Home » Kinh doanh » Ông Nguyễn Hưng: NHTM có lợi trong việc điều chỉnh tỷ giá
Ông Nguyễn Hưng: NHTM có lợi trong việc điều chỉnh tỷ giá
Tổng trạng thái ngoại tệ của các NHTM hiện đang dương 184 triệu USD, lượng tiền ngoại tệ xuất về dương trong tháng 1/2011 thêm khoảng 500 triệu USD nữa.


Trao đổi với báo giới về việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, các NHTM không bất ngờ về việc điều chỉnh này và đã có sự chuẩn bị từ trước.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, tổng trạng thái ngoại tệ của các NHTM hiện đang dương 184 triệu USD, lượng tiền ngoại tệ xuất về dương trong tháng 1/2011 thêm khoảng 500 triệu USD nữa nên tình hình ngoại tệ của khối NHTM đã được cải thiện rất nhiều.


Tăng tỷ giá – ngân hàng có lợi

Theo ông Hưng, việc tăng tỷ giá lần này chỉ là hợp thức hóa những gì đã xảy ra trên thị trường. Việc xuất hiện tình trạng NHTM thu phí ngoại tệ và tình trạng 2 tỷ giá trước đây là có thật. Bởi thực tế NHTM cũng phải đi huy động ngoại tệ với nhiều hình thức khác nhau, trong khi hầu hết những người bán lại muốn bán giá cao. Tại thời điểm căng thẳng nhất, có lúc tỷ giá giữa NHTM và thị trường tự do chênh nhau tới 2.000 đồng/USD, nếu giao dịch 1 triệu USD, số tiền chênh lệch đã lên tới 2 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn và không thể hạch toán vào khoản nào, nên trong năm vừa qua hầu hết các NHTM đều chịu khoản lỗ kinh doanh ngoại hối rất lớn. Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ giúp các NHTM dễ thở hơn.

Thứ hai, các ngân hàng và tổ chức nước ngoài khá dè dặt với đồng Việt Nam. Trước khi thông tin tỷ giá được công bố chính thức, những nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp thường có tâm lý chờ đợi và không muốn bán ngoại tệ ra. Thực tế cho thấy một cổ đông chiến lược mua cổ phần của một NHTM chuyển tiền sang nhưng chưa đầu tư vì khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn, khi có thông báo chính thức về việc tăng ngoại tệ thì bắt đầu giải ngân. Do đó việc tăng tỷ giá lần này có tác động làm khơi thông dòng ngoại tệ, tác động tốt đến thị trường ngoại hối.

Thứ ba, các NHTM trước đó đã duy trì trạng thái ngoại tệ dương, nên việc điều chỉnh tỷ giá lần này thậm chí các NHTM có lợi nhiều hơn. Trước kia, NHTM phải mua USD với giá cao, nhưng sổ sách vẫn phải ghi 19.500 đồng/USD, nay khi tỷ giá được điều chỉnh, khoản lỗ kinh doanh ngoại hối sẽ được chuyển thành lợi nhuận của năm nay. Theo ông Hưng, VPBank sẽ có khoảng 40 tỷ chuyển sang cho năm 2011, nếu không có khoản lỗ kinh doanh ngoại hối, năm ngoái VPBank lãi hơn 700 tỷ đồng.

Xu hướng tỷ giá sắp tới

Theo quan điểm của ông Hưng, việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN sẽ dựa trên cân đối kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại…tuy nhiên trong ngắn hạn (từ 1 – 3 tháng) khả năng khó có sự điều chỉnh tỷ giá tiếp theo. Có chăng, là sự điều chỉnh hàng ngày của NHNN đối với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, nhưng sẽ linh hoạt có lên có xuống, không quá đột biến.

Sắp tới, NHNN có thể sẽ cho phép sử dụng lại một số sản phẩm phái sinh trong việc kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng mà trước đó đã bị dừng như sản phẩm forward 3 tháng hay option (các NHTM đề nghị cho sử dụng sản phẩm kỳ hạn 3 tháng trở lên không giới hạn nhưng NHNN không đồng ý vì sợ kỳ vọng vào việc VND giảm giá).

Về lãi suất

Lãi suất huy động VND vẫn sẽ được duy trì ở mức 14%/năm như hiện nay. Tại thời điểm trước Tết Nguyên đán, lãi suất liên ngân hàng đã có lúc lên tới 25-26%/năm kỳ hạn 1 tháng trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu (29,30/1) và như chúng ta đã biết NHNN thời điểm đó đã bơm ra 132.000 tỷ đồng để đảm bảo thanh khoản cho các NHTM.

Một lượng tiền lớn đã được bơm ra lưu thông tại thời điểm trước Tết và hiện đang quay lại hệ thống ngân hàng, hiện tại nhu cầu tiền gửi đang tăng nhẹ trở lại.

Về các khoản vay qua OMO, do thời gian đáo hạn rất ngắn, từ 7 ngày đến 28 ngày, và lượng tiền NHNN cung ứng ra chỉ đáp ứng từ 10 – 20% nhu cầu của các NHTM nên khoản tiền này chỉ đủ để các NHTM đối phó với khoản dự trữ bắt buộc của NHNN và bù đắp các chi phí. Thực tế, các NHTM huy động tiền với lãi suất 13%/năm, trừ đi khoản dự trữ bắt buộc 3%/năm cộng thêm các chi phí quản lý, giá vốn đã xấp xỉ 14%/năm.

Hơn nữa các NHTM phải tối đa hóa lợi nhuận vốn huy động, nếu chi phí vốn cao, rất khó giảm mặt bằng lãi suất xuống sâu. Ngoài ra, các NHTM phải chịu sức ép lợi nhuận từ cổ đông nên bài toán lãi suất vẫn là một bài toàn khó.

Theo cafef

Phương Mai


Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc