Home » Kinh doanh » Hạn chế cấp vốn tín dụng cho bất động sản
Trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cần ưu tiên vốn tín dụng phục vụ trực tiếp sản xuất hàng hóa, hàng xuất khẩu, hàng nông nghiệp; hạn chế cấp vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích…
eceOHVH
Ông Hà Văn Hiền (ảnh Việt Hưng)
Tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa 12, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đã trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2010 và triển khai thực hiện năm 2011.

Theo đó, trong 2 tháng cuối năm 2010, đất nước đã có những diễn biến phức tạp của lạm phát, lãi suất và tỷ giá gây thêm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đã bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Ủy ban kinh tế thấy rằng, Chính phủ đã có những đánh giá, nhận định xác đáng về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trong đó có xác định nguyên nhân chủ quan là căn bản, nhất là về hoạch định các chính sách thiên về tăng trưởng kinh tế, điều hành kinh tế vĩ mô, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ còn chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, đầu năm chính sách thắt chặt nhưng cuối năm chính sách lại quá lỏng.

Đồng thời, đa số ý kiến trong Ủy ban kinh tế cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu có tính căn nguyên là xuất phát từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế. Đó là mô hình tăng trường kinh tế những năm qua dựa nhiều vào việc tăng vốn đầu tư và phát triển chiều rộng, tỷ trọng đầu tư công cao, đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp…

Bước sang năm 2011, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt song tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá những tháng đầu năm 2011 vẫn tiếp tục có biến động mạnh và diễn biến phức tạp, làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế nước ta.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã tăng 3,87% so với tháng 12/2010, lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong khi tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do biến động mạnh.

Và trong những tháng còn lại của năm, Ủy ban kinh tế cho rằng có 2 yếu tố quan trọng có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Một là sức ép của lạm phát, nhất là sau khi điều chỉnh tỷ giá và tăng giá một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất như xăng (tăng 17,68%), điện (tăng 15,28%).

Hai là, kinh tế thế giới xuất hiện nhiều khó khăn hơn do gia tăng xung đột chính trị và bất ổn xã hội tại một số nước. Kèm theo đó là những thiệt hại do thiên tai gây ra tại Nhật Bản đang làm lạm phát tăng cao và có diễn biến phức tạp tại nhiều nước.

Trước tình hình đó, Ủy ban kinh tế đã đề nghị cần tập trung 3 nhóm giải pháp chính: 1/ Nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; 2/ Nhóm giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh; 3/Nhóm giải pháp xã hội và môi trường.

Trong đó Ủy ban kinh tế chỉ rõ: trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cần ưu tiên vốn tín dụng phục vụ trực tiếp sản xuất hàng hóa, hàng xuất khẩu, hàng nông nghiệp; hạn chế cấp vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện không khuyến khích.

Trong điều hành chính sách tài khóa, kiên quyết không chi ngân sách nhà nước vượt dự toán chi đã được phê duyệt, đưa mức bội chi xuống dưới 5% GDP. Cần thực hiện các biện pháp quyết liệt giảm tỷ lệ nhập siêu xuống dưới 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đáng chú ý, Ủy ban kinh tế cũng đề nghị việc điều chỉnh giá những mặt hàng do nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường phải theo lộ trình, chọn thời điểm thích hợp để không gây sự cộng hưởng tâm lý tăng giá “té nước theo mưa” trên thị trường.

Lan Hương

Theo dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc