Mặc dù ảnh hưởng đô thị hóa mất nhiều diện tích đất canh tác và thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống, nhưng người nông dân Việt Nam vẫn quẳng gánh lo đi và đón Tết Quý Tỵ.
Người trồng tiêu ăn Tết lớn
“Tháng giêng là tháng ăn chơi, Tháng hai trồng đậu, trồng khoai trồng cà…” Câu ca dao này ai cũng thuộc nằm lòng, nhưng người nông dân Việt Nam ngày nay chẳng có thời gian an nhàn mà ăn chơi cho hết tháng giêng. Ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân, người bạn gần gụi của người trồng cà phê, trồng tiêu ở Tây Nguyên nhận xét:
“Riêng đối với người trồng cà phê mà rơi vào đợt họ đang tưới, buộc họ phải tưới thì cũng nghỉ được những ngày ba mươi, mùng một, mùng hai. Ba ngày đó chắc chắn người ta nghỉ được, còn lại thì có thể tùy theo từng vùng, do nước thiếu thì họ phải ra quân tưới sớm. Nhìn chung với nông dân bình thường người ta vẫn có thời gian nghỉ ngơi tương đối rỗi rảnh hơn các ngành nghề sản xuất khác.”
Ăn Tết lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc thành quả một năm lao động cật lực, điều này cũng chẳng khác đối với nông dân Tây nguyên. Ông Nguyễn Vịnh nhận định, năm nay có lẽ người trồng tiêu ăn Tết tưng bừng nhất, vì họ đã bán được giá cao lời nhiều và liên tục trong vài ba năm qua. Còn lại nông dân trồng cà phê, trồng trà hay cao su tiểu điền thì chỉ giữ được thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Vịnh vừa là người trồng cà phê vừa là nhà tư vấn miễn phí cho nông dân Tây nguyên nói về ngày Tết của gia đình ông:
“Một chậu hoa mới mừng xuân, cũng bánh chưng dưa hành rồi mứt, hạt dưa… các thứ đầy đủ không thiếu gì hết… thực sự cái thú ba mươi Tết đùm bánh tét hay gói bánh chưng, vừa gói vừa trông bên nồi bánh chưng chờ sáng… thì nay không còn nữa.”
Về mặt phong tục tập quán ngày xuân, người nông dân Tây nguyên vui Tết thế nào. Theo ông Nguyễn Vịnh, một phần lớn nông dân Tây nguyên là từ những vùng miền khác trên cả nước di cư về nên họ vẫn giữ phong tục tập quán của nơi quê cũ, nhưng phần “lễ” họ giữ được tốt riêng phần “hội” thì đối với họ đơn giản hơn. Vì ở Tây nguyên điều kiện tự nhiên không thích hợp, thiếu đền chùa miếu mạo thì không thể có những lễ hội như khi họ còn ở vùng quê cũ của mình. Về sinh hoạt ngày xuân của nông dân Tây nguyên, ông Nguyễn Vịnh mô tả:
“Đi thăm bạn bè, vui chơi xuân ngày Tết có thể tham gia tụ điểm văn hóa văn nghệ, thậm chí các tụ điểm vui chơi giải trí như hội chợ xuân… Tuy nhiên mức độ không như ngày xưa, bởi vì hình như cuộc sống bây giờ hiện đại hơn cho nên việc duy trì tập quán dân tộc cũng có phần đơn giản hơn. Ví dụ đi thăm nhau ngày Tết người ta có vẻ vội vàng hơn, không có thời gian ngồi bên nhau lâu hơn hay nhâm nhi ly rượu mừng xuân nó cũng hạn chế hơn. Có lẽ do lượng người đông hơn đi ra đường phương tiện xe cộ ồn ào hơn, cho nên mọi chuyện càng ngày càng đơn giản. Nhưng từng gia đình một thì vẫn tụ tập với bữa cơm đầu xuân đầu năm anh em bà con tụ tập chúc tụng nhau…”
Giàu nghèo gì cũng đón Tết
Xa hơn về phía nam ở đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân Nam bộ chất phác mộc mạc ‘một năm có ba ngày Tết’ giàu nghèo gì cũng đón Tết. 26-27 Tết còn xuống ruộng để trông chừng sâu bệnh hại lúa rồi nghỉ tới mùng 6 Tết mới ra đồng lại. Nhiều nơi lúa đông xuân phải ra giêng hoặc chậm hơn nữa mới thu hoạch, nên đã phát sinh nhu cầu ứng trước thực phẩm hàng hóa tiêu dùng ngày Tết. Một nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên phát biểu:
“Gần Tết những người buôn bán bánh mứt kẹo, hàng hóa có việc bán cho nông dân mình ăn qua Tết mới tính. Ở thôn quê mình nó không như ở thành thị có tiền mới mua mới ăn được, như thôn quê mình thì có cách rất dễ, thí dụ anh mua bất cứ vật gì người ta nôm na hạ nêu mới trả, còn chỗ em thì gặt lúa xong mới thanh toán. Cũng vui vẻ như mọi năm gọi là ăn trước trả sau.”
Người nông dân Nam bộ lạc quan và phấn khởi với ngày Tết nói rằng thôn quê không quen rượu tây, người khá giả thì mua bia còn thông thường là rượu đế. Nhưng một thứ không thể thiếu là cờ bạc cầu may những ngày đầu năm âm lịch.
“Nhà nước mình cũng quan tâm cho vui vẻ ba ngày Tết, người thì xả xui người thì cầu may… bầu cua cá cọp, đánh bài hoặc đá gà có tiết mục nào vui vẻ là cứ chơi… nông dân ít tiền thì chơi ít, người ta nhiều tiền thì chơi nhiều, bữa 30 Tết, mùng một mùng hai là rồi trong vòng ba ngày thôi… mùng ba mùng bốn là bắt đó.”
Trong khi đó một nông dân nuôi thủy sản ở Đồng Nai mô tả sinh hoạt ngày xuân của bản thân và gia đình có phần kéo dài hơn với chương trình đi du lịch đầu năm.
“Tết thì dưa kiệu củ hành, thịt cá…chỗ em làm đây có tôm cua thì em cũng để dành
một khoản. rồi anh em lại thì cũng làm sương sương chơi, chúc tụng mấy ngày Tết. Năm nay nghỉ Tết tới mùng 9 tháng Giêng âm lịch, mùng một, mùng hai, mùng ba thì ở nhà để anh em có tới nhà đốt nhang cho ông bà, xong rồi mùng bốn tới mùng bảy, mấy anh em góp lại đi ra Vũng Tàu hay vô Saigon chơi.”
Ở Huyện Tiên Lãng Hải Phòng miền Bắc Việt Nam, một điểm thời sự nóng từ lâu nay qua vụ Tiếng súng Hoa cải Đoàn Văn Vươn, nhưng phong tục tập quán ngày Tết vẫn được nông dân gìn giữ bên cạnh việc sản xuất. Ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội thủy sản nước lợ Tiên Lãng nói rằng điều ông trông mong là 3 anh em ông Đoàn Văn Vươn sẽ được cứu xét nguyện vọng tại ngoại hầu tra. Ông Luân tiếp lời:
“Mùng một tết cha mùng ba tết thầy thì phong tục thường có của Việt Nam. Thăm viếng anh em bạn bè, cậu cô bá dì để chúc mùa xuân mới an khang thịnh vượng, trừ tai trừ ách, tai qua nạn khỏi năm mới tốt lành hơn năm qua.
Dân nuôi trồng thủy sản chúng tôi hầu như không có ngày nào ngưng vì nó liên quan đến con nước, thời vụ. Những ngày cận Tết, ngày ba mươi mùng một theo kinh nghiệm các cụ để lại là thời gian cá tôm vào bờ sinh sôi nẩy nở rất nhiều. Cho nên chúng tôi phải trực đêm những ngày đó để tôm cá, ấu trùng tôm cá vào trong đồng, chúng tôi gọi là mùa cấy.”
Việt Nam có 3/4 dân số sống ở vùng nông thôn, nói tới ngày Tết của nông dân là đề cập tới hàng chục triệu hộ nông dân những người có mức sống thấp nhất Việt Nam. Nếu cho rằng vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông thôn giàu có nhất, thì cũng sẽ bất ngờ với số liệu thống kê. Hiện nay thu nhập trung bình của nông dân trồng lúa ở mức 316.000đ/tháng, thấp hơn cả ngưỡng nghèo qui định là 400.000 đồng/tháng và khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị là 9,2 lần theo thống kê năm 2011. Người nông dân Việt Nam thật nhẫn nại cần cù khi họ phải nuôi cả đất nước, xin có những lời chúc năm mới tốt đẹp nhất, một năm Quý Tỵ được mùa được giá cho các bạn nông dân.
Nam Nguyên
Theo rfa
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!