Home » Thời nay, Văn hóa » Trần Huyền Trân và những đóng góp với nghệ thuật chèo
Nhà hát Chèo Hà Nội và Viện Sân khấu Điện ảnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo ghi nhận những công lao của cố đạo diễn Trần Huyền Trân đối với nghệ thuật nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng.

Trần Huyền Trân (1913- 1989), tên thật là Trần Đình Kính, là nhà thơ và nhà hoạt động sân khấu. Từng tham gia phong trào Thơ mới, đến sau Cách mạng tháng Tám, ông lên chiến khu Việt Bắc, làm việc ở đoàn kịch Tháng Tám. Sau 1954, Trần Huyền Trân chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu. Cùng với một số người bạn như Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Nguyễn Đình Hàm… ông đã bỏ tiền túi ra thành lập nhóm chèo Cổ Phong để giữ gìn những giá trị nghệ thuật của dân tộc và đào tạo nghề cho các lớp diễn viên.

Suốt cuộc đời, Trần Huyền Trân dành tâm huyết, tài hoa và công sức góp phần vun đắp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật chèo nói chung, Đoàn chèo Hà Nội nói riêng. Ông không chỉ góp phần sưu tầm, chỉnh lý kịch bản chèo để có những vở diễn mực thước, là niềm tự hào về di sản văn hóa chèo như Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Vân dại…, mà còn trực tiếp sáng tác nhiều vở: Ngôi nhà mới, Người con dâu, Tiếng hát bên nôi, Tạ Thị Kiều, Lửa Hà Nội… Những tác phẩm ông là đồng tác giả như Những cô thợ dệt, Cô Thủy… đến những vở ông đạo diễn: Vườn cam, Thạch Sanh, Bà má vùng cát trắng, Ni cô Đàm Vân, Tú Uyên Giáng Kiều… đã làm dày thêm kịch mục Nhà hát chèo Hà Nội, đồng thời mang ý nghĩa chính trị, thời sự sâu sắc.

Trích đoạn
Trích đoạn “Quan Âm Thị Kính” – vở chèo mang đậm dấu ấn của Trần Huyền Trân.

Về múa chèo, Trần Huyền Trân khẳng định “múa chèo nào đâu có giống các nước bạn Đông Tây. Múa chèo thì mở ngón, duỗi ngón, sinh động cả năm ngón tay như những bông hoa bắt đầu nở hoa hé nhuỵ. Còn múa phương Tây thì múa tay thường khép ngón, múa bàn tay”. Với động tác hình thể ông phân tích: “Để tả một bậc thềm thì người diễn viên chỉ khẽ tay nhấc nếp quần và nhấc chân bước cao lên một bước. Tả mở cửa thì tay tả đẩy then cửa, tay khác mở toang ra”. Những quan sát này của ông cho thấy lối diễn xuất ước lệ, tượng trưng – một số nhà nghiên cứu khác gọi là lối diễn tả ý trong nghệ thuật biểu diễn chèo. Giáo sư Trần Bảng từng khẳng định: “Mất đi tính ước lệ thì không còn nghệ thuật chèo”.

Trần Huyền Trân đã đề cập đến vấn đề phát triển và thể hiện tính cách nhân vật. Theo ông, phương thức diễn tả theo lối tượng trưng, gợi ý sẽ là cơ sở để các nghệ sĩ có những sáng tạo khác nhau trong cùng một vai diễn. Ví dụ: “Có một nghệ nhân múa vừa úp vừa lật ngửa bàn tay để tả tính cách con người đảo điên, nghiêng ngả, trở mặt”. Nhưng cũng có thể có cách thể hiện con người đảo điên, nghiêng ngả, trở mặt bằng những chi tiết, hành động, vũ đạo khác. Điều đó phụ thuộc vào người nghệ sĩ sáng tạo.

Đối với phong trào chèo của thủ đô, Trần Huyền Trân luôn hiện diện như một cây đại thụ. Không chỉ ở Hà Nội, ông còn được giới chèo cả nước suy tôn là bậc đàn anh có kiến thức uyên thâm nối tiếp được dòng chèo từ chèo cổ đến chèo văn minh, chèo Cải lương rồi đến chèo hiện đại. Theo NSƯT – nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh, có thể ví Trần Huyền Trân với danh nhân chèo Nguyễn Đình Nghị vào những năm 1930 dưới thời thuộc Pháp. Cả hai ông đều có tri thức uyên thâm về chèo, vừa là soạn giả kiêm đạo diễn, lại vừa là người chỉ đạo, quản lý nghệ thuật, có những cải cách về chèo, có xu hướng tạo trò diễn. Nhưng tác phẩm của Nguyễn Đình Nghị mang màu sắc hài kịch, còn Trần Huyền Trân có ý thức kế thừa đặc điểm trào lộng trong ngôn ngữ chèo truyền thống.

Bên cạnh đó, rất nhiều gương mặt ưu tú của làng chèo: NSƯT Mạnh Phóng, NSƯT Thanh Trầm, NSƯT Mạnh Thường, nghệ sĩ Thanh Tâm, Quí Bôn, NSƯT Quốc Chiêm, NSƯT Thúy Mùi, NSƯT Lan Anh, NSƯT Mai Hương, NSƯT Diễm Lộc, NSƯT Thanh Trầm đều trưởng thành dưới sự dìu dắt của cố đạo diễn Trần Huyền Trân từ những vai diễn đầu tiên.

Năm 2007, soạn giả Trần Huyền Trân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Ngọc Trần
Ảnh: Ngô Kan

Theo vnexpress


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc