Home » Kinh doanh » Lãi suất giảm, tiết kiệm vẫn tăng mạnh
Tính đến 31/5, huy động vốn bằng VND tăng 7,55% trong bối cảnh tín dụng cho nền kinh tế tăng chậm, cho thấy “gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh được lựa chọn của người dân”.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012, khá phù hợp với định hướng từ 14 -16% cho cả năm 2013. Huy động vốn tăng 6,59% so với cuối năm 2012, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 7,55% và huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 0,84%.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, huy động vốn bằng VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 11,5%), tổ chức kinh tế tăng 1,23% cho thấy: “gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh được lựa chọn của người dân. Tiền gửi VND của người dân tăng cao trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, phản ánh nguồn tiền này chủ yếu được chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang VND”.

Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 31/5 tăng 2,98%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (5 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng có 0,56%) và cải thiện qua các tháng. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, còn tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%. 

Trong thời gian này, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo chủ trương của Chính phủ, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Ước đến cuối tháng 4, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 4%; tín dụng xuất khẩu tăng 5,74%; đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (2,98%); doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 1%; công nghiệp hỗ trợ tăng 0,02% so với cuối năm 2012.

Lý giải tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng cao, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sáng ngày 13/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong 5 năm gần đây, ngân hàng đã ưu tiên nguồn vốn cho phát triển tam nông (lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân).

Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm tín dụng tam nông tăng 20%, đặc biệt từ năm 2010 khi Chính phủ ban hành cơ chế chính sách tín dụng cho lĩnh vực tam nông thì tín dụng lĩnh vực này tăng nhanh chóng, trong 5 năm qua tín dụng tam nông tăng gấp 2 lần. Tính đến ngày 31/12/2012 dư nợ tín dụng tam nông đạt 561.533 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm nay, tín dụng cả nền kinh tế chỉ tăng hơn 2% nhưng tín dụng tam nông tăng xấp xỉ 5%. Như vậy, trong mấy năm gần đây, mặc dù tín dụng cho nền kinh tế tăng không cao nhưng tín dụng tam nông vẫn tăng cao. 

Huy động vốn tăng mạnh so với mức tăng trưởng của tín dụng đối với nền kinh tế cho thấy thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trong điều kiện huy động vốn tăng cao, tín dụng khó mở rộng, hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng cường mua trái phiếu Chính phủ để đưa tiền ra nền kinh tế qua kênh ngân sách, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản”.

Với mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ, điều tiết tiền tệ hợp lý để đảm bảo thanh khoản, từ nay đến hết năm 2013, hệ thống ngân hàng sẽ phấn đấu tăng trưởng tín dụng đặt tốc độ 12%, thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo chủ trương của Chính phủ.

Hệ thống ngân hàng cũng đang khẩn trương thực hiện các bước và thủ tục cần thiết để sớm đưa Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động, nhằm thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế. 

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, những tháng còn lại của năm, chính sách tiền tệ cần nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống khoảng 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ qui định trần lãi suất huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.

An Hạ

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc