Home » Chia sẻ, Cuộc sống số » ‘Sành điệu không cần tiền triệu’ ở giới trẻ

Hàng hiệu – những sản phẩm với mức giá trên trời, luôn đứng đầu bởi chất lượng, độ bền, uy tín và độc đáo, nhưng có thể cuốn một bộ phận giới trẻ vào cơn lốc mua sắm khó cưỡng khi không “biết mình, biết ta”. Hơn ai hết mỗi người nên học cách tiêu dùng thông minh.

Cơn ’sóng ngầm đồ hiệu’ của cậu ấm, cô chiêu
’Đại gia non choẹt’ trong cơn lốc hàng hiệu

Sành điệu không cần tiền triệu

Dùng hàng hiệu không phải là xấu, thậm chí còn trở thành một nét văn hóa, mà không phải một sớm một chiều hình thành nên. Tuy nhiên, văn hóa dùng hàng hiệu của người Việt nói chung, người trẻ nói riêng còn lệch lạc và thiếu hụt rất nhiều điều.

“Với quần áo mình không cần đồ hiệu, chỉ cần đồ đẹp và hợp là được. Với các loại mỹ phẩm, nước hoa thì có yêu cầu cao hơn, mình thích dùng đồ của những hãng có tên tuổi đàng hoàng, không cần đến mức quá mà chỉ cần có thương hiệu để đảm bảo cho sản phẩm của họ là được. Dùng đồ mình thích thì không có gì sai, nhưng hãy biết cân nhắc ý thích của mình một cách hợp lý” – một thành viên trên website TraiTimVietNam Online chia sẻ.

Sành điệu không cần tiền triệu ở giới trẻ

Để thỏa mãn đam mê xài hàng hiệu của mình, không ít các bạn trẻ sẵn sàng tìm đến các loại hàng hiệu “nhái” với mong muốn được khoác trên mình những sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, ở phương Tây, những hành động này thường bị coi nhẹ, thậm chí là không văn minh.

Đăng Linh, một du học sinh Úc cho biết: “Ở các nước phương Tây, luật bảo vệ thương hiệu được họ kiểm soát rất chặt chẽ, nên việc mặc đồ nhái là điều người ta không bao giờ làm, thật khó để chấp nhận. Bạn có thể sẽ bị cảnh sát “hỏi thăm” vì mặc đồ nhái nữa”.

Là du học sinh cũng khá sành sỏi với hàng hiệu, những món hàng Linh ưu tiên dùng là giày dép, mỹ phẩm, nước hoa. Vì xét cho cùng chúng không chỉ làm đẹp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

“Mình thường mất rất nhiều thời gian cân nhắc khi quyết định mua một món đồ hiệu nào đó. Mình không bao giờ mua một đôi giày hay túi xách đắt tiền chỉ để đi chơi, mà phải sử dụng được trong nhiều trường hợp” – Đăng Linh khẳng định.

Người mẫu tuổi teen Đan Cha, hiện đang là SV ĐH RMIT TPHCM chia sẻ: “Theo tôi, xài hàng hiệu không có gì là xấu, có điều chỉ nên xài trong khả năng điều kiện của mình.

Nếu thực sự thấy thích một món đồ hiệu hay thấy nó cần thì tôi mới mua, và sẽ đi làm thêm để có tiền mua chứ không muốn đòi hỏi bố mẹ. Tôi từng chứng kiến nhiều cô gái, sẵn sàng cặp với các đại gia, sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ lấy tiền bạc để tiêu xài hàng hiệu, để thể hiện đẳng cấp” của mình.

Kết cục rồi cũng “trượt dài trong những bi kịch”. Mặc đồ hiệu mà để người ta khinh, đánh mất bản thân thì thật không đáng. Dùng cái gì đẹp, phù hợp với mình là được. Đẳng cấp hay giá trị gì thì cũng ở con người mình mà nên”.
Không phải chỉ hàng hiệu tạo nên đẳng cấp

Theo PGS TS Nguyễn Văn Phúc, GV ĐH Kinh tế Quốc dân: “Chạy theo hàng hiệu”, “sùng bái hàng hiệu” là một căn bệnh có thật trong xã hội tiêu dùng, kể cả trong các bạn trẻ và các bạn không còn trẻ nữa! Và cũng là một sự thật, là về công dụng, nhiều thứ hàng hiệu chỉ hơn hàng thường ở cái “hiệu”.

Vậy khi mua “hàng hiệu”, có 2 vấn đề mà bạn phải quan tâm: Một là, bạn có hiểu rõ lợi ích mà nó đem lại hay không? Nếu vì cái giá trị sử dụng của hàng hoá mà mua “hàng hiệu” thì nhiều khi bạn đã trả giá rất cao khi mua giá trị sử dụng tự nhiên của hàng hoá (ta gọi là bạn đã mua đắt, mua hớ!).

Hơn nữa, nhiều khi bạn ngộ nhận về cái lợi ích mà “hàng hiệu” đem lại (các nhà sản xuất rất khoái chí với cái ngộ nhận này của các bạn. Nhờ đó mà họ bán được nhiều hàng, kiếm bộn tiền!)

Về lợi ích (thường là vô hình) của “hàng hiệu” thì cảm nhận và giá trị với từng người có thể rất khác nhau. Hai là, cái lợi ích đó có thực sự là thứ bạn cần hay không? Theo cấp độ nhu cầu, “Hàng hiệu” thường là sản phẩm đáp ứng nhu cầu thể hiện mình, tức là nhu cầu ở mức cao trong thang bậc thể hiện các cấp độ nhu cầu.

Sành điệu không cần tiền triệu ở giới trẻ
“Hàng hiệu” dù có giúp bạn nổi lên chốc lát, nhưng nó không bao giờ làm nên đẳng cấp của bạn.

Nếu bạn thực sự phải giao tiếp với những người thường dùng hàng hiệu thì việc bạn cũng dùng hàng hiệu có thể là tương xứng, nhưng thực ra cũng không nhất thiết phải như vậy (nhiều người rất giàu cũng dùng những sản phẩm rất thông thường, chả có gì đặc biệt.

Chúng ta cũng vậy, áo quần bình dân mà được giặt là sạch sẽ, nghiêm túc cũng được đánh giá cao hơn rất nhiều so với ăn mặc toàn hàng hiệu mà để lâu ngày không giặt, nhàu nát không là ủi!)!Còn nếu các bạn mặc hàng hiệu, đi giày xịn, đeo đồng hồ của hãng nổi tiếng, xịt nước hoa thượng hạng về nông thôn ra đồng thăm lúa … thì miễn bình luận!

“Hàng hiệu” dù có giúp bạn nổi lên chốc lát, nhưng nó không bao giờ làm nên đẳng cấp của bạn. Ngay cả thể hiện đẳng cấp nó cũng không thể, bởi người ta nhận dạng đẳng cấp của bạn không chỉ thông qua những “vật ngoại thân” như vậy, mà còn thông qua lời ăn tiếng nói, cung cách ứng xử, cử chỉ và sự lịch sự, thông thái, duyên dáng và hấp dẫn của các bạn.

Những thứ này, thuộc về năng lực nội tại của bạn, mà tương phản với những thứ “hàng xịn” bạn dùng thì thật là… quê cả nghìn cục (chứ chả phải chỉ một cục thôi đâu!).

Điều thứ hai xin được chia sẻ với các bạn là thời gian chỉ có một chiều xuôi, không quay ngược được. Nếu “sùng bái hàng hiệu”, “vì hàng hiệu” mà hao tổn thời gian, sức lực thì có khi ta bỏ lỡ nhiều thứ tạo ra đẳng cấp của chính chúng ta và chẳng bao giờ ta có thể làm lại được.

Theo vietnamnet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc