Home » Giải trí, Thời Trang - Điện Ảnh » Giờ Vàng phim Việt hay thảm hoạ phim Việt?

Hàng loạt bộ phim không đủ chất lượng cứ tiếp tục chiếm sóng giờ Vàng. Phải chăng vì chạy cho đủ định mức 30% phim Việt phát sóng mà càng ngày, những bộ phim được Đài Truyền hình Việt Nam trình chiếu càng biến “giờ Vàng” thành giờ “thảm hoạ”.

Khán giả liên tiếp bị ’tra tấn’

Không nhắc đến những thành công vang dội của phim truyền hình từng có thời giành huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993. Chỉ cách đây chục năm, những bộ phim truyền hình phản ánh cuộc sống xã hội lúc bấy giờ được làm khá tốt như Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu…sau đó là những “Chạy án”, “Ma làng”, “Luật đời”… Khán giả, thậm chí đã mong chờ đến giờ chiếu những bộ phim đó để xem. Thế nhưng, càng ngày, phim Việt càng làm khán giả truyền hình thất vọng. Hơn 10 năm sau, những tưởng, phim Việt sẽ có những bộ phim sau hay hơn phim trước. Nhưng sự thật thì những bộ phim truyền hình ngày càng quá dở, quá tệ.

Poster phim “Lời thú nhận của Eva” đang chiếm sóng giờ Vàng

Nếu như cách đây vài năm, chiếm sóng giờ Vàng là những bộ phim dở về nội dung nhưng vẫn còn được làm cẩn thận, nghĩa là diễn viên, đạo diễn còn làm việc thật sự. Ví dụ, “Vòng nguyệt quế”, hay “Những người độc thân vui vẻ”… từng bị chê là không sát với đời sống, kịch bản đơn điệu, nhưng các diễn viên vẫn làm việc nghiêm túc. Điều đó vẫn thể hiện sự tôn trọng khán giả, còn ngày nay, những bộ phim chiếm sóng giờ Vàng thể hiện một cách làm phim cẩu thả, coi thường trình độ thưởng thức của người xem.

Khán giả có lẽ khó mà cảm thông với nhà đài khi những bộ phim ngày càng dở cứ nối đuôi nhau lên sóng. Giọt nước tràn ly khi thảm hoạ “Anh chàng vượt thời gian” chễm chệ chiếm sóng đến 18 tập và khán giả đã không thể im lặng lâu hơn nữa. Bộ phim bị dừng chiếu, khoan nói đến nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên cũng như kịch bản phim, vấn đề kiểm duyệt trước khi phim lên sóng là điều đáng bàn. Vì sao một bộ phim nhạt nhẽo, rời rạc, diễn viên nhập vai chỉ dừng ở mức độc thoại… lại được chiếu đến tận 18 tập gây lãng phí thì giờ của khán giả.

Cùng với đó, bộ phim nhảm nhí và nhạt nhẽo “Xin thề anh nói thật” vẫn cứ chễm chệ trên sóng giờ Vàng. VTV dường như chưa rút được bài học gì khi lại tiếp tục thay một bộ phim quá dở bằng một bộ phim…vẫn dở. “Lời thú nhận của Eva” là một minh chứng nữa của cách làm phim dễ dãi, của cách duyệt phim quá đơn giản của nhà đài.

Khán giả không thể hiểu nổi, bộ phim “Xin thề anh nói thật” muốn truyền tải thông điệp gì. Các nhân vật cả chính và phụ đến các tình tiết chuyện đều vừa giả vừa lố. Trong phim không hề thấy bóng dáng của những người trưởng thành, dù họ đều là người lớn. Các nhân vật dường như đều bị “ngớ ngẩn hoá”. Cô người mẫu ngu ngốc đến mức cứ nghĩ đi máy bay là có khủng bố, bong bóng kẹo cao su vỡ cũng tưởng nổ bom. Anh chàng nhân vật chính mang tiếng làm ở ngân hàng mà như một kẻ vô công rồi nghề, suốt ngày chỉ lo đối phó với mấy cô tình nhân, thậm chí phải trốn chui trốn lủi. Điều vô lý là cậu chàng này, có một lúc mấy người tình nhưng chỉ để đi chơi, đi ăn uống, chẳng hề có dụng ý lừa đảo để làm gì.

Rồi “Lời thú nhận của Eva”, khán giả tiếp tục phải ngán ngẩm với phim giờ Vàng. Nhân vật chính tên San liên tục rên rỉ trong bất cứ hành động nào, bối cảnh nào khiến người xem cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán. Khán giả phát sốt ruột khi cứ vài phút nhân vật này lại phát là những tiếng rên thể hiện sự bực mình, sự vất vả khi phải vật lộn để chống chọi với cái tính nghịch ngượm, bướng bỉnh của với cậu bé con chủ nhà. Chưa kể những tình tiết, những nhân vật trong phim sao lại giả tạo như thế. Mẹ của nhân vật San- không hẳn ra người ngốc nghếch, không hẳn ra người bình thường, cứ yểu điệu, nửa mùa như cô gái ngây thơ một cách kệch cỡm. Nhân vật cô diễn viên cũng vậy, giả vờ yểu điệu kiêu sa nhưng lại quá giả tạo. Không biết tại sao lại có những kiểu nhân vật như thế? Nếu là dụng ý xây dựng kiểu nhân vật nửa khôn, nửa dại thì cả đạo diễn và diễn viên con quá non tay. Khiến khán giả có cảm giác sống sượng, bực mình. Xem các diễn viên nửa khôn nửa dại của chúng ta mà không khỏi chạnh lòng và so sánh với các diễn viên Hàn Quốc, vì cùng lúc này, nhân vật người cô thần kinh chậm phát triển do bị sốt từ nhỏ nên không khác đứa trẻ trong phim “Sự quyến rũ của người vợ” (phát sóng trên VTV3 lúc 22h30) sao lại có thể thật đến thế! Cùng một lúc, hai bộ phim bị khán giả đánh giá là nhảm nhí chiếm giờ Vàng của kênh truyền hình lớn nhất cả nước thì đúng là thật tội nghiệp cho người xem.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao những bộ phim truyền hình ngày càng dở ấy ra đời ngày một nhiều?

Rơi tự do…xuống đáy

Nếu bắt lỗi phim truyền hình làm dở, sẽ vẫn là các lỗi muôn thủa: Đạo diễn, diễn viên, kịch bản, kinh phí… Có một thời gian, khán giả đã sốc với công nghệ 3-4 ngày làm xong một tập phim dài 50 phút trên truyền hình. Nhưng ngày nay, thời gian ấy lại đủ để làm hai tập phim. Làm phim siêu tốc, kịch bản không chuẩn bị kỹ càng, diễn viên không được đọc trước toàn bộ kịch bản, không được nhập tâm với nhân vật là những nguyên nhân dây chuyền dẫn đến những bộ phim “thảm hoạ” liên tiếp ra đời.

Cách làm phim chộp giựt đang khiến phim truyền hình Việt rơi tự do…xuống đáy (Cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian)

Một trong các nữ diễn viên chính của “Xin thề anh nói thật” đã tâm sự với chúng tôi: “Tôi được thư ký của đạo diễn gọi điện thoại bảo cô ơi ngày mai đến nơi X, nơi Y để quay nhé”. Tôi hỏi: “Quay cảnh gì hả cháu” thì cô ấy bảo: “Cháu không biết””. Không có kịch bản, vừa quay vừa sáng tác tiếp là cách làm phổ biến của các đạo diễn hiện nay”. Nực cười hơn, bộ phim “Anh chàng vượt thời gian” thậm chí còn không có đạo diễn. Đây có lẽ là cách làm phim đáng ghi vào kỷ lục về sự kỳ lạ và hài hước!

Nhưng cũng phải đặt vấn đề ngược lại, vì sao lại sinh ra cách làm phim này?

Phải chăng chính từ cơ chế xã hội hoá? Điểm lại phim truyền hình do các hãng tư nhân làm, chưa có nhiều cái tên để lại ấn tượng trong lòng khán giả.

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn- Phó TBT tạp chí Thế giới Điện ảnh nhận định: “Chúng ta đang “đá” sang sân xã hội hóa và dường như với cái mác xã hội hóa thì ai cũng làm được phim và ai cũng có thể lên truyền hình được”.

Ông Tuấn cũng cho hay, xã hội hoá, nhiều người nghiệp dư làm phim thì chắc chắn phim không thể hay được. Với các nước, một hãng phim tư nhân, phải có từ 15-20 năm kinh nghiệm mới có thể trưởng thành, mới có những bộ phim chiếm được sóng giờ Vàng. Ấy thế mà ở nước ta, các hãng phim làm phim rất nhanh, lại cũng nhanh không kém được lên sóng giờ Vàng. Chỉ cần quan hệ để có doanh nghiệp tài trợ, quan hệ để được nhà đài xếp lịch lên sóng. Phim yếu, phim cẩu thả, phim rẻ tiền, phim giả tạo… phim gì đi chăng nữa, cũng chả ai phạt cả, cùng lắm là lên sóng rồi…dừng.

Nhà biên kịch vốn tự nhận mình là một khán giả khó tính khẳng định: “Nghiêm trọng hơn cách làm này sẽ dung túng chế độ làm ăn chụp giật, những người làm văn hóa mà làm toàn những việc thiếu văn hóa, thiếu đạo đức… thì tôi nghĩ phim truyền hình đang rơi một cách tự do xuống đáy. Để thay đổi cách làm cũng như thời gian các chương trình truyền hình cũng như phim truyền hình khả quan hơn không phải một vài năm mà ít nhất phải vài chục năm sau, vấn đề là điều kiện xã hội tốt hơn lên, chúng ta đang sống trong một xã hội hỗn loạn, tất cả đều làm kinh tế, họ biến văn hóa cũng thành kinh tế thì nói gì đến nội dung và chất lượng. Thứ hai là điều kiện làm việc quá thiếu thốn, phải đầu tư lâu dài. Thứ ba là không phó mặc cho tư nhân, thị trường, và biến văn hóa thị trường này thành cái chợ mà ngay cả những người bình thường nhất cũng không chịu đựng nổi”.

Giới làm phim từng truyền miệng câu chuyện về một vị đạo diễn làm phim cẩn thận quá, bị diễn viên và ê kíp cho rằng “không biết điều”, “làm mất sức của anh em”. “Được huy chương thì ông hưởng chứ chúng tôi được cái gì, xong sớm nghỉ sớm còn làm phim khác”.

Vẫn biết làm phim cũng là một cách làm việc, cũng cần có tiền, có lãi nhưng cách làm phim của chúng ta hiện nay thật đáng báo động. Nếu cách kiểm duyệt vẫn dễ dãi như hiện nay, thì truyền hình chính là thủ phạm tiếp tay cho nạn làm phim “thảm hoạ” tiếp tục ra đời.

Hồng Hà

Theo toquoc.gov


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc