Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Cây cà phê khô hạn giữa Lễ hội hoành tráng
Hạn hán ở Tây nguyên có thể gây mất mùa nghiêm trọng cho vụ cà phê mới giữa khi Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột được mô tả là thành công.

Voi diễu hành tại Lễ hội cà phê lần thứ 4 ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 09 tháng 3 năm 2013. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam

Lễ hội 25 tỷ đồng

Hàng trăm ngàn nông dân Tây nguyên đang túc trực ngày đêm để bơm nước cứu cây cà phê đang khô cháy vì hạn. Cách những đồi cà phê trùng điệp không xa, Thủ đô cà phê Buôn Ma Thuột rực rỡ ánh đèn của Lễ hội Cà phê lần thứ IV. Lễ hội kéo dài 4 ngày kết thúc hôm 12/3 với 280.000 lượt người tham quan. Chi phí cho Lễ hội này được dự kiến khoảng 25 tỷ đồng, một nửa do các tổ chức xã hội đóng góp, phần còn lại là trích từ ngân sách địa phương và Trung ương.

Họ đang chắt, bót, rít, chờ nước, thay vì tưới một héc-ta cà phê chỉ mất 3 ngày bây giờ kéo dài 7-8 tới 10 ngày.
Ô. Nguyễn Vịnh

Ông Nguyễn Vịnh nhà tư vấn cho nông dân Cà phê Tây nguyên nhận định chung về Lễ hội Cà phê 2013 vừa kết thúc:

“Nếu nói tiếng vang đối với thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường thế giới, chắc chắn thông qua Lễ hội này càng biết rõ hơn nữa Việt Nam sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Tuy nhiên lợi ích thực sự đối với người nông dân, qua những lời bàn của báo chí chung quanh những hội nghị bên lề của Lễ hội này thì chưa thấy giải quyết cụ thể được những mắc mướu cho người nông dân và cả cho doanh nghiệp. Gần như là nói đi nói lại thì cũng chỉ hô hào gia tăng sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê. Nhưng vấn đề làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng, cái gia tăng làm ra để bán cho ai, ai tiêu thụ cái sản phẩm gia tăng đó thì cũng gần như lời nói mang tính chất hô hào chứ chưa cụ thể.”

Đáp câu hỏi của chúng tôi là nhìn nhận thế nào về lợi ích của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam phát biểu:

Người dân Đắk Lắk tưới cà phê, ảnh chụp tháng 3 năm 2013. Photo courtesy of giacaphe.com

“Mỗi cách nhìn ở vị trí khác nhau thì người ta nhìn nhận về Lễ hội khác nhau. Quan điểm của chúng tôi là những nhà kinh doanh cà phê thì chúng tôi rất muốn làm sao để ai cũng thấy được giá trị cà phê, ai cũng thấy sự quan trọng của cà phê, ai cũng mong muốn được sự quan tâm của chính phủ nhiều hơn. Chúng tôi cũng muốn nói với các bạn bè thế giới rằng cà phê Việt Nam rất tốt ngon và nhiều điều mà các bạn chưa hiểu được. Mục tiêu của Lễ hội là như vậy, nhưng từ Lễ hội ấy có đáp ứng được mong muốn đó không và trong quá trình đó có những mặt nào áp dụng tốt hoặc chưa tốt, thì cái đó phụ thuộc vào sự bình luận và cách nhìn nhận của những người ở những vị trí khác nhau.”

Chờ nước sông cứu hạn

Những ngày vui của Lễ hội đã qua đi, nhưng trên những đồi cà phê, người nông dân đang cố gắng để chờ sông suối đang cạn kiệt có lúc nào ứa nước ra, để mà bơm lên cứu hạn cho cây cà phê đang cần nước. Nhà tư vấn của nông dân Tây nguyên Nguyễn Vịnh nhận định:

“Giá cả tương đối tốt, đang cao nhất trong vòng 17 tháng trở lại đây. Nhưng tình hình hạn hán làm cho bà con rất lo vì có vẻ trầm trọng hơn những lần hạn hán 2004, 2008. Họ đang chắt, bót, rít, chờ nước, thay vì tưới một héc-ta cà phê chỉ mất 3 ngày bây giờ kéo dài 7-8 tới 10 ngày. Cứ ngồi đợi nước nó rỉ ra được tí nào tưới tí đó, đập thủy điện xả được tí nào thì lại hút tưới tí đó. Gần như hậu quả của việc chận sông suối để làm đập thủy điện tràn lan đã thấy nhãn tiền rồi.”

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt nam (VICOFA) niên vụ 2012-2013 sản lượng cà phê giảm 1/4 so với mùa trước, nay Tây nguyên đang chịu đại hạn hán lớn nhất trong vòng 10 năm qua có thể làm giảm sản lượng niên vụ tới (2013-2014) khoảng 1/3. Hiện nay 70% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây nguyên đang thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Ông Đỗ Hà Nam Chủ tịch Câu lạc bộ 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nhận định:

Lễ hội cà phê lần thứ 4 ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 09 tháng 3 năm 2013. AFP PHOTO.

“Năm 2012 mùa mưa kết thúc sớm một tháng vào tháng 9, cho nên hệ thống các mạch ngầm bị thiếu nước nghiêm trọng, các hệ thống trữ nước không bảo đảm cho nên dẫn đến hậu quả ngày hôm nay thôi. Khô hạn tương đương vụ hạn cách đây 10 năm cho nên ảnh hưởng cây cà phê là rất lớn. Đặc biệt mùa mưa kết thúc rất sớm, thu hoạch vụ cà phê cũng sớm, nhiều trường hợp hoa nở trước khi thu hoạch nữa, dự kiến có thể mất 30% sản lượng vụ tới.”

Nhà tư vấn cho nông dân Nguyễn Vịnh nói về khía cạnh chuyên môn khi cây cà phê thiếu nước vào giai đoạn cần thiết nhất. Nếu đủ nước tưới cây cà phê sẽ phát triển mạnh, nuôi được lượng bông nhiều và tất yếu lượt quả sẽ nhiều. Ông Vịnh nhấn mạnh:

“Nếu nước ít thì cung cấp dinh dưỡng cho cây không đủ thì lượng bông chắc chắn sẽ bị khô bớt đi và lượng cành cũng có thể bị chết bớt đi. Theo ông Lương Văn Tự (Chủ tịch VICOFA) nói tại Lễ hội Cà phê thì sản lượng vụ tới sẽ giảm 30%. Nhưng tôi nghĩ là, nếu tình trạng hạn hán mà còn tiếp diễn thì mức độ trầm trọng càng lớn hơn nữa.”

Tổng diện tích trồng cà phê của Việt Nam khoảng 550.000 héc ta, chủ yếu nằm ở các tỉnh Tây nguyên. Năm 2012 xuất khẩu cà phê đạt kim ngạch 3 tỷ 730 triệu USD, một con số ngoạn mục trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên ngưới trồng cà phê chưa hài lòng, thu nhập trung bình của nông dân trên một héc-ta cà phê đạt 120 triệu/năm, lớn hơn thu nhập của người trồng lúa rất nhiều. Nhưng người trồng cà phê không phải không có lý khi nói lợi nhuận từ cà phê còn thấp, nếu so sánh với Brazil, nước này mỗi năm xuất chừng 1,8 triệu tấn cà phê nhưng đạt kim ngạch 8 tỷ USD trong khi Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn trị giá 3,7 tỷ USD.

Nam Nguyên

Theo rfa

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc