Home » Chuyện lạ, Giải trí » Giếng tiên làng Chiềng
Các cụ cao niên trong làng kể rằng, cái giếng này đột ngột xuất hiện sau một đêm mưa bão và người đào giếng là Long Vương. Vậy nên từ khi hình thành đến nay, không biết trải qua bao nhiêu đời người, nước trong giếng không bao giờ cạn. Từ bao đời nay, hàng trăm người dân thôn Chiềng 2 (xã Lương Sơn, Bảo Yên, Lào Cai) vẫn sống nhờ cái giếng đó.


Sự hình thành kỳ lạ

Ở tuổi 76, Cụ Hoàng Văn Tu là người nhiều tuổi nhất nhì của thôn Chiềng 2 vừa dẫn chúng tôi ra thăm giếng vừa kể: Không biết giếng hình thành từ khi nào, ngay từ nhỏ cụ đã thấy một cái giếng như bây giờ. Cái giếng là nơi cung cấp nguồn nước cho hàng chục ha ruộng vườn và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục hộ dân xung quanh.

Cách đây khoảng 30 năm mạch nước của giếng tiên lúc nào cũng phun lên như đang sôi sùng sục, nhiều người cho đó là long mạch. Qua thời gian, mạch nước không còn nhiều như trước nữa nhưng chưa bao giờ người dân thôn Chiềng 2 thiếu nước sinh hoạt cũng như phục vụ tưới tiêu.

Hòn đá được tương truyền là nơi xưa kia Long Vương để lại 2 mẹt tằm sau đêm giông bão.
Hòn đá được tương truyền là nơi xưa kia Long Vương để lại 2 mẹt tằm sau đêm giông bão.


Ông Hoàng Văn Khanh, già làng thôn Chiềng 2 nhớ lại: Khi tôi sinh ra đã được nghe cụ tôi kể rằng, vào một buổi chiều, có người lạ xuất hiện và đến ngôi nhà ở gần giếng tiên bây giờ hỏi thăm có thấy con trâu trắng nào lạc đến đến đây không? Chủ nhân của ngôi nhà trả lời rằng, cách đây ít hôm ngôi nhà ở cuối làng có thấy một con trâu trắng. Nghe vậy rồi để trả ơn người mách bảo, người đến tìm trâu đã nói với chủ nhà vừa hỏi cho một điều ước, muốn thứ gì thì sẽ cho thứ đó.

Sau một hồi suy nghĩ người chủ nhà nói: Ở đây quanh năm khô hạn, không có nước, lại mỗi mình bà sống ở đây ngày ngày đang đói khát, bà chỉ mong sao có đủ nước uống, cơm ăn. Vậy là người đến tìm trâu trắng dặn bà cụ tối nay nếu thấy sấm chớp, mưa gió thì cụ đừng ra ngoài, ngày mai cụ sẽ có được điều mà cụ muốn.

Sau khi người đi tìm trâu về nhà, trời cũng đã sẩm tối. Bỗng chốc trời tối đen như mực, sét đánh ầm ầm, trời mưa rất to, chẳng mấy chốc nước suối dâng cao ngùn ngụt khiến cả đồi cây và đầm lầy chìm trong biển nước. Bà chủ nhà gần giếng nước bây giờ nghe theo lời người đi tìm trâu không ra khỏi nhà đêm hôm đó.

Sáng hôm sau, bà ra phía hiên nhà thì thấy xuất hiện một cái giếng nước trong vắt, mạch nước sùng sục tuôn ra trong khe đá, xung quanh giếng nước được xếp đá kè, phía ngoài đường vào có một khối đá rất vuông vắn rộng hơn 1m, phía bên trên là hai cái mẹt rất to đựng tằm đang đến độ nhả tơ.

Bà cụ mang hai mẹt tằm về nuôi được vài ngày, khi chúng nhả tơ thì hầu hết số tằm đó biến thành những đồng bạc trắng. Giếng tiên ngày nay hình thành từ đó, cũng từ đó đến nay nguồn nước không bao giờ ngừng chảy. Không biết qua bao nhiêu đời người, họ truyền tai nhau rằng con trâu trắng đó là của Long Vương, người đến tìm trâu chính là “sứ giả” mà Long Vương sai đến.

Đông ấm, hè mát

Nhiều cụ cao niên trong thôn Chiềng 2 nhắc nhở với con cháu rằng, giếng tiên là nơi linh thiêng, tôn nghiêm, không được làm bẩn. Khi chúng tôi có mặt tại giếng tiên thời tiết đang là mùa đông, trên mặt nước bốc khói nghi ngút, rất ấm. Một người dân thôn Chiềng 2 đi làm về vào giếng uống nước khoe với chúng tôi, giếng nước này là cái bình nóng lạnh của làng, vào mùa đông thì ấm, có thể múc nước về tắm luôn được, nhưng mùa hè lại rất mát, lấy quả vùi dưới lớp cát của giếng, một lúc sau mang lên ăn thì như để trong tủ lạnh.

Ngôi nhà dành cho người mất bên ngoài về làm lễ
Ngôi nhà dành cho người mất bên ngoài về làm lễ


Hầu hết các cánh đồng trong xã Lương Sơn đều dẫn nước từ suối vào trồng lúa hai vụ, thường xuyên thiếu nước vào mùa hạn, nhiều diện tích phải bỏ hoang hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng riêng cánh đồng mà giếng tiên tưới thì không bao giờ hạn hán, vào mùa đông nguồn nước ấm nên lúa nước phát triển rất tốt, vậy nên năng suất bao giờ cũng cao hơn những cánh đồng khác.

Ông Khanh cho biết thêm: Giếng tiên trước đây được bao quanh bởi những rừng cây rậm rạp, nhiều người lạ đến thăm giếng, do trong một không gian âm u, thỉnh thoảng trong rừng cây có tiếng cây gẫy, đổ dẫn đến giật mình, sau khi về thường bị ốm, phải làm lễ mới khỏi. Nhưng ngày nay do dân số trong thôn ngày một tăng, số người vào giếng ngày càng nhiều, xung quanh giếng đã được phát quang nên những việc như trước đây ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, người lạ đến thăm giếng vẫn cần tuân thủ các quy tắc của làng.



Trần Hòa – Hoàng Yên

Theo Bee

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc