Home » Xã hội » Việt Nam nên phát triển năng lượng hạt nhân hay không?
Việt Nam đã có Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và nước này đã ký kết hợp tác xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với các đối tác Nga và Nhật Bản.

Sự cố ở lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản đã làm dấy lên sự quan tâm về dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. (AFP)

[title]

Sự cố ở lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản đã làm dấy lên sự quan tâm về dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. (AFP)

Tóm lược

  • Nhiều chuyên gia hạt nhân ở Việt Nam cho rằng phải rất thận trọng và xây dựng lần lượt từng lò phản ứng một thay vì xây dựng đồng loạt bốn lò tại nhà máy ở Ninh Thuận.

Nửa thế kỷ có một lò phản ứng hạt nhân

Từ 47 năm qua, Việt Nam chỉ có một lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt do Mỹ xây dựng năm 1963. Sau khi nước này thống nhất (1975), lò ngừng hoạt động. Mãi đến năm 1984, lò hạt nhân Đà Lạt mới được phục hồi và mở rộng công suất với nhiên liệu do Nga cung cấp.

Tuy nhiên gần đây, Việt Nam đã có Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Nước này đã ký kết hợp tác với bảy quốc gia (gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Argentina) trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Gần đây nhất vào tháng 1/2011, Việt Nam đã chọn Nhật Bản làm đối tác hợp tác và phát triển ngành năng lượng hạt nhân, qua đó có việc giúp Việt Nam thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 theo các tiêu chí an toàn, hiện đại và hiệu quả. (đối tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân 1 là Nga).

Hiệp định giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản về hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Đình Tiến – đại diện chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki – đại diện chính phủ Nhật Bản đã ký ngày 20/01/2011.

Nhật Bản và các quốc gia khác sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để Việt Nam có thể làm chủ và tiếp thu được những công nghệ chuyển giao, đồng thời hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển điện hạt nhân.

Theo tìm hiểu của Bay Vút, vào thời điểm cuối năm 2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Hai nhà máy này có công suất trên 4.000 MW. Tổng mức đầu tư dự toán của dự án này khoảng 200.000 tỷ đồng Việt Nam.

Theo lộ trình, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ khởi công xây dựng vào năm 2014 và tổ máy đầu tiên sẽ vận hành vào khoảng năm 2018-2020.

Trên trang web của VARANS, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Lê Đình Tiến cho biết Việt Nam có Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và đang sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân.

Nên hay không nên?

Việc Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân là điều cần thiết để tạo ra nguồn năng lượng điện vốn đang thiếu trầm trọng ở quốc gia này.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia hạt nhân ở Việt Nam cho rằng phải rất thận trọng và xây dựng lần lượt từng lò phản ứng một thay vì xây dựng đồng loạt bốn lò tại nhà máy ở Ninh Thuận.

Vấn đề lợi ích kinh tế cũng được nhắc đến khi tổng kinh phí dự trù cho việc xây hai nhà máy ở Ninh Thuận là từ 1,8 đến 2 tỉ đô-la Mỹ và giá thành của 1kWh năng lượng từ nhà máy điện hạt nhân khá đắt nếu so với giá thành năng lượng sản xuất từ các hình thức và nguyên liệu khác như năng lượng gió, than đá…

Năm 2008, tại Hội thảo xây dựng nhà máy điện nguyên tử do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học đầu đàn ở nước này đề nghị mục tiêu cao nhất khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân là ‘tính an toàn tuyệt đối’ và ‘phải bảo đảm môi trường’.

Vấn đề an toàn càng được nhắc đến nhiều hơn kể từ khi nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản gặp sự cố do động đất mới đây, dẫn đến việc chính phủ nhiều nước đã xem xét lại hoặc hoãn các kế hoạch liên quan đến việc phát triển nhà máy điện hạt nhân của họ.

Ông Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho rằng “đó là sự thận trọng cần thiết nhưng không nên lo lắng quá mức” bởi sự cố vừa diễn ra ở Nhật thuộc loại hy hữu, nằm ngoài dự tính và thiết kế an toàn nhất của con người.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết sự cố ở Nhật Bản không ảnh hưởng đến dự án điện hạt nhân ở nước này.

Những người có trách nhiệm tại Việt Nam sẽ theo dõi và rút kinh nghiệm từ những gì diễn ra tại Nhật Bản, trong đó bao gồm việc đề phòng và tính toán độ an toàn cao cũng như xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp.

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân

Một vấn đề quan trọng khác được đặt ra là việc đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực hạt nhân của Việt Nam.

Theo tìm hiểu của Bay Vút, hiện Việt Nam có sáu trường đại học có chuyên ngành đào tạo sinh viên các kiến thức liên quan đến lĩnh vực hạt nhân như vật lý, hóa học, sinh học và môi trường.

Hiện hàng năm có khoảng từ 50 đến 100 sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, cơ sở công nghiệp, các cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân từ trung ương đến địa phương.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, “nguồn nhân lực như vậy là vẫn chưa đủ và còn cần đào tạo thêm ở nước ngoài”.

Trước khi chờ Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam ở Đà Lạt vẫn tiếp tục vận hành sản xuất các chủng loại đồng vị phóng xạ dùng cho y tế cung cấp cho 25 bệnh viện lớn ở Việt Nam để chuẩn đoán chữa trị các bệnh về nội tạng, tuyến giáp, khối u…

Được biết hàng năm, có khoảng 3.000 du khách tham quan lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt.

Theo bayvut

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc