Home » Kinh doanh » Doanh nghiệp nhỏ và vừa đói vốn
Hiện mới có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Lãi suất cho vay lên tới 27% khiến doanh nghiệp chỉ còn biết “cố đấm ăn xôi” để hoạt động cầm chừng.

Theo nghiên cứu của VCCI, có đến 75% doanh nghiệp muốn tìm vốn bằng hình thức vay ngân hàng, nhưng thực chất không phải đơn vị nào cũng tiếp cận được. Tại buổi tọa đàm “Giải pháp vốn cho doanh nghiệp” tổ chức ngày 10/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, tiếp cận vốn đang là một trong những rào cản chính cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Lộc, đa số những doanh nghiệp lớn, có uy tín, thương hiệu mới đáp ứng được những yêu cầu của ngân hàng.

Đa số các chuyên gia cho rằng, mức lãi suất trần huy động vốn của ngân hàng Nhà nước là 14% mỗi năm nhưng một số trường hợp đã phá rào nâng lên 15%-19% mỗi năm, kéo theo lãi suất cho vay lên 20-22%. Thậm chí một số ngân hàng còn đặt ra nhiều loại phí, khiến lãi suất có thể lên tới 27%.

Ảnh: Hoàng Hà
Chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Lộc cho biết, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây cũng khẳng định, chỉ có khoảng một phần ba doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, số còn lại khó tiếp cận hoặc không tiếp cận được. Không ít doanh nghiệp cho rằng, thủ tục các ngân hàng đặt ra quá sức với họ, thậm chí ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có rất ít số doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay.

Ông Lộc nhấn mạnh các kênh huy động vốn như cổ phiếu, trái phiếu chưa phát huy đúng mực. Thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn quan trọng nhưng việc phát hành cổ phiếu ồ ạt khiến thị trường chứng khoán bị bội thực nguồn cung. Lãi suất ngân hàng lại quá cao khiến doanh nghiệp chỉ còn biết “cắn răng chịu đựng”.

Trong quý một, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá nông sản tăng gấp 2-3 lần cùng kỳ. Cùng một số lượng hàng hóa như năm ngoái nhưng doanh nghiệp cần vốn gấp đôi để thu mua. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn kép. Trong khi các chi phí đầu vào đang tăng cao khiến doanh nghiệp sống dở chết sở thì ngân hàng giảm mức tăng trưởng tín dụng từ 45% xuống còn 16%.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Bá Ân, Phó viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho hay, ngân hàng quy định doanh nghiệp phải có vốn đối ứng 30%, khiến doanh nghiệp lao đao. Hạn mức tín dụng giảm trong khi nhu cầu vốn tăng lên khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp chấp nhận vay vốn giá cao nhưng với lãi suất ngất ngưởng, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Hiệu trưởng trường đạo tạo nhân lực Viettinbank kiến nghị, Chính phủ cần phải xem xét bằng mọi cách giảm lãi suất đầu vào cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cần có có có chế tài xử lý những ngân hàng lách luật. “Trong khi lạm phát tháng 5 nguy cơ lên tới 2,2%, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ vốn cho ngân hàng thương mại và xử phạt nghiêm với những trường hợp huy động vốn vượt trần”, bà Mùi kiến nghị.

Hoàng Lan

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc