Home » Bí ẩn thế giới, Khoa học » Những ẩn số phía sau tục táng treo kì dị

Nếu đáp thuyền xuôi dòng Trường Giang, người ta thường nhìn thấy trên các vách núi dựng đứng ở hai bên bờ sông thuộc mấy tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam có những chiếc quan tài treo cao cheo leo. Khi ven theo các con sông ở tỉnh Phúc Kiến, Vân Nam, Quí Châu…, cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng ấy. Đó chính là tục táng treo nổi tiếng thế giới.

Những câu hỏi chưa có lời giải

Khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc nhìn thấy cảnh tượng những cỗ quan tài cheo leo trên vách núi đã đưa ra rất nhiều câu hỏi với hướng dẫn viên. Nhưng không chỉ người nước ngoài mà ngay cả người Trung Quốc cũng ít ai người biết về sự thần bí của tục táng treo. Các hướng dẫn viên thường chỉ có thể nói một cách mơ hồ rằng đây là tập tục của một vài dân tộc thiểu số Trung Quốc thời cổ, họ cho rằng treo quan tài tổ tiên trên vách núi là làm tận đạo hiếu, đồng thời treo được càng cao càng tốt. Lỡ có du khách muốn hỏi kỹ hơn thì hướng dẫn viên sẽ rơi vào… thế bí, đành phải trả lời: “Những câu hỏi này phải đợi các chuyên gia nghiên cứu thêm, hiện vẫn chưa rõ”.

d

Những cỗ quan tài cheo leo trên trên vách núi

Đúng vậy, tục táng treo vừa huyền bí lại vừa kì dị. Người hiện đại có nghĩ thế nào cũng không thể hiểu ra. Đem treo quan tài lên vách núi cheo leo để mặc cho gió táp mưa sa như vậy nhằm mục đích gì? Vách núi cheo leo đến vậy, lại không có máy móc hiện đại, người xưa đã đưa chiếc quan tài lên bằng cách nào?

Các nhà khảo cổ cũng hết sức hào hứng với những chiếc quan tài treo, song cho đến tận giờ, các kết quả khảo chứng vẫn chưa được như ý muốn, xoay quanh chiếc quan tài treo vẫn còn rất nhiều ẩn số chưa được giải đáp.

Theo ghi chép trong sách cổ, chiếc quan tài treo sớm nhất xuất hiện ở miền Vũ Di Sơn, Phúc Kiến, vào khoảng thời Xuân Thu Chiến Quốc, cách ngày nay khoảng hơn 2000 năm. Vũ Di Sơn là nơi cư trú của tộc bách Việt cổ đại, cho nên có nhiều người nói tộc Bách Việt đã sáng tạo ra tục táng treo. Sau đó, tục này lan tới các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam, Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, thậm chí cả Đài Loan… Có thể nói đó là tập tục chung của các dân tộc thiểu số ở miền nam Trung Quốc thời cổ.

Táng treo để tránh dã thú?

Có người cho rằng điều này liên quan đến tín ngưỡng của một vài dân tộc thiểu số. Những dân tộc này tôn thờ Thần núi và Ma núi, khi con người đang sống mà gặp được hỉ khánh cát tường, liền cho là Thần núi hoặc Ma núi giáng phúc, phải lên núi tế lễ, khi chết rồi thì hi vọng sẽ được Thần núi hoặc Ma núi dẫn dắt tới một thế giới tốt đẹp khác, cho nên phải treo quan tài cheo leo trên vách núi. Trước khi thực hiện tục táng treo, con cháu phải làm nghi thức uống rượu nhảy múa, cầu nguyện mong Thần núi hoặc Ma núi sớm tới dìu dắt linh hồn người chết.

d

Những cỗ quan tài san sát nhau

Cũng có người cho rằng tục táng treo có liên quan tới việc phần lớn các dân tộc thiểu số đều sinh sống bằng săn bắn. Con người khi đang sống dựa vào săn bắn dã thú, khi chết rồi sợ dã thú báo thù, ăn mất thi thể nên dặn dò con cháu treo quan tài trên vách núi để ngăn không cho dã thú tấn công.

Hai lý giải này được rất nhiều người chấp nhận, nhưng cũng có những người tỏ ra hoài nghi. Bởi vì dựa theo những gì đã ghi chép trong sách cổ, con cháu các dân tộc thiểu số ở một số địa phương khi treo quan tài tổ tiên mình trên vách núi lại có mong cho quan tài cuối cùng sẽ rơi xuống, bởi vì trong sách cổ có thuyết pháp “dĩ tiên trụy giả vi cát” (tạm dịch: “tiền nhân rơi xuống là tốt”). Vì mong cho quan tài rơi xuống, cho nên phần lớn quan tài được treo trên các vách núi cheo leo ven sông, như vậy khi rơi sẽ lăn xuống sông rồi trôi đi theo dòng nước, chứ không bị vỡ tan trên mặt đất.

Phần lớn quan tài treo ở miền Vũ Di Sơn, Phúc Kiến đều được đẽo thành hình thuyền từ một khối gỗ nguyên, điều này càng cho thấy là sẵn sàng để cho rơi xuống sông. Song nếu nói như thế thì các thuyết để cho Thần núi hoặc Ma núi dẫn dắt linh hồn hoặc để tránh dã thú báo thù lại không ổn. Treo lên lại còn mong cho quan tài rơi xuống, trôi theo dòng nước, ngụ ý mà người được treo quan tài gửi gắm là như thế nào thì vẫn chưa rõ.

Gần đây cũng có những người đưa ra cách nhìn nhận khác, họ cho rằng tục táng treo là sự tôn thờ các vị anh hùng, chỉ những anh hùng tử trận mới được táng treo, mục đích là để khi chết đi họ vẫn tiếp tục canh giữ bảo vệ cho đất đai sông núi, không cho kẻ thù xâm phạm. Lại còn có những người cho rằng chỉ có các thủ lĩnh như vua và tù trưởng mới được thực hành tục táng treo. Treo quan tài của họ trên các vách núi cheo leo để khi chết đi họ vẫn cúi xuống nhìn đất đai sông núi mà mình từng thống trị. Nhưng thuyết này vẫn không có chỗ trụ vững, bởi vì ở những nơi có nhiều quan tài treo, số quan tài san sát nhau trên vách núi đếm không xuể, chẳng lẽ lại có nhiều anh hùng hoặc vua và tù trưởng đến vậy? Nếu cuối cùng vẫn là mong cho quan tài rơi xuống trôi theo dòng nước, thì các thuyết để các anh hùng khi chết đi vẫn tiếp tục canh giữ bảo vệ cho đất đai sông núi, hoặc các vua và tù trưởng chết đi vẫn cúi xuống nhìn đất đai sông núi mình từng thống trị cũng không ổn.

Làm sao treo quan tài nặng trĩu trên vách núi cao?

Còn một câu hỏi nữa là làm sao mà chuyển được những chiếc quan nặng trĩu như vậy lên vách núi cheo leo? Về câu hỏi này chỉ thấy một bộ sách tên là “Triều dã thiêm tải” do Trương Trạc là người đời nhà Đường viết là có nói: “Tự sơn thượng huyền sách hạ cữu”. Có nghĩa là từ trên núi dùng thừng buộc quan tài thả cho rơi xuống chỗ đã dự định. Song thao tác cụ thể như thế nào thì không thấy tả chi tiết, cho nên hiện rất khó làm rõ vấn đề. Người ta chỉ có thể hình dung được chuyện đưa quan tài treo lên vách núi cheo leo ở thời xưa chưa có thiết bị máy móc hiện đại, toàn dựa vào sức người nên chắc chắn là hết sức gian nan và nguy hiểm.

Trên vách núi cao chênh vênh mây mù bao phủ, những chiếc quan tài trầm mặc trăm ngàn năm vẫn đắm chìm trong lớp sương mù dày đặc, dường như chúng cũng đang chờ đợi, chờ đợi tới cái ngày mà điều bí ẩn của bản thân mình cuối cùng sẽ được khám phá.

Trung Thuần(Theo tư liệu nước ngoài)
theo bee

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc