Home » Thời nay, Văn hóa » ‘Tân Thiếu Lâm Tự’ hẫng về kịch bản
Dù phần đầu mang kịch bản chặt, cảnh phim gay cấn hấp dẫn người xem, đến cuối, bộ phim ‘Tân Thiếu Lâm Tự’ có sự tham gia của nhiều ‘sao’ Trung Quốc lại cho thấy sự rời rạc, hơi đuối về nội dung.

Tân Thiếu Lâm Tự lấy bối cảnh Trung Quốc vào những năm 1920, sau khi nhà Thanh sụp đổ, các thủ lĩnh quân sự địa phương thay nhau nắm quyền, gây ra nhiều cuộc chiến đẫm máu. Lưu Đức Hoa vào vai tổng tư lệnh Hầu Kiệt – một vị tướng ngạo mạn, độc tài và đa nghi. Với chính sách “ra tay trước không bao giờ sai”, Hầu Kiệt đã bị Tào Man (Tạ Đình Phong) lợi dụng, khiến anh ra tay sát hại Tống Hổ – người anh em kết nghĩa của mình. Sai lầm này của Hầu Kiệt khiến anh mất đi con gái yêu dấu và niềm tin của vợ (Phạm Băng Băng thể hiện).

Lưu Đức Hoa thể hiện vai có tính cách khá phức tạp, từ một vị tướng độc tài trở thành một anh hùng có trái tim nhân hậu.

Đau khổ, tuyệt vọng và cũng như để trốn tránh sự truy đuổi của Tào Man, Hầu Kiệt tìm đến Thiếu Lâm Tự – nơi mà anh từng nhiều lần đem quân quấy phá khi còn nắm binh quyền trong tay. Tại đây, Hầu Kiệt đã gặp các nhà sư, trong đó có Tịnh Lăng (Ngô Kinh đóng) và lão đầu đếp do Thành Long thủ vai.

Sống trong chùa Thiếu Lâm, Hầu Kiệt dần dần tỉnh ngộ. Anh quyết định bỏ qua hận thù với Tào Man và quy y cửa Phật để chuộc lại những lỗi lầm năm xưa. Tuy nhiên, với dã tâm của mình, Tào Man quyết không buông tha cho Hầu Kiệt. Y đem binh tấn công, quyết tâm san bằng Thiếu Lâm Tự. Cùng với các nhà sư Thiếu Lâm Tự, Hầu Kiệt đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ ngôi chùa Thiếu Lâm…

Tạo hình nhân vật của Thành Long. Trong phim, Thành Long chỉ thể hiện một vai nhỏ nhưng mang tiếng cười và cảm xúc đến cho khán giả.
Tạo hình nhân vật của Thành Long. Trong phim, Thành Long chỉ thể hiện một vai nhỏ nhưng mang tiếng cười và cảm xúc đến cho khán giả.

Đậm chất phim hành động của Hollywood, nửa phần đầu của Tân Thiếu Lâm Tự lôi cuốn khán giả màn ảnh rộng với nhiều đại cảnh hoành tráng. Những cảnh đánh đấm, binh lính càn quét và nhịp phim nhanh gấp tạo nên độ dồn nén hấp dẫn ngay từ đầu. Cảnh Hầu Kiệt chuẩn bị ám sát đại ca của mình là Tống Hổ dẫn đến tan nhà nát cửa, phải cắp con gái chạy trốn trên chiếc xe ngựa cheo leo bên vực thẳm mang đến nhiều màn thót tim cho khán giả.

Quang cảnh sinh hoạt của chùa Thiếu Lâm cùng các buổi luyện kungfu khí thế ít nhiều tạo cảm xúc cho người xem. Tuy vậy, bỏ qua yếu tố kỹ xảo, càng về cuối, phim càng cho thấy sự đuối dần về kịch bản cũng như xây dựng tính cách nhân vật. Lưu Đức Hoa thể hiện vai có tính cách khá phức tạp, từ một vị tướng độc tài trở thành một anh hùng có trái tim nhân hậu. Nhưng vai diễn của anh lại quá nhiều nước mắt, tính cách không phù hợp với bản chất dũng tướng. Tào Man của Tạ Đình Phong được miêu tả là tên thâm hiểm, đại gian đại ác, giết người không gớm tay nhưng lại dễ dàng từ bỏ bản chất này chỉ vì thấy Hầu Kiệt chết sau khi tỷ thí với mình. Bên cạnh đó, việc quá nhiều nhân vật được khắc họa trên màn ảnh khiến bộ phim kết thúc có phần rời rạc, tản mạn.

Diễn viên nhí trong phim vào vai con gái Hầu Kiệt khiến nhiều người xem cảm động vì diễn xuất tự nhiên, thông minh.
Diễn viên nhí trong phim vào vai con gái Hầu Kiệt khiến nhiều người xem cảm động vì diễn xuất tự nhiên, thông minh.

Tân Thiếu Lâm Tự của đạo diễn Trần Mộc Thắng thiên về tinh thần Phật giáo. Tuy không có quá nhiều cảnh chiến đấu và biểu diễn kungfu nhưng võ thuật trong phim đẹp mắt và ấn tượng. Dàn diễn viên ngôi sao như: Thành Long, Lưu Đức Hoa, Tạ Đình Phong, Phạm Băng Băng, Ngô Kinh… là nhân tố quan trọng khiến Tân Thiếu Lâm Tự hấp dẫn khán giả.

Dù nội dung không hoàn toàn giống nhau, nhưng phim vẫn được xem là phiên bản thứ 2 của Thiếu Lâm Tự (Shaolin Temple) – bộ phim của đạo diễn Trương Hâm Viêm từng gây vang dội khắp châu Á và đưa tên tuổi của Lý Liên Kiệt lên hàng ngôi sao. Có nhiều yếu tố mang lại thành công cho bộ phim này, nhưng yếu tố đầu tiên vẫn là sức hấp dẫn của đề tài về Thiếu Lâm Tự và kungfu Thiếu Lâm.

Theo Trần Mộc Thắng, Tân Thiếu Lâm Tự là bộ phim thứ hai (sau Thiếu Lâm Tự của Lý Liên Kiệt vào năm 1982) được phép quay ở chùa Thiếu Lâm (Hà Nam – Trung Quốc). Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến chùa Thiếu Lâm thật, đoàn phim đầu tư 10 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,5 triệu USD) để xây một Thiếu Lâm Tự giả tại phim trường Hoành Điếm (tỉnh Chiết Giang), với kích thước và kiến trúc giống hệt chùa Thiếu Lâm. Dù tốn rất nhiều kinh phí để xây dựng bối cảnh này, cuối cùng đoàn phim cũng phải phá hủy nó để phục vụ cho các cảnh quay chiến đấu trong phim.

Tại Việt Nam, phim công chiếu từ ngày 18/2 tại TP HCM, Biên Hòa, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội.

Thất Sơn

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc