Home » Sức khỏe » Choáng váng vì hàng loạt thực phẩm nhiễm độc ‘cực cao’
Khi vụ thạch rau câu “bẩn” chưa kịp lắng xuống thì trong khoảng hơn một tuần nay, người tiêu dùng lại liên tục choáng váng trước thông tin phát hiện những loại thực phẩm mới nguy cơ nhiễm độc cực cao và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người.

Dồn dập bị phanh phui

Mới đây nhất là việc liên tiếp nhiều thị trường xuất khẩu đã lên tiếng cảnh báo với các lô hàng hải sản từ Việt Nam vì tình trạng nhiễm kháng sinh chloramphenicol. Đây là loại kháng sinh có tác dụng giữ tươi hải sản nhưng lại gây ra tác động có hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, ngư dân, đặc biệt là ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung, ngày càng “chuộng” chất kháng sinh này để bảo quản hải sản được tốt hơn.

Trước đó, vào thời điểm năm 2006 – 2007, nhiều cảnh báo đã lên tiếng về việc hải sản Việt Nam có thể đánh mất thị trường quan trọng là Nhật Bản vì tình trạng dư lượng kháng sinh. Nhiều lô hàng xuất sang nước này đã bị trả về, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Thế nhưng, sau một thời gian được các địa phương tìm mọi cách dập tắt, đến bây giờ thì tệ nạn này lại tiếp tục “nóng” lên. Nhất là trong bối cảnh hàng loạt thức ăn độc hại bị phơi bày như hiện nay thì thực trạng hải sản nhiễm kháng sinh lại càng khiến người dân “điên đầu”.


Thịt heo, một trong những món ăn chủ đạo của người dân đang đối diện với nguy cơ nhiễm độc cao. Ảnh minh họa.

Cũng chịu “thảm cảnh” nhiễm độc như hải sản, thịt heo đang phải đối mặt với nguy cơ bị “vỗ béo” bằng hóa chất rất cao. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Cescon) – Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam ngày 16/6 đã công bố kết quả khảo sát nhanh chất lượng thức ăn chăn nuôi được lấy mẫu tại các cửa hàng, đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn TP HCM và Đồng Nai. Theo đó, thật hãi hùng khi kết quả cho thấy, hàng loạt mẫu thức ăn chăn nuôi đang bày bán tại các cửa hàng đều bị phát hiện chứa chất độc. Đó là chất salbutamol thuộc nhóm chất beta-agonist có tác dụng phụ làm kích động gây co giật, rối loạn nhịp tim, làm giảm kali trong máu… Người chăn nuôi thường dùng chất này để tăng trọng, tăng tỷ lệ thịt nạc của vật nuôi.

Không dừng ở đó, nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang “đau đầu” vì tôm sú bị nhiễm virus gây hoại tử cơ và chết hàng loạt. Điều này khiến các hộ nuôi trắng tay còn doanh nghiệp thì thiếu vốn trầm trọng. Còn với người tiêu dùng thì tuy chưa có cơ quan nào lên tiếng chính thức về ảnh hưởng của dịch bệnh này đến sức khỏe nhưng trong bối cảnh “nhạy cảm” hiện nay thì vẫn đủ để khiến họ hoảng sợ.

Tác dụng đáng sợ!

Cùng với clenbuterol, fluoro-quinolone, chloramphenicol là chất kháng sinh có độc tố cao, chỉ sử dụng với liều nhất định, được quy định rất chặt chẽ và thuộc nhóm kháng sinh hạn chế sử dụng đối với trẻ em vì ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng.

Điều nguy hiểm của việc tôm, cá có chứa dư lượng kháng sinh Chloramphenicol, Quinolon, Fluoroquinolon là: với thành phần rất nhỏ, tưởng như vô hại, nhưng khi người tiêu dùng ăn vào và ăn thường xuyên sẽ dẫn đến hệ quả là cơ thể xuất hiện những loại vi khuẩn đề kháng với kháng sinh. Rồi khi người đó mắc các bệnh nhiễm trùng, phải cần đến chloramphenicol hoặc fluoro-quinolon để điều trị, thì hầu như không có tác dụng.

Tác dụng đáng sợ của chloramphenicol là làm suy tủy. Nếu chloramphenicol vào trong cơ thế người có sẵn bệnh lý gan, thận, hoặc sẵn bệnh lý suy tủy tiềm tàng, rối loạn tăng trưởng sụn xương thì lúc đó khả năng gây độc của loại thuốc này không lường trước được. Ngoài việc dùng phổ biến nhất trong chăn nuôi heo, thủy sản. người ta còn dùng chloramphenicol trong chế biến và bảo quản thủy sản để chống ôi thiu. Từ lâu, các nước trên thế giới đã rất quan tâm đến việc kiểm soát dư lượng kháng sinh này trong thực phẩm, đặc biệt là trong thủy sản. Tại Việt Nam, vào ngày 24/9/2001, Bộ Thủy sản đã có Chỉ thị 071/2001 về việc cấm sử dụng chloramphenicol.

Như vậy, việc sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm, độc hại trong thời gian đầu đã mang lại lợi nhuận cho một số cá nhân, một vài đại lý nhưng khi trở nên phổ biến, rủi ro khôn lường do nó mang lại chắc chắn không chừa một ai, điển hình như trong thời gian qua, từ doanh nghiệp chế biến đến các nậu vựa, tàu cá, cơ sở sản xuất nước đá đều bị thiệt hại vì có mối liên kết với nhau. Vì vậy, khi Việt nam đang ở sân chơi WTO, ngành thủy sản (cũng như một số ngành khác như cà phê, hạt điều, gạo…) có nhiều cơ hội để vươn ra thị trường thế giới, góp phần đẩy nền kinh tế đi nhanh, nên đừng tự mình đánh mất giá trị của thương hiệu khi bị từ chối và có thể bị cấm nhập khẩu.

Một số chất cấm sử dụng trong thực phẩm:

– Foóc-môn ăn vào có thể gây khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, viêm loét dạ dày tá tràng, có khả năng gây ung thư.

– Hàn the ảnh hưởng khả năng sinh sản, thai nhi, gây ngộ độc mãn tính (rối loạn tiêu hoá, chậm chạp lú lẫn, viêm da, thiếu máu, co giật và rụng tóc…). Trẻ em và sơ sinh nếu uống nhầm chất này 1-2g/kgP sẽ chết sau 19 giờ đến 7 ngày.

– Sunfit gây dị ứng.

– Chloramphenicol gây còi cọc, thiếu máu, lờn thuốc…

– Nitrofurans gây độc trên gen di truyền, thiếu máu, lờn thuốc, ung thư…

theo baodatviet


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc