Home » Kinh doanh » ‘Nhập siêu quý một vẫn tương đối an toàn’
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, tỷ lệ nhập siêu quý một năm nay ở mức 15,7% là thấp nhất trong suốt các năm 2007 đến 2010, và vẫn đạt ngưỡng tương đối an toàn.

Nhập siêu 3 tháng đầu năm đã lên tới trên 3 tỷ đôla, đạt gần sát nút chỉ tiêu của Chính phủ, trong đó mặt hàng xa xỉ chiếm đến 1,3 tỷ đôla, một con số đáng được cảnh báo. Thứ trưởng nhận định sao về điều này?

So với các năm từ 2007 đến năm 2010, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì con số nhập siêu rất cao. Chúng ta đều đưa ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và trong quý một, tỷ lệ nhập siêu là 15,7%. Theo tôi, đây là mức thấp nhất, đạt ngưỡng tương đối an toàn đối với cán cân thương mại và thanh toán của Việt Nam. Trong khi các năm trước tỷ lệ này đã có lúc lên đến 28%, cá biệt có năm 2010 là dưới 18%.

Chúng ta đạt được mục tiêu nhập siêu dưới 16% theo Nghị quyết 11, tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhập khẩu, nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng rất khó cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nếu chúng ta xiết quá đột ngột thì sẽ thì gây tắc nghẽn hoạt động kinh tế trên mọi phương diện. Do đó, việc điều hành xuất nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được điều hành thận trọng, tính toán làm sao để giảm thiểu rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên. Ảnh: Hoàng Lan
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên. Ảnh: Hoàng Lan.

– Một số ý kiến cho rằng, điện thoại di động và lap top là hai mặt hàng thông dụng phổ biến, không nên xếp vào mặt hàng xa xỉ hạn chế nhập khẩu, ý kiến Bộ Công Thương thế nào, thưa ông?

Việt Nam đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, trong đó đưa ra giải pháp hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Điện thoại di động đang trong lộ trình miễn thuế 0%. Hiện nay thị trường di động, laptop Việt Nam không thiếu. Người tiêu dùng hiện có dấu hiệu chạy theo thị hiếu điện thoại đắt tiền. Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép tự động đối với mặt hàng này và chủ trương là không khuyến khích nhập khẩu hàng xa xỉ đắt tiền.

Nếu nói điện thoại di động thiếu như xăng dầu thì không thuyết phục. Cũng giống như vàng, chúng ta nói nhiều đến vàng nhưng không có vàng thì không có ai chết cả. Điện thoại di động hay laptop không có chuyện khan hiếm. Tôi thấy dư luận đề cập đến sốt hàng iPhone 4, iPad 2 rồi các hãng thời trang đắt tiền nhưng không ai nói sốt điện thoại giá rẻ 1 triệu đồng cả.

Nhiều người lo ngại, hàng Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam là tác nhân không nhỏ gây ra tỷ lệ nhập siêu cao, Bộ Công Thương nghĩ sao về điều này?

– Quý một, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60%, nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 25%. Chúng ta đã tận dụng giấy chứng nhận ưu đãi các mặt hàng được miễn hoặc giảm thuế mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc. Tôi cho rằng, nếu VN duy trì mức tăng trưởng này thì sẽ hạn chế được nhập siêu từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương đánh giá thế nào về việc ngân hàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 14% nhưng thực tế, lãi suất cho vay lên tới 20%?

– Tôi cho rằng, vấn đề không phải là kéo trần lãi suất xuống. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang chủ trì phối hợp các ngành để đưa ra trần lãi suất hợp lý. Hiệp hội cần có vai trò lớn đưa ra những kiến nghị cho các cơ quan nhà nước để đảm bảo quyền lợi của hội viên.

Ví dụ như Hiệp hội lương thực VN cùng Bộ Công Thương đã lập danh sách các hội viên xuất khẩu gạo gửi qua Ngân hàng Nhà nước, từ đó Ngân hàng Nhà nước gửi đến các ngân hàng thương mại để cùng nhau giúp doanh nghiệp vay vốn đảm bảo xuất khẩu. Như vậy, các ngân hàng thương mại sẽ yên tâm đối với các doanh nghiệp nằm trong danh sách hơn. Thực tế, ngân hàng Công thương và Vietcombank cho vay các doanh nghiệp thu mua lúa gạo với lãi suất 13,5% và số tiền lên tới 6.000-7.000 tỷ đồng. Qua đó, chúng ta thấy rõ nếu Hiệp hội phối hợp nhịp nhàng với doanh nghiệp cũng như ngân hàng thì không có gì là không thể làm được.

Với tư cách cơ quan đầu ngành, Bộ Công Thương có chính sách gì hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu?

Tôi cho rằng không nên kỳ vọng ở những điều đột phá vì chúng ta đã kiềm chế nhập siêu từ hàng chục năm nay. Chúng ta đi lên từ khi xuất khẩu được vài trăm triệu đôla đến nay con số này đã lên tới 70-80 tỷ đôla. Các dư địa có thể thực hiện trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam quy định và các cam kết gia nhập WTO chúng ta đã tận dụng hết.

Với lãi suất cao cùng chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội ra thị trường ngoại địa sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ cùng một lúc, kiềm chế lạm phát nhưng lại phải tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, hỗ trợ lãi suất nhưng vẫn phải kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng. Nghe qua có vẻ mâu thuẫn nhau. Theo tôi, cần đưa ra những giải pháp mang tính khả thi cao hơn và nên điều chỉnh dần dần, đồng bộ. Doanh nghiệp không nên chỉ đứng im chờ cơ quan nhà nước can thiệp. Bản thân doanh nghiệp và hiệp hội phải tự mình tìm ra những vấn đề hạn chế, vướng mắc để đưa ra giải pháp kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc