Home » Kinh doanh » Hàng chợ, vỉa hè cũng niêm yết giá
Giá cả biến động từng ngày, không ít người bắt đầu hình thành thói quen hỏi giá trước khi mua hàng. Nắm được tâm lý khách sợ bị chặt chém, nhiều người kinh doanh cũng niêm yết giá cụ thể cho hàng hóa.

Chị Thu bán bánh khúc, xôi lạc tại cổng một trường đại học trên phố Tây Sơn cho hay, trước có những ngày chị bán được gần trăm cái bánh khúc và đầy một thúng xôi lạc. Từ khi xăng tăng giá, thực phẩm tăng giá, thì việc thường xuyên mang hàng ế về nhà cũng không còn là chuyện hiếm, nhất là bánh khúc.

Tuy nhiên, sau khi treo tấm bìa các-tông với dòng chữ “bánh khúc, xôi lạc 7.000 đồng”, hàng lại bán đắt như tôm tươi. Không ít hôm, mới gần 9h, chị đã bán hết sạch số hàng mà bình thường phải bán đến trưa, chiều muộn.

Trong bối cảnh giá cả không ít mặt hàng leo thang như hiện nay, việc cửa hàng niêm yết và bán đúng giá niêm yết được cho là cách để cải thiện tình trạng ế ẩm. Ảnh minh họa: Tuệ Minh
Niêm yết và bán đúng giá được cho là cách để cải thiện tình trạng ế ẩm của những cửa hàng vỉa hè. Ảnh minh họa: Tuệ Minh

Chẳng những xuất hiện trong siêu thị hay cửa hàng, những tấm bảng báo giá cụ thể kiểu “bún, phở 20.000 đồng”, “bánh khúc 7.000 đồng”, “bánh mỳ cay 3k”… đang được nhiều người kinh doanh vỉa hè sử dụng.

Một người kinh doanh bún ốc, bún mọc trên phố Khâm Thiên chia sẻ, từ khi niêm yết giá bán là 20.000 đồng một bát, lượng khách có phần tăng hơn so với trước. Trước kia, giá là 15.000 đồng một bát, mỗi ngày bán được khoảng hơn 100 bát. Chị dự kiến giá tăng lên 20.000 đồng thì hàng bán sẽ chậm đi, nhưng khách lại không giảm. Thậm chí, lượng khách vãng lai ghé quán còn đông hơn trước.

Trong thời giá cả đắt đỏ, mua hàng tại những nơi có báo giá cụ thể vẫn có cảm giác yên tâm hơn là chia sẻ của không ít người. Chị Thủy, một khách hàng quen của quán bún bung 20.000 đồng trên phố Thái Thịnh cho rằng, khi giá xăng, điện tăng, nhiều hàng hóa, dịch vụ ào ạt tăng giá nên việc biết chắc chắn mức giá sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn.

Trước đây, niêm yết giá thường thấy ở các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn. Còn tại các chợ, vỉa hè, hàng hóa vẫn được bán theo kiểu “nhìn mặt mà hét giá”. Đây cũng là lý do thời gian gần đây, siêu thị trở thành điểm đến của người tiêu dùng vì độ tiện lợi, giá bán công khai, người mua không sợ bị chém đẹp. Việc các cửa hàng kinh doanh ở chợ hay vỉa hè rục rịch niêm yết giá là dấu hiệu đáng mừng trong thời buổi giá cả mất ổn định hiện nay.

Chị Thủy, chủ cửa hàng hoa quả ở chợ Vĩnh Hồ, Hà Nội cho biết để khách hàng mua đúng giá, ngoài việc niêm yết công khai giá bán, chị còn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm để người mua dễ dàng nhận diện.

Kể từ khi mô hình cửa hàng một giá ra đời, tại Hà Nội cũng bắt đầu xu hướng niêm yết công khai giá bán các sản phẩm quần áo, thời trang, giày dép. Dọc theo phố Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Hà Nội, hầu như các cửa hàng kinh doanh thời trang đều công khai các chính sách khuyến mãi và niêm yết giá bán lên mỗi sản phẩm.

Anh Hoàng Tùng – chủ cửa hàng kinh doanh giầy thời trang phố Tôn Đức Thắng cho biết khi niêm yết rõ giá bán, người mua sẽ không mất công mặc cả. Người bán cũng không phải vất vả trả lời giá cho từng mẫu hàng hóa.

Thậm chí để tiện lợi cho người mua, cửa hàng còn phân ra từng khu sản phẩm – dòng cao cấp – trung bình và hàng đại hạ giá. “Cách thức này được chúng tôi áp dụng cách đây nửa năm, thu hút được khá nhiều khách hàng ở các lứa tuổi và thu nhập khác nhau”, anh Tùng nói.

Theo anh, người bán hàng ở Hà Nội lâu nay chịu mang tiếng về thái độ chưa tốt, hét giá quá cao, thậm chí là đôi co, đốt vía khi gặp khách không vừa ý. Thế nhưng, thời buổi cạnh tranh hiện nay “vạn người bán, trăm người mua”, khách sẽ không bao giờ quay trở lại cửa hàng nếu gặp người bán có thái độ không tốt hoặc giá cả hàng hóa nhập nhèm.

Nhân viên bán hàng của cửa hàng thời trang Tracy nhận định việc niêm yết giá bán công khai và phân loại từng mẫu sản phẩm giúp các cửa hàng tiết kiệm được nhân lực. “Mỗi cửa hàng trong hệ thống của chúng tôi có tới cả trăm khách đến mua sắm mỗi ngày, nếu không niêm yết giá bán sẵn mà cứ để khách hàng hỏi và trả lời rồi lại kỳ kèo ‘bớt một thêm hai’, chúng tôi sẽ tốn thêm cả chục nhân viên nữa”, nhân viên này nói.

Theo các chủ cửa hàng, việc niêm yết công khai giá bán cũng là một cách khiến cho khách hàng được sống với cảm giác “là thượng đế” khi mua hàng trong bối cảnh hiện tại. Ngoài xóa bỏ tâm lý ngại mở hàng đầu giờ sáng, người tiêu dùng cũng không lo bị hắt hủi nếu chẳng may không mặc cả được giá.

Tuệ Minh- Như Quỳnh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc