Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » ‘Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn tiền’
Sáng nay, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho VnExpress.net hay, các doanh nghiệp xăng dầu đang phải chịu lỗ 2.000 đồng mỗi lít. Quỹ bình ổn đã không còn nguồn để bù lỗ, vì vậy việc điều chỉnh giá bán phải tính tới.

“Thuế nhập khẩu xăng dầu đã về khoảng 2-5%. Nhà nước đã hỗ trợ hết sức để giữ ổn định giá bán lẻ trong suốt thời gian qua. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải tính đến chuyện điều chỉnh giá”, ông Thỏa cho biết.

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, mức điều chỉnh sẽ được cân nhắc và cân đối giữa các lợi ích doanh nghiệp – người tiêu dùng và Nhà nước.

Trên thực tế, để kìm chế tăng giá bán lẻ, xăng dầu thời gian qua, Nhà nước và người tiêu dùng đã bỏ ra khoảng 11.000 tỷ đồng để bù giá. Trong đó, số tiền hỗ trợ từ giảm thuế là 7.500 tỷ đồng, còn lại 3.500 tỷ đồng là sử dụng từ Quỹ bình ổn giá.

Giá xăng có thể sẽ phải điều chỉnh vì Quỹ bình ổn giá đã cạn kiệt. Ảnh: Hoàng Hà.

Lần gần đây nhất hôm 10/2, Bộ Tài chính quyết định cho phép doanh nghiệp được nâng mức sử dụng quỹ bình ổn để bù mức chênh lệch khi giá thế giới tăng quá cao. Tuy nhiên, theo một số nhà nhập khẩu đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh hiện nay đang “lỗ đơn, lỗ kép” do giá thế giới tăng cao và sức ép từ tỷ giá. Hiện nay, giá xăng thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore 105,7 USD một thùng và trên dưới 113 USD mỗi thùng dầu. Với giá này, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi suất ngân hàng, thuế, hoa hồng, kho bãi… mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng vào khoảng 19.177 đồng. Trong khi, giá bán mỗi lít xăng A92 hiện là 16.400 đồng.

Một nguồn tin từ Petrolimex cho biết, trong nửa năm vừa qua, có thời điểm mỗi lít xăng, doanh nghiệp lỗ từ 2.500 đồng tới gần 3.000 đồng một lít. Còn mức trung bình lỗ tại các thời điểm khác vào khoảng 1.000-1.500 đồng một lít. Chính vì lỗ như vậy nên có thời điểm nhiều doanh nghiệp nhập hàng cầm chừng khiến thị trường xăng dầu đối mặt với nguy cơ đứt nguồn cung, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa.

“Giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao, nếu giá bán lẻ không được điều chỉnh sẽ là một sức ép vô cùng lớn đối với các nhà nhập khẩu. Vấn đề là cơ quan chức năng xem xét và chọn thời điểm nào để tháo nút khó khăn cho doanh nghiệp”, nguồn tin này cho biết.

Hồng Anh

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc