Home » Thể thao » Ông Lê Hùng Dũng trở thành ứng viên lớn nhất
Sau cuộc họp thường trực và ban chấp hành LĐBĐ VN (VFF) diễn ra hôm 28-3 tại Hà Nội, phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trở thành ứng viên lớn nhất trong cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch VFF

Ông Lê Hùng Dũng (trái) được nhiều nhà chuyên môn nhìn nhận là người có năng lực và dám nói - Ảnh: Sĩ Huyên

Có tám ứng viên được đề cử cho chức danh chủ tịch VFF khóa VII, trong đó có cả Trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh. Tuy nhiên đến thời điểm này, phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vẫn là ứng viên sáng giá nhất bởi ông Nguyễn Bá Thanh đã từ chối vì bận công việc. Trong khi đó, một ứng viên nặng ký khác là doanh nhân Võ Quốc Thắng cũng rút lui vì không sắp xếp được thời gian. Đó là những thông tin quan trọng được ông Nguyễn Trọng Hỷ – chủ tịch VFF – thông báo với giới truyền thông sau cuộc họp thường trực và ban chấp hành (BCH) VFF.

Tham dự cuộc họp, ngoài các thành viên BCH VFF còn có mặt Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.

Liên quan đến danh sách đề cử các thành viên tham gia BCH VFF khóa VII, số liệu tập hợp phiếu đề cử đến ngày 28-3 cho biết đã có 45 cá nhân được đề cử vào BCH khóa VII. Tuy nhiên đây chưa phải là con số cuối cùng bởi trong số 77 CLB (những đơn vị thành viên của VFF) đến thời điểm này có nhiều đơn vị vẫn chưa hoặc sẽ còn gửi đề cử từ nay đến ngày 10-4.

Trong 45 nhân vật đề cử vào BCH, có tám người được đề cử cho chức danh chủ tịch VFF khóa VII là: ông Nguyễn Bá Thanh (trưởng Ban Nội chính trung ương), ông Võ Quốc Thắng (chủ tịch ĐTLA), ông Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Tập đoàn T&T), ông Lê Hùng Dũng (chủ tịch HĐQT Eximbank, SJC), ông Hoàng Anh Xuân (tổng giám đốc Tập đoàn Viettel), ông Phạm Văn Tuấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), ông Lê Quý Phượng (hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM) và ông Lê Khánh Hải (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL).

Tuy nhiên ngay trong cuộc họp ngày 28-3, ông Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Tôi đã đến gặp anh Nguyễn Bá Thanh để mời anh về làm giúp bóng đá VN, anh Thanh đã từ chối vì quá bận rộn công việc. Tuy nhiên anh Thanh hứa sẽ nỗ lực hỗ trợ để giúp bóng đá VN phát triển. Anh Võ Quốc Thắng dù được tín nhiệm đề cử nhưng do không bố trí được thời gian nên cũng từ chối”.

Ngoài ra, ông Lê Quý Phượng đã thông báo từ chối tham gia ứng cử chủ tịch VFF mà chỉ ứng cử thành viên BCH VFF khóa VII. Ông Đỗ Quang Hiển cũng nói không với chức chủ tịch VFF. Như vậy, đến thời điểm này chỉ còn ba ứng viên cho chiếc ghế chủ tịch là ông Lê Hùng Dũng, Phạm Văn Tuấn và Lê Khánh Hải. Tuy nhiên ông Lê Khánh Hải cũng chưa chắc sẽ tham gia ứng cử bởi cả ông và ông Phạm Văn Tuấn đều là người của Bộ VH-TT&DL. Rất có thể Bộ VH-TT&DL chỉ cử một đại diện tham gia cuộc đua này.

Nếu như ở vị trí chủ tịch dù có nhiều đề cử nhưng rốt cuộc những ứng viên nặng ký đều rút lui thì ở các đề cử cho vị trí phó chủ tịch, tổng thư ký cũng không xuất hiện ứng viên nào mới, tiềm năng. Nhiều nhân vật từng phải từ chức, bị cách chức ở VFF trước đây tiếp tục là những cái tên được đề cử cho vị trí phó chủ tịch, tổng thư ký khóa VII. Có tám người được đề cử ở vị trí phó chủ tịch là các ông Lê Hùng Dũng, Phạm Ngọc Viễn, Nguyễn Lân Trung, Phạm Văn Tuấn, Trần Quốc Tuấn, Phan Anh Tú, Lê Văn Thành và Dương Nghiệp Khôi. Ở vị trí tổng thư ký, ba nhân vật cũ của VFF là Phạm Ngọc Viễn, Trần Quốc Tuấn và Dương Nghiệp Khôi tiếp tục được đề cử vào khóa VII.

Theo ông Nguyễn Trọng Hỷ, tất cả ứng viên tham gia tranh cử ở vị trí chủ tịch, phó chủ tịch VFF khóa VII đều phải có đề án tranh cử, đây là điểm mới của đại hội. Hiện VFF đã gửi công văn đến tất cả ứng viên được đề cử vào BCH và các vị trí chủ chốt để xin ý kiến. Từ nay đến trước ngày 10-4 sẽ là thời gian để các cá nhân cân nhắc, suy nghĩ và đưa ra câu trả lời có tham gia ứng cử không. Tất cả thành viên tham gia ứng cử phải làm hồ sơ ứng cử, sơ yếu lý lịch, bản xác nhận đồng ý ứng cử của cơ quan chủ quản (nếu có). “Ứng viên chủ tịch VFF nếu là người nhà nước phải có vị trí cao cấp, có năng lực, uy tín. Nếu là doanh nhân thì ngoài những điều kiện trên phải là người có tâm huyết, kiếm ra nhiều tiền” – ông Hỷ nói.

Đại hội VFF sẽ diễn ra ngày 5-6. Mỗi CLB, đơn vị thành viên được cử hai đại biểu tham dự đại hội và một người được bỏ phiếu. Các ứng viên sẽ được bầu vào BCH (23 thành viên), sau đó các thành viên BCH sẽ là người bầu chủ tịch và các phó chủ tịch. Tổng thư ký VFF không nhất thiết phải là người trong hoặc ngoài BCH. Dự kiến đại hội VFF sẽ được truyền hình trực tiếp.

Ông Hoàng Văn Phúc ký hợp đồng lâu dài làm HLV trưởng ĐTQG

Thường trực VFF trong cuộc họp sáng 28-3 đã đi đến thống nhất sẽ mời HLV Hoàng Văn Phúc làm HLV trưởng ĐTQG và U-23 VN. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, hợp đồng giữa hai bên dự kiến kéo dài và được ký trước khi đại hội VFF khóa VII diễn ra. Trao đổi với Tuổi Trẻ, HLV Hoàng Văn Phúc cho biết ông rất vui vì lời đề nghị của lãnh đạo VFF và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, do hợp đồng của ông với CLB hạng nhất Hà Nội còn kéo dài đến hết tháng 8 nên ông và VFF sẽ phải bàn bạc thêm trước khi ký hợp đồng chính thức.

KHƯƠNG XUÂN

Theo tuoitre

Chuyên đề: ,

Comments are closed.