Home » Khám Phá, Khoa học » Phát hiện quần thể mộ táng nghìn năm của cư dân Sa Huỳnh

Khu mộ táng được các chuyên gia khảo cổ phát hiện ở thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) nằm cách điểm khai quật cũ ở thung lũng sông Tang khoảng 5 km đường rừng.

Kết thúc giai đoạn 1 khai quật khảo cổ ở xã Trà Xinh vào cuối tháng 3, các chuyên gia khảo cổ mở rộng phạm vi khai quật ở thung lũng sông Tang thì phát hiện thêm quần thể mộ táng quy mô lớn của cư dân Sa Huỳnh xưa. Nhiều khu mộ táng được phát lộ cách mặt đất khoảng một mét, cách mép nước sông Tang 2-5 m.

Trao đổi vớiVnExpress.netsáng nay, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, cán bộ bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho biết: “Khu mộ táng có niên đại hơn 2.000 năm nằm san sát dưới bãi bồi thung lũng”. Theo tiến sĩ Khôi, khu cư trú có tầng văn hóa với mật độ gốm khá dày đặc. Nhiều khả năng số lượng mộ táng của cư dân Sa Huỳnh nhiều hơn điểm khai quật khảo cổ thôn Trà Veo 2, Trà Veo 3, xã Trà Xinh trước đó. Tiến sĩ Khôi nhận định, sở dĩ nơi đây có nhiều khu mộ táng là vì bãi bồi gần sông nước, điều kiện cư trú lý tưởng để cư dân Sa Huỳnh thời tiền sử sinh sống đông đúc.

Khu mộ táng của cư dân Sa Huỳnh xưa vừa được khai quật ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín
Khu mộ táng của cư dân Sa Huỳnh xưa vừa được khai quật ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín


Việc khai quật di tích khảo cổ khu vực này đang chịu nhiều áp lực về thời gian.Trước đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật khảo cổ học ở thung lũng sông Tang đến ngày 15/5 mới kết thúc. Tuy nhiên, ngày 30/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Ngãi đốc thúc giải phóng lòng hồ chứa nước Nước Trong để bắt đầu chặn dòng công trình này vào ngày 5/4 tới.Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã kiến nghị tỉnh có ý kiến với Bộ Nông nghiệp xin tạm hoãn thời gian ngăn dòng để đảm bảo khu vực công tác khai quật khảo cổ tại khu vực lòng hồ đúng theo kế hoạch ban đầu.

“Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định bắt đầu ngăn dòng từ ngày 5/4 tới thì việc khai quật khảo cổ ở thôn Tre không thể kịp. Khi nước dâng lên sẽ gây ngập phá hủy toàn bộ di tích, di vật đã được phát hiện và đang khai quật ở địa điểm mới”, tiến sĩ Khôi lo lắng.

Sau hai tháng khai quật khảo cổ giai đoạn 1 ở thung lũng sông Tang thuộc địa phận thôn Trà Veo 2, Trà Veo 3, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện gần 20 mộ nồi, mộ vò và mộ chum có niên đại sớm nhất là hơn 4.000 năm, muộn nhất hơn 2.000 năm. Hiện vật được tìm thấy gồm các công cụ bằng đá như: rìu mài lưỡi, pôn răng trâu, bàn mài, công cụ ghè đẽo…, trong đó hiện vật có niên đại lên đến 10.000 năm. Ngoài ra còn có các hiện vật đồ sắt gồm: dao, đục, giáo…; đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai hai đầu thú tìm thấy trong mộ táng; đồ gốm các loại: nồi bát bồng, bình, vò, chum…có niên đại hơn 2.000 năm.


Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc