Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Chàng trai bị án oan 10 năm: Đã có ngày vui trăm năm

Hôm qua (20/3), đám cưới của chàng trai Nguyễn Đình Tình (xã Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) và cô dâu Thành Thị Thuỷ không chỉ là ngày vui riêng của gia đình. Sau 10 năm bị tù án oan, nhiễm HIV, Tình đã tìm được hạnh phúc đích thực.
Giờ phút tuyên bố hai người chính thức trở thành vợ chồng, nhiều người dân trong làng có mặt tại Nhà văn hoá Quyết Thắng đã khóc mừng cho đôi uyên ương. Sau 10 năm bị tù án oan, nhiễm HIV, Tình đã tìm được một nửa yêu thương gắn bó – cô gái dũng cảm vượt qua tất cả dư luận, chấp nhận hy sinh cho tình yêu đích thực.

an-oan1
Nguyễn Đình Tình – Thành Thị Thuỷ hạnh phúc trong ngày vui.

Chỉ một ước mơ là sức khoẻ

Đã hơn 1 năm, Tình cùng 2 thanh niên khác ở Yên Nghĩa mới chỉ là được tạm tha, vụ án oan vẫn chưa có phiên toà xử cuối cùng. Mặc dù đã trở về cuộc sống bình thường, họ vẫn chưa được trả lại quyền công dân. Khi còn ở tù, Tình đã không may bị nhiễm HIV sau một tai nạn ở sân bóng của trại giam.

Bị khâu cùng cây kim với trại viên nhiễm HIV, Tình đã lây bệnh. Ngày được tạm minh oan, đoàn tụ với gia đình, không muốn làm ai phải khổ lây vì bệnh tật của mình, Tình không hề dám mơ đến một ngày mình sẽ có được mái ấm cho riêng mình, chỉ mong mình yên ổn với công việc kinh doanh ở cửa hàng sơn được một nhà tài trợ giúp mở.

“Lấy vợ rồi thì phải chăm chút, kiến tạo cho gia đình mà mình không biết có làm được điều đó hay không. Khi mình nằm xuống rồi, vợ con ra sao. Lấy vợ sinh con để cho bố mẹ, nhưng nếu vậy thì quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình” – Tình tâm sự. Vì thế, câu châm ngôn Tình tâm đắc chỉ là: “Khi bạn có sức khoẻ, bạn ước mơ thật nhiều. Còn khi không có sức khoẻ thì bạn chỉ có mơ ước là khoẻ mạnh”.

Từ duyên kỳ ngộ…

Thành Thị Thuỷ – cô gái từ TP.Yên Bái – xuống Hà Nội lập nghiệp, đã cùng Tình đi qua những ngày khó khăn để có một cái kết tốt đẹp là đám cưới ngày hôm nay. Đọc thông tin về Tình bị oan, Thuỷ lần đầu tiên cầm bút viết bức thư gần 3 trang chia sẻ với người con trai có đôi mắt u uẩn mà cô rất ấn tượng. “Mười năm tuổi thanh xuân trong 4 bức tường trại giam một cách oan khuất, ai mà không suy sụp, mà không hằn trên khuôn mặt nỗi đau khổ. Em chỉ muốn đem một lời động viên tới anh ấy. Một câu trong bức thư em nhớ đã viết rằng, em mong chúng ta sẽ có một tình bạn theo đúng nghĩa”.

Cùng với thư của Thuỷ, Tình đã nhận được rất nhiều chia sẻ qua thư từ nhiều nơi như Tiền Giang, Bình Định, TPHCM…, nhưng cũng vì sức khoẻ không cho phép đi xa, lại còn bản án dang dở, Tình đã lấy số điện thoại để lại trên bức thư từ Hà Nội của Thuỷ và nhấc điện thoại hồi âm.

Điện thoại qua lại, dần dà Thuỷ thấy mến người con trai này, chứ không chỉ dừng lại ở sự cảm thương ban đầu. “Cả hai hẹn gặp nhau lần đầu tiên tại buổi sinh nhật mình, em hồi hộp lắm” – Thuỷ cười trừ: “Vì đã có tình cảm, nên con gái mới hồi hộp, chứ không thì khác chứ. Anh ấy không uống được rượu bia, nhưng đã cố gắng nhiệt tình với bạn bè em để cho em đẹp mặt”. Khi ấy, Thuỷ chỉ biết Tình bị oan, chứ không hề biết về căn bệnh khiến Tình đề nghị có một buổi nói chuyện nghiêm túc sau đó. Quá bất ngờ trước thông tin về bệnh Tình mắc phải, Thuỷ còn suy sụp hơn vì lời đề nghị chia tay của Tình.

Thuỷ đi hỏi về HIV/AIDS và biết rằng căn bệnh đó không phải là dấu chấm hết, bởi bây giờ đã có nhiều thuốc và phương pháp điều trị. Như tìm ra được ánh sáng cuối đường hầm, cô nhất quyết thuyết phục Tình. “Dù người em yêu thương bị bệnh, em vẫn không thể vì thế mà bỏ. Anh đã trải qua mất mát và đã vươn lên, đó là cách mà anh đã cho em niềm tin để có hạnh phúc”. Ba lần chủ động nói lời chia tay, cũng là ba lần Tình đã phải đầu hàng sự quyết tâm của người con gái mạnh mẽ này!

“Ngày ra mắt gia đình Thuỷ, em chủ động nói tất cả. Bởi các mối quan hệ chỉ có thể được đảm bảo bằng sự chân thành khi đến với nhau. Sự thật về em là điều hệ trọng, có thể liên quan đến cả đời người vợ. Thuỷ là con gái duy nhất trong gia đình, nên em không thể giấu”. Bố Thuỷ đã mất, mẹ và các anh trai không khỏi sốc trước điều quá phũ phàng, quá bất công với chàng trai rất chững chạc đang ngồi trước mắt họ. Người thẳng thắn phản đối, người lặng thinh đứng trung lập “tuỳ cô chú”, ít tiếng nói ủng hộ.

Tình sẵn sàng đón nhận tất cả những phản ứng ấy, đó cũng là điều bình thường trong cuộc sống, khi mà tương lai của một người con gái gắn bó với mình chưa biết ra sao. Chỉ có Thuỷ là giữ vững quyết tâm: “Nếu con lấy một người không có tình yêu, trong lòng vẫn nghĩ đến anh ấy, thì con sao có thể hạnh phúc. Lúc đó không phải là 2, mà có thể là 3 – 4 người và nhiều hơn nữa đều bất hạnh. Có thể chúng con không có nhiều thời gian bên nhau, nhưng đó sẽ là những ngày vui vẻ, ý nghĩa”.

Bà Đinh Thị Bảo – mẹ Thuỷ – không thể nói gì hơn, khi nhiều ngày sau hôm gặp mặt đó, đứa con gái út ít, tự lập của bà cứ khăng khăng như vậy. Thờ Bác Hồ, bà chỉ có một nguyện vọng được viếng Lăng vào một ngày xuân năm mới. Và bà thấy đó cũng là cơ hội tốt để đến thăm gia đình đã sinh ra chàng trai mà con gái bà sắt son.

an-oan101
Nguyễn Đình Tình trong công việc kinh doanh sơn của mình.

Đến hạnh phúc bất ngờ


Bố mẹ Tình và bà Bảo, với bản tính bộc trực của những người nông dân hiền lành gọi cả hai và hỏi: “Hai đứa định thế nào? Cưới thì để bố mẹ còn lo liệu”. Thuỷ như trút được mối lo đè nặng, Tình dường như cũng không còn lựa chọn nào có thể tốt hơn: “Tình cảm của chúng con qua thời gian, tuy không phải dài, nhưng đã qua nhiều sóng gió và đã chín muồi. Chúng con xin nhờ bố mẹ lo liệu để hai đứa ổn định hơn”. Tình thật thà bảo: “Nước mắt của em là vũ khí mạnh hơn tất cả”. Còn Thuỷ thì cũng bật mí: “Nhất cự ly, nhì cường độ” mà!

Đến bây giờ, cả hai đã bước tới bến bờ hạnh phúc. Hơn 11 năm qua, đây là những ngày mà Tình thấy mình là người hạnh phúc nhất. Tình nắm tay vợ: “Gia đình, bố mẹ quan tâm, mọi người đều dành sự quan tâm đặc biệt. Có những người không phải là họ hàng, anh em, nhưng đã đổ nhiều nước mắt thương anh. Có nhiều người thương yêu mình là mình hạnh phúc, phải không em?”.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa – bố Tình – nhớ lại: “Cũng cách đây chỉ hơn 1 năm, ngày Tình được tạm tha, dân làng xóm Quyết Thắng đã tập trung ở nhà văn hoá này đón cháu. Ngày ấy, họ thể hiện sự bất bình với nỗi oan khuất không dễ ai thấu của Tình. Còn hôm nay, họ lại ở đây, mừng cho hạnh phúc đôi trẻ, sự động viên đó không chỉ dành cho Tình, mà còn dành cho cô con dâu dũng cảm và gia đình chúng tôi. Con dâu tôi giờ mong là chồng nó sẽ khỏi bệnh, còn tôi cũng mong chúng sớm có con bồng để cho tôi cháu bế thôi”.

Là những phóng viên đã dõi theo câu chuyện của Tình, cũng như 2 thanh niên Kiên, Lợi ở xã Yên Nghĩa (Hà Đông) bị mắc vào vụ án oan hiếp dâm 10 năm trước, chúng tôi xin chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Chúc cho Tình có sức khoẻ để có thể thực hiện những điều toan lo cuộc sống bình dị như bao nhiêu người khác. Và cũng mong phiên toà cuối cùng sớm tiến hành, có tuyên bố để 3 thanh niên được trả lại quyền công dân. Có như vậy, đôi bạn trẻ Tình – Thuỷ mới có thể được đăng ký kết hôn và được pháp luật thừa nhận là vợ – chồng trọn vẹn.

Theo Quang Duy

Lao động

Chuyên đề:

01 ý kiến dành cho “Chàng trai bị án oan 10 năm: Đã có ngày vui trăm năm”

  1. Nguyễn Xuân Hà 17/04/2011

    Pháp luật cần nghiêm trị những kẻ đã gây ra oan sai cho 3 người vô tội trên, cái mà họ cho là người cầm cân nảy mực của Công lý. Bồi thường cho mỗi người là 10 tỷ đồng để họ làm ăn sinh sống.

    Reply

Ý kiến bạn đọc