ở đâu. Tất cả các quốc gia có lao động VN ở Trung Đông và Bắc Phi hiện chưa có vấn đề gì chúng ta cũng rút kinh nghiệm từ Libya để có phương án.

– Chính sách cho người lao động hồi hương từ Libya sẽ được thực hiện như thế nào khi trên lưng họ là gánh nặng nợ nần?

– Trước mắt, mỗi người được nhận một triệu đồng của trích từ Quỹ hỗ trợ người lao động ngoài nước. Doanh nghiệp đưa lao động đi thì cũng xuất ra một triệu cho mỗi người. Đây là lộ phí để anh em lao động về quê. Hiện có hai đơn vị đã chung tay đóng góp giúp đỡ là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) với số tiền 3 tỷ đồng và Cienco 5 với 5 tỷ đồng. Bộ Lao động sẽ lập một tài khoản để nhận tiền quyên góp giúp đỡ và chuyển số tiền này tới các lao động.

Chính sách trước mắt là như thế, nhưng vấn đề đặt ra là khi về nước, hơn 10.000 đang có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá về nước không có thu nhập. Đa số họ là người nghèo, vì thế Chính phủ quyết định căn cứ vào các chính sách pháp luật hiện hành tìm cách giải quyết cho số lao động này. Đặc biệt, với số lao động mới đi được vài tháng, thậm chí vài tuần thì rất khó khăn. Hầu hết họ đều phải vay ngân hàng 35-40 triệu trước khi đi.

Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, phân loại đối tượng để có chính sách thích hợp. Tôi cũng muốn nói thêm đây là trường hợp bất khả kháng, không phải lỗi của doanh nghiệp tiếp nhận, đưa đi. Các doanh nghiệp đưa lao động đi hiện cũng đang phải chịu lỗ.

Sắp tới, Bộ sẽ tìm hiểu, khai phá những thị trường mới và người lao động từ Libya về sẽ được ưu tiên.

Trao đổi với VnExpress chiều 2/3, ông Nguyễn Quốc Nam, phụ trách quan hệ với các cơ quan đối tác của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội cho biết, văn phòng và hai đoàn công tác của IOM tại Ai Cập, Tunisia đang phối hợp giúp đỡ khoảng 3.000 lao động Việt Nam ở biên giới Tunisia, Ai Cập giáp với Libya.

Tại biên giới Tunisa giáp với Libya, có khoảng 2.000 lao động từ Libya sang bằng đường bộ đang ở trong các lán trại của IOM. Những người này đã được cung cấp đồ ăn nhanh, trợ giúp về y tế. “Tất nhiên là mức hỗ trợ chỉ ở mức tối thiểu, vì lao động cần di cư rất đông”, ông Nam nói.

Về khả năng đưa 2.000 lao động tại Tunisia hồi hương, ông Nam cho biết vì Việt Nam chưa có đại diện tại Tunisia nên phải chờ đoàn công tác từ Việt Nam sang làm việc với chính quyền nước sở tại. Sau đó IOM sẽ giúp đưa số lao động này từ biên giới về thủ đô của Tunisia. “IOM trong khả năng của mình sẽ xem xét vận chuyển bằng máy bay để đưa lao động về nước”, ông Nam nói.

Tại biên giới Ai Cập giáp với Libya, ông Nam cho biết hiện có hàng nghìn lao động Việt Nam ở đó. IOM đã cùng với đoàn công tác của Việt Nam sang và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập trợ giúp cho số người này. 20h tối nay, 24 lao động Việt Nam đầu tiên được IOM thu xếp mua vé may bay sẽ từ sân bay Cairo về đến Tân Sơn Nhất.

Nguyễn Hưng – Hồng Khánh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc