Home » Thời nay, Văn hóa » Táo quân: Thiên đình là cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn

“Táo quân đã đuối sức. Âm nhạc sao chép cẩu thả, mạnh ai người ấy diễn, tha hồ hát chế, tạo ra nhiều chi tiết tục tĩu, coi Thiên đình như cái chợ, coi Ngọc Hoàng chỉ là vị thần bù nhìn“.

 

Nhà viết kịch Chu Thơm, người có nhiều trăn trở với ngành nghệ thuật biểu diễn đã bày tỏ sự lo lắng về chương trình Táo quân 2013 của VTV.

Sau 9 năm phát sóng, chương trình hài kịch Gặp nhau cuối năm Táo Quân đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn cho hàng triệu khán giả vào đêm 30 Tết.

Đến hẹn lại lên, chương trình Táo quân lần thứ 10 sôi sục dư luận trong những ngày cận Tết nguyên đán 2013. Không chỉ tò mò về nội dung và hình thức thể hiện, mà chương trình năm nay còn dính những ồn ào liên quan tới việc có thể bị ngừng phát sóng.

Trước những luồng dư luận ấy, nhà viết kịch Chu Thơm, người có nhiều trăn trở với ngành nghệ thuật biểu diễn đã gửi đến VTC News những nỗi lo lắng về chương trình đã trở thành thương hiệu này.

Sự kì vọng và thất vọng của khán giả

Táo quân 2013 – chương trình của VFC vừa tròn 10 tuổi, được khán giả chờ đợi mang lại những phút thư giãn sau một năm bươn chải mưu sinh.

Được dự kiến phát sóng trên truyền hình vào 20h đêm Giao thừa (9/2) năm nay lại càng được chờ đợi vì đã “dậy sóng” ngay từ ngày mồng 1 tháng 2.2013 sau khi bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) kết luận đây là chương trình “còn nhiều chi tiết tục tĩu, thô thiển”, nên đã cho dừng việc phát hành băng đĩa, thậm chí còn có văn bản gửi thẳng cho Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam “yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về nội dung tư tưởng của chương trình Táo quân 2013 trước khi phát sóng trong đêm 30 Tết tới đây”

Công văn của Cục NTBD ngay lập tức làm nảy sinh ý kiến trái chiều của khán giả: Những ý kiến không đồng tình cho rằng, Cục NTBD quá khắt khe vạch lá tìm sâu, gây khăn với chương trình.

 

Táo quân: Thiên đình là cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn
Liệu Cục NTBD có quá khắt khe?

 

Ý kiến của khán giả (ilicomE-01/02/2013):“Cục NTBD có suy nghĩ quá tiêu cực. Các bác làm việc để phục vụ cho công chúng những tiết mục nghệ thuật có nội dung phong phú và lành mạnh nhất, ai cũng biết điều đó. Nhưng với chương trình Táo Quân cuối năm của đài THVN các bác nói chương trình này tục tĩu, thô thiển và phản cảm là hoàn toàn không được.

Một năm chỉ có một ngày để toàn bộ nhân dân nhìn vào bức tranh đời sống và ngắm mình trong đó, có những gì sai, có những gì chưa đúng thì dựa vào đó mà tu tâm sửa đổi. Càng thô, càng tục thì càng gây ấn tượng mạnh và phản ánh được độ chân thực của đời sống thực tại.

Nếu chương trình Táo quân mà quá hoàn mĩ, không có điều chê toàn khen thì Táo quân không còn là Táo quân nữa. Đấy chỉ là ý kiến của riêng tôi về vấn đề này, nếu mà càng bác càng làm căng thì chỉ có nhân dân giận và ghét các bác mà thôi”.

Khán giả (ht) viết: “Nản. Tôi yêu Táo Quân- 01/02/2013: Thật đáng buồn! chương trình táo quân là sự chờ đợi của toàn nhân dân Việt Nam thế mà bây giờ xảy ra chuyện như vậy lại công khai lùm xùm trên báo chí bên cạnh đó những diễn viên hài đã phơi bày sự thật để nhân dân nhẹ lòng thì bị cho là vi phạm…

Là một công dân Việt Nam tôi chỉ mong chờ để được xem một Táo Quân theo đúng nghĩa như bao nhiêu năm qua… phản ánh những sự kiện chính diễn ra trong năm, vậy mà Cục nghệ thuật và báo chí đè dập, làm mất hình tượng của Táo quân… dù sao thì bản thân tôi và toàn thể nhân dân VN vẫn luôn ủng hộ Táo quân”.

Nhưng phần lớn dư luận đồng tình với Cục và cho rằng:Tôi nghĩ Cục NTBD làm việc có trách nhiệm, nên dừng chương trình này lại để trau chuốt lại nội dung (dao cong hieu – 21:43 01/02/2013)

Hoặc: “Phải kiểm duyệt chứ, không các ông làm loạn lên, Cười cũng phải đúng nơi đúng chỗ, chứ cười bậy bạ thì khác gì sân khấu hài rẻ tiền” (Trần Minh Trung – 17:03 01/02/2013)

Mỗi năm mới chương trình lại trở nên nhàm chán.- 01/02/2013 (lê minh)

Càng xem càng thấy chán. Mấy ông đạo diễn hết ý tưởng mới về kinh tế xã hội rồi sao. Vẫn những gương mặt ấy nhưng diễn xuất đi xuống về ngôn từ, về phục trang… Tóm lại nên chấm dứt thì hơn. (kitaro833)

Hoặc: “Mình thấy bộ VHTTDL làm vậy là đúng. Đạo diển kém quá, làm ra đề tài thiếu suy nghỉ, không học thức tý nào” (anhduong_1981); hoặc: “Nói gì thì nói, vẫn cần phải hợp lý, đúng với thuần phong mỹ tục. Nếu hài mà dễ dãi quá thì sẽ thành nhảm. Thắt chặt việc này cũng có lợi vì khán giả còn có cả các cháu nhỏ, tương lai của đất nước (vukhanhngoc_1412 – 00:34 02/02/2013).

 

Táo quân: Thiên đình là cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn
Táo quân đã trải qua 9 năm phát sóng

 

Về nội dung và chất lượng nghệ thuật của chương trình, khán giả cho rằng:

Tào lao – Tui nói thật, chương trình này chỉ dành cho khán giả phía Bắc. Từ Đà Nẵng trở vô khán giả chả thích xem đâu. Nội dung cứ lặp đi, lặp lại, cách biểu diễn hài các vùng miền làm tôi chán ngấy. Cho xem tôi cũng không thèm. Dẹp đi! (Nguyễn Song Toàn 01/02/2013),

Hoặc: Tự do quá trớn!- Từ chính sách tự do ngôn luận, tự do báo chí… mà một số chương trình truyền hình của VN có nội dung quá lố, phản cảm, kiểu chọc cười rẻ tiền, vi phạm một số qui định về luật…

Chương trình “táo quân” mấy năm nay chủ yếu cóp nhặt mấy vấn đề nóng về thời sự của đất nước, chắp vá thành một vở hài kịch “hổ lốn”, không có tính giáo dục cao mà chỉ dừng ở mức “đâm bị thóc, chọc bị gạo”… Các diễn viên thì không có gì mới mẻ, quá quen với cách diễn xuất nhàm chán, đặc biệt là diễn viên nữ…

Đã đến lúc nên dừng dạng tuyên truyền kiểu này rồi đó (kiểu một thời của chuyện trong nhà ngoài phố?!) (biên cuong 01/02/2013:)

Hoặc: Chương trình này năm nào cũng như năm nào, phản ánh xã hội hoài. coi chán phèo. sao ko chịu sáng tạo nhĩ. ví dụ như nói vè con đường giang nan của ông táo về trời. hay là dựng chuyện cổ tích táo quân cũng được. như vậy còn đỡ…(tranduyphuc – 23:09 01/02/2013)

(Các ý kiến của độc giả mà tôi trích dẫn ở trên được đăng tải trên VTC News và một số trang, diễn đàn lớn khác).

Thậm chí có người còn bức xúc: cho rằng: Đây là chương trình nhảm nhất cùa VTV trong năm.

Trước dư luận ấy, một nghệ sỹ tham gia chương trình ấy đã viết một bức tâm thư ngập nước mắt, ca ngợi vị tổng đạo diễn chương trình người nắm giữ và thổi hồn, sự hấp dẫn trong sáng tạo cho tất cả các Táo, đồng nghĩa với mọi mảng của xã hội, thương cảm ông tử vì nghệ thuật sụt mấy kí thịt vì hàng tháng nay không ngủ cũng như khẳng định: Táo Quân năm nay vẫn hay!.

Là một khán giả theo rõi Táo nhiều năm nay, tôi nhận thấy: Táo quân có những lợi thế sau:

Đây là chương trình hài không kén khán giả và dễ xem và được quảng cáo từ khi lên ý tưởng. VFC đã có kinh nghiệm 10 năm làm chương trình. Trong các nghệ sỹ diễn viên tham gia Táo quân, có một số người có tài và có tâm, rất nhiệt huyết với chương trình.

Thời điểm phát sóng của chương trình là “Giờ vàng của các giờ vàng” 20 giờ ngày 30 Tết khi các gia đình đã kết thúc cúng tất niên và còn những 4 giờ nữa mới đến cúng giao thừa, cho phép các bà, các chị được thảnh thơi sau một ngày vất vả, các đấng mày râu sau một ngày trà dư, tửu hậu lâng lâng muốn thưởng thức chương trình hài đầy hứa hẹn.

Thiên đường như cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn

Nhưng đi liền với lợi thế luôn là nhược điểm và những áp lực.

Nhược điểm lớn nhất, đó là “căn bệnh trầm kha”: Dàn diễn viên quá quen mặt, 9 năm vẫn vậy. Diễn viên thủ vai nào vẫn là vai ấy, không thay đổi: ăn nói buông tuồng, hát chế tùm lum, dung tục, khiến nhiều người còn thẳng thắn nói rằng Táo quân bị ảnh hưởng của Văn hoá Sờ Ti Cô của FPT, thứ văn hoá bị báo động đỏ về phông văn hoá và từng bị nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu mắng: FPT là một lũ mất dạy!

Vì vậy, áp lực lớn nhất của chương trình là sự kỳ vọng của khán giả về một chương trình mới mẻ, mang đậm tính nhân văn, là món ăn tinh thần bổ ích, tạo cho khán giả tinh thần lạc quan, phấn khởi trước giờ phút chuyển giao của năm cũ và năm mới buộc mỗi Táo quân luôn phải vượt lên chính mình, làm mới mình nếu không sẽ bị khán giả la ó đây là tấn tuồng đã cũ, sáo mòn.

Bên cạnh áp lực ấy, năm nay Táo quân của VFC còn bị một áp lực rất lớn là bị Táo quân của VTC do NSND Khải Hưng nguyên là Giám đốc VFC, là bậc tiền nhiệm và đàn anh của đương kim Giám đốc VFC, người rất lắm chiêu trò dàn dựng, đi tắt đón đầu và để khán giả có cơ hội so sánh hai Táo của hai kênh.

 

Táo quân: Thiên đình là cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn
Liệu Táo quân 2013 có thể hấp dẫn?

 

Khi được hỏi: Liệu Táo quân 2013 có hấp dẫn? Tôi có thể không ngần ngại trả lời rằng: nó vẫn mang họ Vũ và tên Cẫn, nghĩa là Vẫn như cũ và đã đuối sức trên quãng đường dài 10 năm. Bởi vì nó vẫn là bản cũ lặp lại, vẫn Nói chuyện cũ bằng cách cũ. Cách này khả năng hay rất ít, khả năng bị khán giả la ó “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” là nhiều.

Chắc chắn vẫn như 9 năm về trước khâu yếu nhất của Táo quân vẫn là kịch bản. Kịch bản là bột mà vẫn cứ dùng cái thứ bột cũ.

Táo báo cáo Ngọc Hoàng nhằm phản biện xã hội, nêu những hiện tượng cả tốt lẫn xấu ở hạ giới nhưng ở đây chỉ có hiện tượng xấu, người xấu nên hạ giới tràn ngập điều xấu, điều ác thì thứ bột bột không ngon ấy không thể cho hồ tốt. Và vẫn là tấu hài tập thể kết hợp với nhảy múa.

Âm nhạc sao chép cẩu thả, mạnh ai người ấy diễn, tha hồ hát chế, tạo ra nhiều chi tiết tục tĩu, coi Thiên đình như cái chợ, coi Ngọc Hoàng (mà họ thường gọi một cách buông tuồng là anh – anh Hoàng) chỉ là vị thần bù nhìn, ngu ngơ, không có uy.

Và nếu cứ thừa tự tin, giàu trí tưởng bở mà không có khát vọng làm mới mình, không chịu lắng nghe ý kiến đánh giá của khán giả về, không có sự đầu tư khâu quan trọng nhất từ giữa năm: Kịch bản, theo hình thức đấu thầu mà vẫn cứ tự biên, tự diễn thì sang năm 2014, 2015 và các năm sau nữa, cho dù mời Trương Nghệ Mưu sang đạo diễn thì Táo quân vẫn sẽ còn tiếp tục bị các cơ quan quản lý văn hoá tuýt còi và là gây thất vọng cho khán giả.

 

 

 

theo vtc


3 ý kiến dành cho “Táo quân: Thiên đình là cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn”

  1. Phong Phú 07/02/2013

    NGhệ thuật phản ánh thực trạng xã hội mà, vì vậy để người xem hiểu ra được:

    “Thiên Đình là cái chợ, Ngọc Hoàng là bù nhìn”

    Thì đạo diễn và tập thể diễn viên đã thành công rồi đấy.

    Tốt quá!

    Reply
  2. Nếu có ý kiến trái chiều như thế…tại sao ko làm một cuộc khảo sát thực tế trên mạng của nhưng trang báo có uy tín…thử xem đánh giá của dư luận như thế nào…tôi có cảm giác những ý kiến trên chỉ là của những người bị nhột vì đã bị Táo Quân đả kích mà thôi…Cho tôi hỏi các vị…nếu muốn xét về biểu diễn nghệ thuật cho “đúng nghĩa”…thì các “vị” đã làm được bao nhiêu cái “nghệ thuật” rồi…phải biết tính chất của chương trình…phải biết kinh phí như thế nào và công sức cộng tâm huyết của những nghệ sĩ đã tham gia chương trình…muốn xem “nghệ thuật” hấp dẫn thì xem Paris By Night đi…nhưng kinh phí ở đâu ra…ngồi ko đó mà nhiều chuyện!

    Reply
  3. phongtr2n 13/02/2013

    Ông Chu Thơm này cũng là tay trùm phê phán hiện thực xã hội.
    Nay mọi người phê phán xã hội nhiều quá tranh hết phần của ổng nên ông quay qua phê phán mọi người.

    Đánh giá cá nhân tôi.
    Năm nay Táo quân đầu tư chuyên môn cao
    biên kịch hay.
    chương trình Táo quân mỗi giao thừa một lần
    là chương trình đánh giá tổng kết những chưa được của thực trạng Xã hội.
    Vì thế năm nào nó cũng như năm nào thôi.
    Táo quân là đặc sản của người dân.
    Là tiếng nói của người dân muốn nói.
    Nó nói thay cho người dân chúng tôi.
    Chu Thơm biết không ?
    Tôi không biết ông xuất phát từ tâm hay từ túi mà đánh giá chương trình Táo Quân như thế !
    Cái gì gọi là thô thiển
    Cái gì gọi là tục tĩu
    Cái ông làm thì không phải tục tĩu nhưng khi người ta nói về việc làm của ông thì ông lại bảo là tục tĩu ?
    Với một nhà nghệ sĩ. nhà giáo như ông mà lên trang mạng phán bừa thế thì thật mất mặt quá !
    hay ai đó mượn danh của ông ?
    nếu vậy tôi xin lỗi ông từ tấm lòng nhé !

    Reply

Ý kiến bạn đọc