Home » Xã hội » Chưa thể sơ tán gần 200 lao động bị mắc kẹt tại Libya
Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, đối tác và chủ sử dụng đã liên lạc được với gần 200 lao động Việt Nam đang nằm sâu trong lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, theo IOM hiện chưa thể thiết lập vành đai an toàn để sơ tán họ.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đến 19h ngày 4/3 đã có 4.600 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn. Còn gần 1.000 người khác ở trong lãnh thổ Libya, trong đó gần 200 lao động nằm sâu trong lãnh thổ, số còn lại đã được đưa ra biên giới để sang các nước láng giềng của Libya như: Tunisia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta.

Với gần 200 lao động bị mắc kẹt, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, các đối tác và chủ sử dụng đã liên lạc được và đang triển khai đưa họ ra biên giới.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress sáng 5/3, ông Nguyễn Quốc Nam, phụ trách quan hệ với các cơ quan đối tác của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội, cho biết thông tin mới nhất từ đoàn công tác của IOM và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thì tình hình hiện nay khó khăn hơn trước, do đó chưa thể thiết lập hành lang an toàn để di chuyển những người bị mắc kẹt ra khỏi Libya.

Đoàn công tác này của UNHCR và IOM đã vào Libya từ ngày 1/3 để khảo sát xem có thể thiết lập một hành lang an toàn với sự đảm bảo về an ninh của chính quyền sở tại để sơ tán công dân các nước đang bị mắc kẹt ra khỏi Libya.

Lao động Việt Nam vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi trở về sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Huy Đức.

Tại Tunisia, nơi đang có hàng nghìn lao động Việt Nam chờ để về nước, ông Nam cho biết IOM đã nhận được công hàm chính thức từ trụ sở chính ở Geneva (Thụy Sĩ) và trực tiếp từ đoàn công tác Việt Nam mới sang Tunisia về việc giúp đỡ 2 chuyến bay, mỗi chuyến có khả năng chuyên chở tối thiểu 250 người về Việt Nam. IOM đã tiếp nhận đề nghị này và đang xem xét phương án di chuyển lao động.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Nam cho biết có hơn 1.000 lao động Việt Nam làm việc cho 3 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang ở đây, nhưng hiện chỉ có một công ty thu xếp vé cho lao động về nước. 2 công ty còn lại do gặp khó khăn nên không thể thu xếp. Việt Nam đã đề nghị IOM và UNHCR chia sẻ kinh phí để bố trí một chuyến bay đưa lao động về; đồng thời đề nghị IOM sắp xếp, bố trí một chuyến bay khác với kinh phí của Chính phủ Việt Nam.

Theo ông Nam, tại biên giới Algeria giáp với Libya, nơi đang có 292 lao động Việt Nam bị kẹt từ 2 tuần qua, hiện rất khó khăn do thiếu lương thực, thực phẩm. “Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhờ chúng tôi hỗ trợ nhóm này vì đoàn công tác Việt Nam chưa tới đây. Tuy nhiên, IOM cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận họ do không có văn phòng đại diện tại Algeria”, ông Nam nói.

Trước đó, từ ngày 25/2 Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với đại diện IOM tại Hà Nội để nhờ tổ chức này hỗ trợ sơ tán lao động Việt Nam từ Libya về nước. IOM từng giúp toàn bộ kinh phí để sơ tán gần 200 lao động khỏi Libăng năm 2006 khi nước này bị Israel tấn công.

Hồng Khánh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc