Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Bóc lột sức lao động ở Trung Quốc: “Nhà tù” khắc nghiệt Foxconn
Công ty Foxconn của Đài Loan có nhiều nhà máy đặt tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Họ cung ứng linh kiện và lắp ráp cho các gã khổng lồ trong ngành công nghệ như Apple, Nokia, Motorola, Microsoft, Dell…

>>Máu và nước mắt đằng sau nhãn hiệu “Made in China” (Phần 1)

>>Đồ trang trí “Made in China” có thư cầu cứu, chính phủ Mỹ điều tra

>>Máu và nước mắt đằng sau nhãn hiệu “Made in China” (Phần 2)

 

Để đáp ứng những đơn đặt hàng khổng lồ và giảm thiểu chi phí, Foxconn đã ép buộc công nhân tăng giờ làm với đồng lương rẻ mạt.Ngoài ra, người lao động nghèo phải làm việc trong môi trường không an toàn cùng những quy định hà khắc. Điều này dẫn đến các trường hợp tự tử thương tâm trong những năm gần đây khi họ bị bức đến bước đường cùng.

Người cha ôm di ảnh con trai bên ngoài Foxconn tháng 5 – 2010

Người cha ôm di ảnh con trai bên ngoài Foxconn tháng 5 .2010

Những vụ nhảy lầu liên tiếp 

Khi tin tức về các vụ tự tử nổ ra, giới truyền thông bắt đầu chú ý tới hoạt động của Foxconn. Jenny Chan và Sacom – một nhóm nhà nghiên cứu, sinh viên, học giả chuyên vạch trần những sai trái của doanh nghiệp ở Hong Kong. Chan và các đồng nghiệp cho xuất bản các bài phỏng vấn trong ấn phẩm mới nhất của tạp chí học thuật Công nghệ mới, lao động và việc làm. Từ đó, bức màn bí mật được hé mở về cách thức làm việc của công ty điện tử này: thuê những người nhập cư trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ các vùng quê ở TQ, nhồi nhét họ vào những xưởng làm việc và các nhà tập thể đông đúc.

Tian Yu là một trong những số đó. Cô rời quê lên thành phố để kiếm tiền nuôi gia đình nghèo khó của mình. Trước khi đi, cha cô gom góp khoảng 500 tệ (hơn 50 bảng) và một chiếc điện thoại cũ để cô có thể gọi về nhà. Sau cuộc hành trình dài gần 700 dặm, cô được đưa đến Foxconn với lời mời gọi hấp dẫn: hãy nhanh chóng nắm bắt những giấc mơ đẹp nhất và theo đuổi một cuộc sống tuyệt vời.

Những tấm lưới được giăng để ngăn chặn các vụ tự tử

Những tấm lưới được giăng để ngăn chặn các vụ tự tử

Tuy nhiên, mọi chuyện đã xảy ra trái ngược hoàn toàn với lời quảng cáo đó. Yu phải làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày và 6 ngày/tuần trên dây chuyền sản xuất iPad, iPhone cho Hãng Apple. Cô phải thức dậy lúc 6 giờ 30 và thường bỏ bữa tối để làm việc đến 19 giờ 40. Việc đi vệ sinh cũng bị hạn chế. Nếu phạm lỗi, công nhân sẽ bị la hét, quát mắng và họ cũng không được đào tạo bài bản. Yu ở trong một căn phòng rộng bằng 2 gara xe hơi với 7 người tại khu nhà tập thể của công ty. Cô không có bạn bè vì các ca làm việc luôn thay đổi và không có thời gian trò chuyện với bạn cùng phòng.

Vào cuối tháng đầu tiên làm việc, Yu không được nhận lương vì sai sót ở khâu hành chính, nhưng không ai giúp cô giải quyết. Không bạn bè, không giao tiếp, không tiền lương, trong cơn tuyệt vọng, Yu đã nhảy khỏi cửa sổ của khu nhà tập thể. Vào khoảng 8 giờ ngày 17-3 -2010, Yu đã nhảy từ tầng 4 khu nhà tập thể của Foxconn tại Thâm Quyến sau một tháng làm việc tại đây.

Cũng trong năm đó, 17 công nhân – tất cả đều không quá 25 tuổi – đã tự tử tại các cơ sở của Foxconn. 14 người đã tử vong nhưng Tian Yu là một trong những người may mắn còn sống. Cô bị gãy cột sống và hông. Tỉnh dậy sau 12 ngày hôn mê, Yu phải sống với cơ thể tật nguyền vì bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Lúc đó, cô mới 17 tuổi. Từ khi phục hồi sức khỏe tại bệnh viện đến khi Yu trở về nhà, Yu được nhóm Chan phỏng vấn trong 3 năm. Cô cho biết: “Nhà máy là một nơi rộng lớn với toàn người xa lạ”.

Máu và mồ hôi ở “trại lao động” 

Chuyện của Yu không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tại Foxconn. Một công nhân nam 24 tuổi được tuyển dụng hai ngày trước để làm việc trong nhà máy ở Trịnh Châu – cơ sở lớn thứ hai của Foxconn tại TQ đã chết sau khi nhảy lầu tự tử vào ngày 23.4.2013. Ba ngày sau, một nữ công nhân 23 tuổi gieo mình từ tầng 6, cô nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó.

Bi kịch vẫn không dừng lại, vào ngày 14.5, một nam công nhân 30 tuổi tại cơ sở ở Trùng Khánh cũng chọn cách tương tự để kết thúc cuộc đời. Sau những sự việc này, Foxconn hứng chịu nhiều chỉ trích của giới truyền thông, vì thế, công ty đã tăng lương cho công nhân tại Thâm Quyến và giảm nhẹ các quy định hà khắc. Ngoài ra, họ còn giăng những tấm lưới bên ngoài các khu nhà để ngăn chặn tình trạng tương tự có thể xảy ra.

Những vụ tự tử xảy ra trong những năm gần đây tại Foxconn phản ánh môi trường làm việc và điều kiện sống thiếu thốn và khổ sở tại đây. 20 trường đại học TQ đã soạn thảo một bài báo cáo dài 83 trang về Foxconn và nó được miêu tả như một trại lao động. Các bài phỏng vấn với 1.800 công nhân Foxconn làm việc tại 12 xưởng cho thấy bằng chứng về việc làm thêm giờ bất hợp pháp và không báo cáo các trường hợp tai nạn. Bài báo cáo đồng thời cũng lên án cách thức quản lý của Foxconn là tàn bạo và vô nhân đạo.

Cô gái bất hạnh Tian Yu

Cô gái bất hạnh Tian Yu

Hiệp hội đấu tranh công bằng cho người lao động ở Mỹ (FLA) cho biết việc kiểm tra các cơ sở của Foxconn năm ngoái đã cho thấy điều kiện làm việc không an toàn. Bằng chứng là vụ nổ lớn xảy ra tại cơ sở Foxconn ở Thành Đô khiến 3 người chết và 15 người bị thương vào tháng 5.2011. Đến tháng 9 cùng năm, một vụ nổ kinh hoàng cũng xảy ra tại cơ sở ở Yên Đài và không có báo cáo nào về tình trạng thương vong tại đây.

Bên cạnh điều kiện làm việc nguy hiểm, Foxconn còn áp dụng những quy định hà khắc như không được nói chuyện trong giờ làm việc. Nhiều công nhân than phiền rằng họ bị buộc làm việc nhiều giờ trong im lặng và bị khiển trách nếu nghỉ giải lao lâu. “Sau khi “chính sách im lặng” được thực thi, tôi làm việc 10 giờ/ngày mà không nói một từ nào. Nó làm tôi cảm thấy rất buồn chán và suy sụp. Nó giống như ở trong nhà tù. Ngoài ra, chúng tôi không được rời công việc quá 15 phút, nếu không sẽ tính là vắng mặt. Những người vi phạm thường bị khiển trách và trừ lương, nặng hơn sẽ bị sa thải. Công ty này không đối xử với chúng tôi như con người, chỉ có những cỗ máy mới có thể giữ im lặng như thế”, một công nhân giấu tên cho biết.

Theo các báo cáo, Foxconn bóc lột công nhân tàn tệ và tăng giờ làm thường xuyên. Nhiều người phải làm việc hơn 72 giờ mà không được nghỉ ngơi với điều kiện làm việc kém và đồng lương ít ỏi. Điều này gây ra những bức xúc cho người lao động tại đây. Trong năm 2012, khoảng 200 công nhân Foxconn tại Vũ Hán đe dọa sẽ tự tử vì mức lương quá thấp và điều kiện làm việc tồi tệ.

Dưới sức ép của giới truyền thông, Foxconn giảm giờ làm và tăng lương 9% nhưng lại nâng chỉ tiêu lên 25%. Trước đây, một công nhân làm 5.120 vỏ điện thoại/ngày bây giờ phải làm 6.400 cái. Một công nhân nói: “Cắt giảm giờ làm không có nghĩa là số lượng công việc ít hơn. Nếu trước đây chúng tôi làm 10 tiếng, thì bây giờ phải hoàn thành cùng công việc đó trong 8 tiếng”.

Hiện nay, những lao động mới phải ký một cam kết không tự tử, nếu họ làm thế, công ty sẽ không chịu trách nhiệm và bồi thường. Công nhân cũng bị bắt ký biên bản ràng buộc pháp lý đảm bảo rằng họ và con cháu không khởi kiện công ty vì những nguyên nhân như tử vong ngoài ý muốn, tự gây thương tích hoặc tự tử.

Giám đốc điều hành Terry Gou của Foxconn khẳng định nếu ông điều hành nhà máy tại quê nhà Đài Loan, ông sẽ không chịu trách nhiệm về các vụ tự tử, chỉ có ở TQ, ông mới phải chịu gánh nặng này. Trong một tuyên bố vào tháng 5.2013 về 3 cái chết mới nhất, Foxconn cho rằng không có trường hợp nào liên quan đến công việc, và tất cả đều xảy ra bên ngoài nhà máy.

Công ty còn cho biết một trong ba người thậm chí còn chưa bắt đầu làm việc tại đây. “Chúng tôi không thể suy đoán lý do cá nhân cho những hành động này, nhưng một đánh giá nội bộ cho thấy không có dấu hiệu nào liên quan đến vấn đề công việc. Cũng nên nhớ rằng, với các bi kịch xảy ra trong quá khứ, những chuyên gia đã cho rằng tự tử là một vấn đề phức tạp và không có một lý do nào có thể nêu ra cho sự việc như thế”, đại diện công ty phát biểu. Trước những sự việc như vậy, Tim Cook – CEO của Apple – đối tác số 1 của Foxconn kêu gọi công ty này cải thiện môi trường làm việc nhưng ông không cung cấp tiền để làm điều đó hoặc thả lỏng các điều kiện hà khắc trong hợp đồng với Foxconn.

Các nhà xã hội học TQ cho rằng các vụ tự tử là tiếng kêu cứu từ những người lao động nhập cư nghèo khổ. Các học giả Đài Loan thì kêu gọi chấm dứt việc áp dụng những nguyên tắc khắc nghiệt như quân đội trong các nhà máy vì chúng gây thêm căng thẳng cho công nhân bên cạnh áp lực công việc nặng nề.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc